Hành trình gần 1 năm đi tìm đứa con mang nặng đẻ đau
Đời sống - Ngày đăng : 10:48, 25/02/2017
Bé D.A đã bị tách ra khỏi mẹ ngay từ khi mới hơn 7 tháng tuổi tới tận hiện tại, bất chấp phán quyết của Tòa án nhân dân huyện Tĩnh Gia (Ảnh được mẹ bé D.A cung cấp và đồng ý để VietnamPlus đăng tải)
Mặc dù luật đã quy định rõ, thậm chí Quyết định của Tòa án nhân dân huyện Tĩnh Gia cũng đưa ra kết luận: Quyền nuôi con thuộc về chị Bùi Thị Hằng, thế nhưng, trên thực tế, hành trình để đưa D.A về đến tận lúc này vẫn chưa thực hiện được. Sự vào cuộc có phần thiếu quyết liệt của các cơ quan chức năng địa phương đã vô tình đẩy câu chuyện rẽ sang theo một hướng khác.
Người đàn bà “thưa kiện” ở xứ Thanh
Chị Bùi Thị Hằng (sinh năm 1981, trú tại xã Hải Bình, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa) sau khi chung sống không hôn thú với anh Lương Ngọc (xã Thanh Sơn, Tĩnh Gia, Thanh Hóa) đã có với nhau một con gái chung là cháu D.A.
Do mâu thuẫn, sau khi cháu D.A ra đời, chị Hằng đã đưa cháu về nhà mẹ đẻ sinh sống và làm giấy khai sinh cho cháu theo họ mẹ. Mặc dù vậy, Ngọc đã giữ cháu D.A từ khi mới hơn 7 tháng tuổi tại nhà mình, đồng thời ngăn cản chị Hằng tới thăm và chăm sóc con.
Theo phân tích của luật sư Trương Anh Tú, hành vi của Ngọc đã vi phạm Luật Hôn nhân và gia đình, làm xâm hại đến quyền và lợi ích trực tiếp của mẹ con chị Hằng.
Kể về hành trình đi đòi lại con của chính mình, cho đến tận lúc này, chị Hằng vẫn không giấu được nỗi đau và sự tủi hờn. Mang nặng đẻ đau 9 tháng 10 ngày, đến khi cháu chào đời không bao lâu lại bị người ta giằng ra khỏi vòng tay mẹ. Cứ nghĩ đến D.A, chị lại uất ức đến phát khóc.
Bắt đầu từ tháng 8-2016, sau thời điểm D.A bị Ngọc đưa về nuôi trái phép không lâu, chị bắt đầu… tập viết đơn để kêu cứu. Chị gõ cửa từ Công an huyện Tĩnh Gia, Phòng Lao động thương binh và xã hội Tĩnh Gia, Ủy ban các xã có liên quan đến cả cơ quan Công an, Sở Lao động thương binh và xã hội tỉnh. Đến khi, Công an huyện Tĩnh Gia kết luận vụ việc của chị Hằng không thuộc thẩm quyền xử lý của mình mà thuộc thẩm quyền xử lý của tòa án, một lần nữa, chị lại gõ cửa pháp đình. Cứ ròng rã như thế trong nhiều tháng trời, nhưng bé D.A vẫn chưa thể quay về với chị.
Để có thể đưa D.A trở về, chị Hằng đã trở thành người đàn bà đội đơn thưa kiện ở xứ Thanh. (Ảnh được chị Hằng cung cấp và đồng ý để VietnamPlus đăng tải)
“Đến bây giờ, hầu hết các cơ quan có trách nhiệm của cả tỉnh Thanh Hóa cũng như huyện Tĩnh Gia đều nhẵn mặt chị vì mình lên đưa đơn với hỏi han nhiều quá,” chị Hằng thành thật.
Đang mặn chuyện, người phụ nữ đen đúa líu ríu giở cặp mang ra cho chúng tôi xem một tập đơn rất dày đã gửi đi khắp nơi. Chị bảo: Chỉ vì con, mà giờ chị “mang tiếng” thành người đàn bà đội đơn thưa kiện ở xứ Thanh. Nhưng chị cũng quả quyết nếu một ngày chưa đưa được cháu về, chị sẽ còn tiếp tục đi và tiếp tục kêu cứu.
“Chỉ khi nào, chị được ở với con bé, chị mới yên lòng. Chứ cứ như bây giờ, chị không biết phải sống thế nào nữa,” chị Hằng ngậm ngùi.
Phớt lờ quyết định của tòa án
Điều đáng nói nhất trong vụ “bắt” con ly kỳ này nằm ở chỗ: Mặc dù Tòa án nhân dân huyện Tĩnh Gia đã có quyết định thỏa thuận giữa các bên, trong đó giao quyền nuôi con lại cho chị Bùi Thị Hằng, thế nhưng, đương sự Ngọc vẫn kiên quyết chống đối.
Cụ thể, ngày 8-11-2016, Tòa án nhân dân huyện Tĩnh Gia đã có Quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự số 172/QĐST-HNGD do Thẩm phán Lê Thị Hạnh ký. Theo quyết định này, chị Hằng và Ngọc thỏa thuận giao cháu D.A cho chị Hằng trực tiếp nuôi dưỡng. Ngoài ra, đương sự Ngọc chưa có việc làm và thu nhập ổn định nên không yêu cầu Ngọc phải cấp dưỡng. Ngọc cũng có quyền đi lại thăm nom chăm sóc con chung.
Cũng tại quyết định này nêu rõ: Quyết định có hiệu lực pháp luật ngay sau khi được ban hành và không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.
Như vậy, kể từ ngày 8-11-2016, bản thân Ngọc cũng đồng ý sẽ giao trả lại bé D.A cho chị Hằng nuôi. Tuy nhiên, thực tế thì hoàn toàn ngược lại.
Quyết định của Tòa chỉ rõ quyền nuôi con thuộc về chị Hằng. Tuy nhiên, đương sự Ngọc lại phớt lờ và không thực hiện việc chấp hành án. (Ảnh: Sơn Bách/Vietnam+)
Ông Lương Chí Thành, chấp hành viên thuộc Chi cục Thi hành án dân sự huyện Tĩnh Gia ngán ngẩm cho hay: Suốt từ khi Quyết định được ban hành tới nay, án vẫn chưa thể được thực hiện do vấp phải sự chống đối dữ dội từ phía gia đình của Ngọc.
Chỉ 3 ngày sau khi bản án có hiệu lực, ông Thành đã về trực tiếp xã Thanh Sơn để giao quyết định, văn bản thi hành án cho Ngọc. Tuy nhiên, theo xác nhận của bà Lường Thị Trân là mẹ đẻ đương sự này, vào thời điểm này, Ngọc đã mang bé D.A vào miền Nam. Bản thân bà Trân cũng không nhận quyết định thi hành án và không ký vào các văn bản có liên quan. Việc Ngọc đưa cháu D.A đi khỏi địa phương cũng không được khai báo với chính quyền xã Thanh Sơn.
Điều này buộc cơ quan thi hành án phải ban hành quyết định chưa có điều kiện thi hành án trong chiều cùng ngày.
Các buổi thực hiện thi hành án, lực lượng chức năng luôn gặp phải tình trạng cửa đóng then cài như thế này (Ảnh: Sơn Bách/Vietnam+)
Nhắc đến vụ việc này, ông Thành liên tục lắc đầu. Vị chấp hành viên này cho hay: Suốt từ đó tới nay đã gần 4 tháng, nhưng việc thi hành án hoàn toàn đình trệ. Mỗi lần chấp hành viên xuống nhà vận động, gia đình đều đóng kín cửa, kiên quyết không hợp tác, bất chấp hiệu lực pháp luật của quyết định từ tòa án.
“Bản thân chúng tôi cũng đã 3 lần triệu tập đương sự Ngọc, tuy nhiên, cả 3 lần này Ngọc đều không có mặt,” ông Thành nói.
Phía gia đình đương sự cũng luôn khẳng định họ không biết con trai mình đưa D.A đi đâu. Do đó, cơ quan thi hành án càng không có điều kiện để thực hiện trách nhiệm của mình.
Bản án đã có. Hiệu lực pháp lý cũng đã có. Nhưng người mẹ khốn khổ đất Tĩnh Gia vẫn chưa thể nhận con về. Hành trình đòi con của chị vẫn cứ dài đằng đẵng chưa biết khi nào mới có điểm dừng.
Và, đêm nào, chị cũng sẽ vẫn phải thổn thức mơ về D.A…
Sau gần 4 tháng Tòa án có quyết định giao cháu D.A cho chị Bùi Thị Hằng nuôi dưỡng, bản án vẫn không thể thực hiện với nhiều lý do khác nhau. Sự chậm trễ trong thi hành án đang khiến câu chuyện về hành trình đòi con của chị Hằng kéo dài hơn. Câu hỏi được đặt ra là: Đến bao giờ, bé D.A mới có thể được về với mẹ?