Ngăn chặn các chủng virus xâm nhiễm qua biên giới
Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 17:49, 26/02/2017
Các đại biểu đã thống nhất đưa ra một số định hướng hoạt động trong công tác ngăn chặn virus cúm A/H7N9 và các chủng virus khác xâm nhiễm qua biên giới.
Cán bộ kiểm dịch y tế cửa khẩu Hữu Nghị kiểm tra thân nhiệt của khách nhập cảnh qua màn hình của máy đo thân nhiệt
Tham dự hội nghị có đại diện các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an, Y tế, Tài chính, Công thương…, lãnh đạo UBND 25 thành phố liên quan và đại diện một số Tổ chức quốc tế nước ngoài như FAO, WHO, USCDC…
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Vũ Văn Tám cho biết, theo tổ chức WHO, FAO và các tổ chức khác thì dịch cúm phát hiện tại Trung Quốc từ tháng 3 năm 2013 và đến nay có 1.179 người bị nhiễm cúm virus A/H7N9; trong đó, có 418 ca tử vong, chiếm 34,5%. Theo WHO, chỉ trong 2 tháng đầu năm 2017, Trung Quốc đã ghi nhận 112 trường hợp người bị nhiễm cúm A/H7N9 ở 16 tỉnh thành, đặc biệt là những tỉnh phía nam giáp biên giới Việt Nam; đây là một nguy cơ rất lớn đối với Việt Nam nếu Việt Nam không có biện pháp kịp thời và quyết liệt để ngăn chặn.
Được sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế từ những năm 2014 đến nay, Việt Nam giám sát rất chặt chẽ các loại dịch cúm trên gia cầm; đã lấy hơn 200.000 mẫu giám sát và chưa phát hiện virus cúm A/H7N9 trên gia cầm; cùng với đó, Bộ Y tế cũng đã giám sát chặt chẽ và chưa phát hiện cúm A/H5N9 trên người. Tuy nhiên, theo cảnh báo của các tổ chức Y tế, mặc dù từ năm 2014 đến nay chưa phát hiện virus cúm A/H7N9 cả trên người và trên gia cầm ở Việt Nam nhưng nguy cơ lây nhiễm là rất lớn.
Thực hiện Công điện khẩn của Thủ tướng Chính phủ “Về việc tập trung phòng chống virus cúm A/H7N9 và các chủng virus cúm gia cầm lây lan sang người”, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với tỉnh Lạng Sơn tổ chức hội nghị này nhằm đánh giá đúng thực trạng và đưa ra những giải pháp mạnh mẽ để kiểm soát tốt không để virus cúm A/H7N9 cũng như các virus khác có nguy cơ lây lan qua biên giới cũng như lây lan qua đường buôn lậu, nhập lậu gia cầm cũng như các sản phẩm gia cầm khác.
Với tinh thần khẩn cấp để phòng chống nguy cơ lây lan của virus cúm A/H7N9 qua biên giới, các cơ quan chức năng cần có quyết tâm cao hơn, hành động quyết liệt đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là các tỉnh biên giới cùng với sự giúp đỡ của các tổ chức y tế quốc tế, sẽ ngăn chặn thành công và đẩy lùi được nguy cơ các virus cúm gia cầm lây lan sang người, đặc biệt là virus cúm A/H7N9.
Trong nội địa tỉnh cũng tăng cường kiểm tra, kiểm soát các điểm chăn nuôi, các chợ buôn bán gia cầm; tăng cường công tác tuyên truyền nhân dân không buôn lậu gia cầm qua biên giới; phát động tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng… nhằm ngăn chặn hiệu quả chủng virus cúm A/H7N9 và các chủng virus khác xâm nhiễm qua biên giới.
Tại hội nghị, các đại biểu đã thống nhất đưa ra một số định hướng hoạt động trong công tác ngăn chặn virus cúm A/H7N9 và các chủng virus khác xâm nhiễm qua biên giới cụ thể như: công tác chỉ đạo điều hành, các bộ, ban, ngành cần phối hợp với nhau chặt chẽ để triển khai đồng bộ các biện pháp, ngăn chặn có hiệu quả việc nhập lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới; thành lập các đoàn công tác thường xuyên đi kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch tại tuyến cơ sở.
Các tỉnh biên giới chỉ đạo các đơn vị chức năng như Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Công an, Quản lý thị thường… tổ chức kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn việc nhập lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm, xử lý triệt để các đường dây vận chuyển, các vụ việc buôn lậu, vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới.
Trong nội địa cần tăng cường hoạt động kiểm soát liên ngành, hỗ trợ ngành thú y trong công tác kiểm dịch; xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, kinh doanh gia cầm, động vật, sản phẩm gia cầm, động vật không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển theo quy định; tăng cường kiểm tra, phát hiện và triệt phá các điểm giết mổ, buôn bán gia cầm trái phép cũng như kiểm soát chặt chẽ về nguồn gốc gia cầm tại các chợ buôn bán gia cầm sống ở các tỉnh có liên quan đến việc buôn bán, vận chuyển, thu gom, tập kết, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc…
Các địa phương chủ động giám sát và lấy mẫu gia cầm được buôn bán tại các chợ, điểm thu gom, tập kết thuộc môi trường địa bàn có nguy cơ cao để kịp thời chuẩn đoán, xét nghiệm đối với các mẫu giám sát, các mẫu chẩn đoán dịch bệnh; nghiên cứu xây dựng các phương pháp xét nghiệm nhanh có thể áp dụng ngay tại thực địa nhằm phát hiện kịp thời virus xâm nhập. Cùng với đó, các địa phương cũng chủ động phun độc, khử trùng khu vực cửa khẩu, đường mòn, lối tắt, phương tiện vận chuyển qua lại đường biên giới; vệ sinh, tiêu độc, khử trùng tại các chợ buôn bán gia cầm, khu vực tập kết, vận chuyển gia cầm, cơ sở giết mổ gia cầm, khu vực ổ dịch cũ, địa bàn có nguy cơ cao.
Các ngành chức năng, các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tấn, báo chí để cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh cúm gia cầm, thực hiện công tác truyền thông về nguy cơ của virus cúm A/H7N9, bảođảm sức khỏe cho cộng đồng, hạn chế tác động tiêu cực đến nền kinh tế, nâng cao nhận thức của chính quyền và nhân dân về sự nguy hiểm của virus cúm A/H7N9; phối hợp chặt chẽ với các tổ chức quốc tế như OIE, FAO, WHO… và các nước có liên quan để chia sẻ thông tin về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống; lập kế hoạch ứng phó cụ thể cho từng tình huống dịch, triển khai diễn tập ứng phó dịch, đánh giá nguy cơ…