Gỡ khó trong sản xuất mạ khay

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 06:37, 21/02/2017

Sử dụng mạ khay để cấy bằng máy cho hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần so với cấy thủ công. Tuy nhiên, việc sản xuất mạ khay vẫn manh mún, chưa đáp ứng được nhu cầu.



Sản xuất mạ khay để cấy bằng máy không đủ đáp ứng nhu cầu của người dân


Sản xuất manh mún

Sở Khoa học và Công nghệ đã nghiệm thu nhiều đề tài, trong đó có Đề tài "Xây dựng mô hình mẫu về sản xuất lúa trên cánh đồng sau dồn điền, đổi thửa tại tỉnh Hải Dương". Kết quả cho thấy năng suất bình quân lúa cấy bằng máy mỗi ha cao hơn từ 2-5 tạ so với cấy thủ công và gieo vãi, trong khi chi phí sản xuất thấp hơn từ 2-3 triệu đồng. Để tăng thu nhập, nhiều nông dân mong muốn được cấy bằng máy. Hiện tại việc cấy bằng máy đang hoàn toàn phụ thuộc vào các cơ sở sản xuất mạ khay. Trong khi đó, toàn tỉnh chỉ có vài cơ sở sản xuất mạ khay ở các huyện Thanh Miện, Cẩm Giàng, Kinh Môn, Bình Giang. Gia đình anh Cao Văn Lâm ở xã Ngô Quyền (Thanh Miện) có cơ sở sản xuất mạ khay lớn cũng chỉ có 3 máy cấy và khoảng 2 mẫu dùng để sản xuất mạ khay. Mỗi vụ cơ sở này cũng chỉ cung cấp mạ khay để cấy bằng máy cho khoảng 400 mẫu. “Như thế đã là quá tải đối với cơ sở của chúng tôi. Vì mặt bằng sản xuất mạ khay ở đây hẹp nên dù nông dân có đến nài nỉ chúng tôi cũng không sản xuất thêm được", anh Lâm cho biết.

Không chỉ thiếu mặt bằng để sản xuất mạ khay, theo ông Vũ Thế Thượng ở thôn Quý Dương, xã Tân Trường (Cẩm Giàng), kỹ thuật sản xuất mạ đòi hỏi cao, cần vốn lớn và quy trình đồng bộ. Tối thiểu chủ hộ phải có máy làm đất, máy gieo hạt, khay, hệ thống tưới nước và không gian rộng. Mạ khay phải bảo đảm đủ độ dài, độ dày và độ cứng thì mới có thể cấy bằng máy. Hiện tại, không phải chủ máy cấy nào cũng có thể sản xuất được mạ khay chứ chưa nói đến người dân. “Cơ sở của tôi chỉ sản xuất được mạ khay bảo đảm cho 20 ha của gia đình và mỗi vụ bán ra cho các chủ máy khác khoảng 4.000 khay để cấy cho hơn 18 ha, như thế đã quá sức rồi. Nếu cứ sản xuất manh mún như hiện nay thì khó có được một nền nông nghiệp hiện đại”, ông Thượng khẳng định.

Cần cơ chế hỗ trợ



Mỗi vụ, cơ sở của ông Vũ Thế Thượng ở thôn Quý Dương, xã Tân Trường (Cẩm Giàng) sản xuất mạ khay cấy máy cho 38 ha


Để khắc phục khó khăn, ông Nguyễn Xuân Hạ, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kinh Môn đề xuất, tỉnh nên tạo cơ chế đặc thù cho các chủ máy, đơn vị, cá nhân thuê mặt bằng để sản xuất mạ khay. Từ đó khuyến khích các doanh nghiệp tham gia sản xuất mạ khay với quy mô lớn. Hiện nay, người dân ở huyện Kinh Môn có nhu cầu cấy máy quá lớn, nhưng do không có mặt bằng để sản xuất mạ khay nên vụ xuân này các cơ sở chỉ bảo đảm cấy máy cho khoảng 100 ha.

So sánh với các tỉnh bạn, anh Cao Văn Lâm ngậm ngùi: “Tôi được biết các tỉnh như Thanh Hóa, Hải Phòng, Nam Định và cả Hưng Yên đều đã có cơ chế hỗ trợ như mua máy cấy dưới 90 triệu đồng được tặng 30% tiền mặt trị giá chiếc máy cấy đó, hay hỗ trợ nông dân 50% kinh phí mua mạ khay. Hỗ trợ là thế mà có tỉnh còn chưa nhân rộng được”.

Trong khi chờ Nhà nước hỗ trợ, ông Vũ Thế Thượng đề xuất giải pháp trước mắt gỡ khó trong khâu mặt bằng sản xuất mạ khay là sau khi làm đất, các chủ cơ sở sản xuất gieo mạ vào khay và chắc chắn cây mạ có thể sinh trưởng tốt thì sẽ giao cho nông dân mang khay về từng hộ để tưới nước và chăm sóc. Như vậy, các hộ có thể tận dụng không gian ở mỗi gia đình để sản xuất mạ. Nhưng về lâu dài, vẫn phải hình thành những cơ sở sản xuất mạ khay tập trung, quy mô lớn. Vì mạ khay đòi hỏi quy trình kỹ thuật cao, đồng bộ từ khâu làm đất, gieo hạt đến chăm sóc.

Bà Vũ Thị Hà, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, sở đã giao cho Trung tâm Khuyến nông xây dựng và nhân rộng những tổ hợp mô hình cấy lúa bằng máy. Tuy nhiên, đến nay vẫn chỉ manh nha một số tổ hợp chứ chưa nhân rộng được trên quy mô lớn, chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa 4 nhà trong sản xuất mạ khay. Sản xuất mạ khay chưa đáp ứng kịp nhu cầu thực tế. Sở cũng sẽ đề nghị UBND tỉnh xây dựng cơ chế đặc thù để có thể sản xuất mạ với quy mô lớn, tập trung, hướng tới một nền nông nghiệp hiện đại.

Thời gian tới, Sở Khoa học và Công nghệ sẽ tổ chức hội thảo chuyên đề xung quanh vấn đề sản xuất mạ khay để cấy bằng máy. Sở sẽ mời đại diện lãnh đạo địa phương, các đơn vị, người dân tham gia thực hiện đề tài "Xây dựng mô hình mẫu về sản xuất lúa trên cánh đồng sau dồn điền, đổi thửa tại tỉnh Hải Dương" để đóng góp ý kiến; trên cơ sở đó tiếp thu, tổng hợp các kiến nghị và sẽ trình Hội đồng Khoa học tỉnh để xem xét xây dựng các nhiệm vụ khoa học cụ thể.

THÚY HÀ

Quy trình sản xuất mạ khay của Nhật Bản

1. Lựa chọn và lấy đất làm mạ. Lựa chọn đất thịt có độ pH trung tính, ít lẫn cát, sét, sỏi. Lấy đất ở tầng trên của đất canh tác là tốt nhất. Đất sau khi phơi khô được đập hoặc nghiền nhỏ, cho vào máy sàng lấy những hạt từ 0,8 -  3 mm.

2. Trộn đất. Trộn đất với mùn cưa hoặc xơ dừa nghiền nhỏ, đã được xử lý cộng với một lượng đạm, lân, kali hợp lý.

3. Lựa chọn giống. Chọn giống cho năng suất cao, có địa chỉ đơn vị sản xuất, thời hạn sử dụng.

4. Xử lý hạt giống. Pha 1,5 kg muối ăn (NaCl) vào 10 lít nước, sau đó cho lúa giống vào để diệt một số bệnh và vớt lúa lép nổi ra ngoài.

5. Ngâm ủ giống. Tùy từng loại giống có thể ngâm từ 48-72 tiếng, khi nào có khoảng 80% hạt lúa nứt nanh thì vớt lên đem ủ.

6. Chuẩn bị khay. Căn cứ vào diện tích cấy máy để chuẩn bị số lượng giống và số khay hợp lý. Cho đất đã được trộn vào khay, gạt bằng, độ dày từ 1-1,5 cm, sau đó làm ẩm đất trước khi gieo hạt.

7. Gieo và phủ đất. Mộng mạ sau khi ủ được gieo đều lên mặt giá thể trong khay với lượng giống gieo khoảng 1,8 lạng mộng/khay, sau đó dùng đất bột phủ một lớp mỏng từ 2 - 4 mm làm sao cho kín mộng.

8. Chăm sóc. Mỗi ngày tưới mạ 1 lần để giữ cho đất trong khay luôn ẩm. Thường xuyên kiểm tra nếu mạ xuất hiện sâu, bệnh thì kịp thời phòng trừ. Đến khi mạ từ 2,5 - 3 lá thì mang ra cấy.

Theo http://www.kubotahanoi.com.vn