Thí sinh “Đường lên đỉnh Olympia” vào thẳng đại học: Nên hay không?

Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 07:51, 05/03/2017

Việc tuyển thẳng thí sinh tham dự cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia” vào thẳng đại học đang có nhiều ý kiến trái chiều...


Trường Đại học (ĐH) Kinh tế Quốc dân vừa thông báo phương án tuyển sinh năm 2017. Điểm đặc biệt lưu ý là năm nay, trường đưa ra tiêu chí mở rộng đối tượng tuyển thẳng vào các trường như thu hút thêm đối với các thí sinh tham dự vòng thi tuần cuộc thi "Đường lên đỉnh Olympia".

Trước phương án này, nhiều người đặt vấn đề về cuộc thi "Đường lên đỉnh Olympia" có nên được lấy làm tiêu chí để tuyển thẳng thí sinh vào các trường ĐH tốp đầu hay không.



Một trong những tuần thi của thí sinh tham dự cuộc thi "Đường lên đỉnh Olympia"


PGS.TS Nguyễn Thị Hòa, Trưởng phòng Khảo thí và Bảo đảm chất lượng đào tạo (Trường ĐH Giao thông Vận tải) khẳng định, thí sinh tham dự cuộc thi "Đường lên đỉnh Olympia" đều có kiến thức giỏi toàn diện. Cuộc thi được Hội đồng cố vấn và cả xã hội đánh giá là một sân chơi trí tuệ, tìm kiếm tài năng trẻ có thành tích học tập, hiểu biết xuất sắc về nhiều lĩnh vực...

Nếu cuộc thi được Bộ GD-ĐT xem xét như là kỳ thi học sinh giỏi quốc gia thì các trường ĐH, cao đẳng (CĐ) sẽ thu hút được thí sinh giỏi vào trường. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT cũng cần xem xét tổng chỉ tiêu của các trường ĐH, CĐ trên toàn quốc với số lượng thí sinh trúng tuyển chính thức có nguyện vọng vào ĐH là bao nhiêu để tránh tình trạng nguồn “cung” nhỏ hơn “cầu” hoặc ngược lại.

Ngoài ra, các trường cũng cần công khai phương án xét tuyển và đề xuất tuyển thẳng của mình để Bộ GD-ĐT xem xét cũng như thí sinh biết trước khi nộp hồ sơ tuyển thẳng.

Các trường tốp giữa, tốp dưới có thể gặp khó khăn...

Luật Giáo dục Đại học có đề cập đến việc các trường ĐH có quyền tự chủ về tuyển sinh nên có quyền lựa chọn thí sinh vào học trường mình để bảo đảm chất lượng nguồn tuyển được tốt nhất.

Thế nhưng, khi Bộ GD-ĐT chưa có văn bản bổ sung tiêu chí ưu tiên, tuyển thẳng thí sinh vào ĐH thì các trường cũng nên có sự cẩn trọng khi đưa ra thêm tiêu chí vì có thể sẽ ảnh hưởng đến công tác tuyển sinh của các trường khác khi thực hiện đúng quy định của bộ mà không mở rộng tiêu chí tuyển thẳng.



PGS.TS Nguyễn Thị Hòa


PGS.TS Nguyễn Thị Hòa nêu băn khoăn, theo quy chế tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển vào ĐH, CĐ năm 2017 của Bộ GD-ĐT, việc tuyển thẳng thí sinh vào ĐH đa phần là thí sinh đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, kỳ thi Olympic quốc tế. Quy chế cũng hướng dẫn thí sinh đạt giải ở môn thi nào thì có thể nộp hồ sơ tuyển thẳng vào những trường ĐH có ngành học đó.

Tuy nhiên, nhiều trường như ĐH Giao thông Vận tải không được đào tạo một số ngành có sự tuyển thẳng. Ví dụ, quy định của Bộ GD-ĐT đưa ra là tuyển thẳng thí sinh đạt giải học sinh giỏi quốc gia, Olympic quốc tế môn Toán học, Hóa học, tiếng Anh thì nhà trường lại không có những ngành đó. Mặc dù nhà trường rất mong muốn tuyển chọn những thí sinh này nhưng lại không được tuyển dụng.

Ngoài ra, khó khăn của những trường ĐH tốp giữa hoặc tốp dưới không có nhiều sức hút đối với thí sinh có nguyện vọng tuyển thẳng vào ĐH là khi đưa ra chính sách tuyển thẳng nhưng lại không thể ràng buộc được người học vì các em có thể đăng ký xét tuyển vào trường ĐH khác.

Ví dụ như có thí sinh đã nộp hồ sơ tuyển thẳng vào một trường ĐH nào đó rồi nhưng đến mùa tuyển sinh, thí sinh này thấy một trường ĐH khác hấp dẫn hơn thì lại nộp hồ sơ vào đó. Như vậy, trường thí sinh nộp ban đầu sẽ bị thiếu hụt thí sinh. Đây là một trong những hiện tượng thí sinh “ảo” khiến các trường rất khó bảo đảm việc tuyển đủ thí sinh như chỉ tiêu đề ra.



PGS.TS Trần Xuân Nhĩ


Đứng ở góc độ phía các trường ĐH, CĐ ngoài công lập, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập nhìn nhận, trong Luật Giáo dục Đại học đã quy định rõ việc tự chủ tuyển sinh đối với các trường ĐH.

Một số trường bổ sung tiêu chí tuyển thẳng thí sinh vào trường như ĐH Kinh tế Quốc dân là hoàn toàn bình thường. Bởi vì thực tế hàng năm số lượng thí sinh tham dự cuộc thi "Đường lên đỉnh Olympia" không nhiều (144 em) và chia cho khoảng 150 trường ĐH tốp đầu thì là một con số không lớn.

Mỗi năm có khoảng 800.000 thí sinh tham dự kỳ thi THPT Quốc gia để xét tuyển vào ĐH, CĐ nên 144 học sinh tham dự cuộc thi "Đường lên đỉnh Olympia" thực sự là những tài năng trẻ của đất nước. Vì vậy, trong quy chế của Bộ GD-ĐT cũng có thể bổ sung xét tuyển các thí sinh tham dự vòng thi tuần của cuộc thi để vào thẳng ĐH.

Theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, vấn đề mà Bộ GD-ĐT cần quan tâm là phải khống chế chỉ tiêu tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ nhằm tránh tình trạng những trường ĐH tốp trên hút hết thí sinh ở trường tốp giữa, tốp dưới. Ngoài ra, bộ cũng nên xem xét kỹ để không xảy ra việc nhiều thí sinh đăng ký dồn dập vào một số ngành mà xã hội đang dư thừa hoặc thực sự không có nhu cầu tuyển dụng.

Trả lời phóng viên, PGS.TS Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) cho biết, theo quy chế tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển vào ĐH, CĐ năm 2017 của bộ, việc tuyển thẳng thí sinh vào ĐH đa phần là thí sinh đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, kỳ thi Olympic quốc tế.

Mặc dù Luật Giáo dục Đại học có đề cập vấn đề tự chủ tuyển sinh của các trường ĐH nhưng việc tuyển thẳng vào ĐH vẫn phải theo quy chế và quy định của Bộ GD-ĐT.

Hiện nay, cuộc thi "Đường lên đỉnh Olympia" chưa được đưa vào quy chế tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển vào ĐH, CĐ.

Việc trường ĐH Kinh tế Quốc dân đưa ra tiêu chí mở rộng đối tượng tuyển thẳng vào trường như thu hút thêm đối với các thí sinh tham dự vòng thi tuần cuộc thi "Đường lên đỉnh Olympia" cần được nhà trường đề xuất lên Bộ GD-ĐT xem xét để có thể thay đổi quy chế ưu tiên, tuyển thẳng thí sinh vào ĐH trong những năm tới.

BÍCH LAN (VOV)