Đặc sắc hệ thống tượng Phật chùa Côn Sơn

Phong tục - Lễ hội - Ngày đăng : 06:49, 16/02/2017

Hệ thống tượng Phật có một không hai" đã góp phần làm nên giá trị nổi bật của chùa Côn Sơn.



Hệ thống tượng Phật đặc sắc tại chùa Côn Sơn

Những tác phẩm điêu khắc quý

Chùa Côn Sơn (tên chữ là Thiên Tư Phúc) được khởi dựng thời Trần. Theo văn bia, thời Trần, chùa Côn Sơn có kiến trúc nội công ngoại quốc với đầy đủ các công trình từ hồ Bán Nguyệt lên đến đỉnh núi Côn Sơn và núi Ngũ Nhạc.

Dưới thời hậu Lê, Nhà nước phong kiến đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng chùa Côn Sơn,  làm mới các chư phật, tạc mới các pho tượng...

Mặc dù từ thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20, hệ thống tượng chùa Côn Sơn bị mất mát, không còn nguyên vẹn do chiến tranh, thế nhưng hệ thống tượng Phật còn lưu lại ngày nay vẫn rất đặc sắc. Bước vào chùa chính là 2 pho tượng hộ pháp lớn án ngữ ở thượng điện. Tại đây còn có 1 pho đức ông và 1 pho thánh tăng được tạo tác công phu. Hệ thống tượng tại chính điện được chia làm 4 lớp theo sắp xếp của chùa đồng bằng Bắc Bộ. Trên cùng là 3 pho tam thế Phật hiếm gặp ở chùa khác, đại diện cho quá khứ, hiện tại và vị lai của đức Phật. Lớp thứ 2, ở giữa là pho Di Đà Tam Tôn cao 2,9 m, lớn nhất trong Phật điện, hai bên là Quan Thế Âm Bồ Tát và Đại Thế Chí Bồ Tát và hai Bồ Tát chủ việc cứu độ chúng sinh về cõi cực lạc. Do kích thước quá lớn, sau này pho Di Đà Tam Tôn được chuyển bài trí lên lớp thứ nhất, tạo sự khác biệt so với các ngôi chùa khác.

Trong lớp thứ 3, ở giữa là pho Thích Ca cầm hoa sen, hai bên là pho Ca Diếp và An Nan - hai đại đồ đệ của đức Phật. Lớp thứ 4 là pho tượng Cửu Long theo điển tích khi Đức Thích Ca Mầu Ni mới giáng sinh, có chín con rồng xuống phun nước cho ngài tắm, đoạn ngài đi bẩy bước tay trái chỉ lên trời, tay phải chỉ xuống đất. Các pho tượng trên đều là các tác phẩm điêu khắc quý, mẫu mực, có niên đại thế kỷ 17. Trong đó, ngoại trừ pho Cửu Long được đúc bằng đồng, tất cả các tượng Phật còn lại đều được làm bằng gỗ mít sơn son thếp vàng.

Ông Lê Duy Mạnh, Phó Trưởng Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc cho biết: Không chỉ ở Phật điện, hệ thống tượng tại nhà tổ cũng là các tác phẩm điêu khắc có một không hai. Trong đó, nổi bật là bộ tượng Trúc Lâm tam tổ: Phật hoàng Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang ở lớp thứ hai thế kỷ 19. Đây được đánh giá là bộ tượng Trúc Lâm tam tổ có giá trị và đẹp nhất Việt Nam. Pho tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông nửa để mình trần, nửa khoác áo khá hiếm gặp. Một pho tượng khác cũng được coi là mẫu mực cho tượng chân dung thế kỷ 19 là pho Đại Tư đồ Trần Nguyên Đán với gương mặt uy nghiêm ở giữa lớp thứ 3. Ngoài ra tại Tổ đường còn có các pho tượng đặc sắc khác là 3 pho tam thế Phật, pho tăng thống, tăng lục, Quan Âm tọa sơn…

Không ngừng tu tạo

Ngoài hệ thống tượng Phật đã có từ xa xưa, trong những năm qua, hệ thống tượng Phật trong chùa Côn Sơn không ngừng được tu tạo từ nguồn kinh phí xã hội hóa do nhân dân, phật tử cung tiến. Kỳ Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2014, tại di tích Côn Sơn đã diễn ra đại lễ đúc 18 pho tượng La Hán với sự tham gia của trên 1.000 tăng ni, phật tử, nhân dân địa phương. Theo văn bia chùa Côn Sơn xưa, trong chùa có 18 pho La Hán do phật tử và nhân dân cung tiến. Các pho tượng được đúc có trọng lượng từ 500-1.000 kg bằng đồng. Sau quá trình đúc, tạo tác, tháng 2-2015, các pho tượng đã được chuyển về đặt tại hai dãy hành lang chùa Côn Sơn để làm lễ an vị. Hệ thống tượng La Hán hoàn thiện đã góp phần làm cho hệ thống tượng phật chùa Côn Sơn thêm uy nghi, hoành tráng. Du khách Nguyễn Viết Quang quê ở tỉnh Bắc Ninh chia sẻ: Đến Côn Sơn, tôi không chỉ ấn tượng với các công trình kiến trúc mà còn rất thích chiêm ngưỡng hệ thống tượng Phật ở đây. Vài năm qua, nhiều tượng Phật trong chùa được tu tạo mới làm cho di tích thêm đặc sắc.

Năm 2015, khi công trình tòa Cửu phẩm liên hoa chùa Côn Sơn được khởi công xây dựng, Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc tiếp tục kêu gọi các tăng ni, phật tử, nhân dân công đức đúc 216 pho tượng Phật trên tòa Cửu phẩm liên hoa. Kết quả, các tăng ni, phật tử, nhân dân đã phát tâm công đức hơn 1 tỷ đồng đúc hoàn chỉnh hệ thống tượng. Công trình đã được khánh thành vào đúng dịp khai hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc năm nay.

Thực hiện việc tôn tạo theo Quy hoạch tổng thể bảo tồn khu di tích lịch sử, văn hóa Côn Sơn - Kiếp Bạc gắn với phát triển du lịch thị xã Chí Linh, sau Lễ hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc, tại khu di tích Côn Sơn sẽ tiếp tục khởi công xây dựng pho tượng Quan Thế Âm Bồ Tát trên núi phía sau chùa với chiều cao khoảng 10m. Dự kiến sau này tại chùa Côn Sơn sẽ còn tiếp tục xây dựng 4 pho Tứ trấn Thiên vương hộ thế.

NGỌC HÙNG