Vì sao quần đảo Senkaku là điểm nóng trong quan hệ Trung-Nhật
Tin tức - Ngày đăng : 08:03, 12/02/2017
Quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư). (Nguồn: The Independent)
Senkaku (hiện do Nhật Bản kiểm soát, Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Điếu Ngư) không chỉ là một ngư trường giàu có, quần đảo không người ở này còn có một vị trí chiến lược quan trọng trên tuyến đường biển và đầy tiềm năng về khai thác dầu khí.
Quần đảo, gồm 5 đảo không người ở và 3 bãi đá trơ trọi giữa biển, có kích cỡ từ 800 m² đến 4,32 km², được đặt dưới sự kiểm soát của quân đội Hoa Kỳ từ sau Thế Chiến 2. Năm 1971, Hoa Kỳ trao trả lại quyền kiểm soát Okinawa, bao gồm cả quần đảo này cho Nhật Bản.
Từ năm 1972, Trung Quốc và Đài Loan cũng đã tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo này. Sau khi các hòn đảo được Nhật Bản quốc hữu hoá vào năm 2013, căng thẳng đã liên tục leo thang tại đây.
Theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản, tình hình tại biển Hoa Đông đang trở nên tồi tệ hơn. Thống kê của phía Nhật Bản cho thấy số lượng và thời gian tàu của Lực lượng Tuần duyên Trung Quốc tiến vào vùng biển chủ quyền Nhật Bản quanh Senkaku liên tục tăng lên.
Vào năm 2008, số lần tàu Trung Quốc tiến vào vùng biển chủ quyền Nhật Bản quanh Senkaku là 1 lần/năm thì từ năm 2012, số lần đã tăng nhanh lên 3-8 lần/tháng.
Kích cỡ các con tàu cũng ngày càng tăng, từ tàu tải trọng trên 3.000 tấn, đến những con tàu 5.000 tấn và vào tháng 7-2016 còn xuất hiện những con tàu trên 10.000 tấn. Từ tháng 12-2015, các tàu Trung Quốc cũng đã có các dấu hiệu cho thấy chúng được trang bị cả vũ khí.
Tàu Hải cảnh Trung Quốc. (Nguồn: AP)
Đặc biệt, trong khoảng thời gian từ ngày 5 đến 12-8-2016, các tàu Trung Quốc đã gia tăng mạnh mẽ hoạt động quanh Senkaku/Điếu Ngư. Có thời điểm tới 15 tàu của Chính phủ Trung Quốc cùng hàng trăm tàu cá đã tiến vào vùng biển quanh Senkaku.
Trung Quốc cũng gia tăng mạnh mẽ các hoạt động trên không. Theo nguồn tin Bộ Quốc phòng Nhật Bản, vào năm 2006, số lần máy bay Trung Quốc đi vào không phận Nhật Bản ở gần Senkaku là 22 lần/năm thì đến năm 2012 bất ngờ tăng vọt lên 306. Con số này tiếp tục tăng lên 644 lần chỉ trong 9 tháng của năm 2016 (năm tài khóa của Nhật Bản bắt đầu vào 1-4-2016).
“Chúng tôi đã gia tăng tuần tra quanh Senkaku để khẳng định chủ quyền và yêu cầu các tàu Trung Quốc rời đi”, ông Hiroaki Ohdachi, người phát ngôn của Lực lượng Tuần duyên Nhật Bản (JCG) trả lời phỏng vấn của phóng viên VietnamPlus ở Nhật Bản.
“Tôi không thể nêu rõ, nhưng có thể nói số tàu của chúng tôi nhiều hơn Trung Quốc. Chính sách của chúng tôi là vượt qua (về mặt số lượng) các tàu Trung Quốc. Vì vậy nếu họ xuất hiện ở đó 3-4 lần, chúng tôi muốn tuần tra ở đó nhiều hơn và nếu họ xuất hiện 6-7 lần, chúng tôi lại tăng tuần tra lên nhiều hơn, nhiều hơn nữa.”
Tại căn cứ của JCG ở Ishigaki, nơi phụ trách việc tuần tra quanh Senkaku, số lượng tàu tuần tra đang được bổ sung mạnh mẽ. Từ 10 tàu vào đầu năm 2016, đến nay căn cứ này đã có đội tàu lên tới 16 chiếc, trong đó có những chiếc tàu thế hệ mới Kunigami. Tuy không phải là 1 trong 11 trụ sở khu vực chính nhưng nơi đây lại có số lượng tàu tuần tra lớn nhất của JCG.
Việc tuần tra hàng ngày đến quần đảo Senkaku đang được JCG triển khai, với thời gian mỗi chuyến đi kéo dài khoảng 5-6 tiếng. JCG cũng cử tàu ra canh giữ và bảo vệ các tàu cá khi cần thiết. Tuy nhiên, các ngư dân Nhật đã dừng việc đánh bắt cá tại khu vực này vì lo ngại an toàn trước một số lượng khổng lồ tàu cá và tàu Chính phủ Trung Quốc.
Những chiếc tàu tuần tra thế hệ mới Kunigami của JCG được bổ sung để tuần tra ở Senkaku. (Ảnh: T.H/Vietnam+)
Một số người cho rằng Nhật Bản cần có những hành động mạnh hơn nữa để thể hiện chủ quyền của mình. Thị trưởng Ishigaki cho biết chính quyền thành phố từng kiến nghị lên Chính phủ Nhật Bản để xây dựng một số công trình tại Senkaku nhưng kiến nghị đó vẫn chưa được thông qua. Ông cũng bày tỏ lo ngại Trung Quốc sẽ thực hiện các hành động ngày càng mạnh hơn nếu Nhật Bản không thể hiện thái độ.
Chính phủ Nhật Bản hiện đang dành nhiều quan tâm cho việc xử lý căng thẳng tại khu vực này. Một đơn vị tác chiến thông minh đã được điều động để theo dõi sát tình hình tại điểm nóng này.
“Trung Quốc đã mở rộng hoạt động (trái phép) của họ (trên các hòn đảo tranh chấp) tại Biển Đông, và tôi lo ngại rằng họ cũng có thể làm điều tương tự như vậy tại khu vực Senkaku”, một quan chức Bộ Ngoại giao Nhật Bản nhận định.
Nhật Bản cũng đang tìm kiếm sự ủng hộ từ dư luận quốc tế, đặc biệt là từ phía Mỹ. Trong chuyến thăm Nhật Bản mới đây của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Matis, Mỹ đã cam kết thực hiện Điều 5 trong Hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật về việc bảo vệ các khu vực thuộc quyền kiểm soát của Nhật Bản, bao gồm quần đảo Senkaku.
Ngay sau khi truyền thông đưa tin về động thái này, Trung Quốc đã kêu gọi Mỹ ngừng đưa ra các bình luận sai trái về vấn đề chủ quyền quần đảo Điếu Ngư/Senkaku, đồng thời tránh làm vấn đề thêm phức tạp và khiến tình hình khu vực bất ổn.
Theo Vietnam+