10 sự kiện trong nước, quốc tế nổi bật ngày 7.3

Sự kiện qua ảnh - Ngày đăng : 18:21, 07/03/2017

Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XII; Philippines đã tiếp nhận tàu thứ 3 trong số 10 tàu đa năng do Nhật Bản cung cấp... là những sự kiện nổi bật ngày 7.3.




Sáng 7.3, Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XII nhiệm kỳ 2017-2022 với chủ đề “Đoàn kết - Đổi mới - Bình đẳng - Hội nhập” đã khai mạc trọng thể tại Thủ đô Hà Nội. 1.153 đại biểu đại diện cho ý chí, niềm tin và nguyện vọng của các tầng lớp phụ nữ trên khắp các vùng, miền của Tổ quốc đã về dự Đại hội. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự và phát biểu chỉ đạo Đại hội. Cùng dự Đại hội có các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể, các địa phương trong cả nước; các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các vị lão thành cách mạng, nữ Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động; các đồng chí lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam qua các thời kỳ...Trong ảnh: Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, Trung ương MTTQ Việt Nam chụp ảnh chung với các đại biểu.  Ảnh: TTXVN


Nằm trong khuôn khổ chuyến thăm hữu nghị chính thức Việt Nam của Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, sáng 7.3, tại Nhà Quốc hội đã diễn ra hội thảo: “Phân cấp quản lý ở Lào và Việt Nam, những bài học kinh nghiệm của Quốc hội trong phân cấp quản lý ở cấp tỉnh, thành phố và của Chính phủ ở cấp Trung ương, tỉnh, huyện, xã”.Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch Quốc hội Lào Pany Yathotou đồng chủ trì Hội thảo.Phát biểu kết luận hội thảo, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, nội dung thảo luận phong phú, nhiều ý kiến phát biểu giá trị, nhiều vấn đề được làm rõ, đặc biệt có sự chia sẻ thẳng thắn những thực trạng khó khăn, tồn tại trong công tác phân cấp quản lý.Trong ảnh: Đoàn đại biểu Quốc hội hai nước chụp ảnh chung. Ảnh: Nguyễn Dân – TTXVN




Sáng 7.3, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình chủ trì Hội nghị trực tuyến triển khai Chương trình phòng, chống tội phạm đến năm 2020 và phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2017 của Ban Chỉ đạo 138/CP. Phát biểu tại Hội nghị,  Phó Thủ tướngTrương Hòa Bình đặc biệt nhấn mạnh đến việc tấn công trấn áp tội phạm, triệt phá các băng, nhóm tội phạm nguy hiểm, xuyên quốc gia, truy bắt đối tượng truy nã, không để hình thành các băng nhóm, tổ chức tội phạm “lộng hành”, hoạt động theo kiểu “xã hội đen”. Nơi nào để tội phạm hoạt động “lộng hành” trong thời gian dài,  lãnh đạo UBND địa phương phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Trong ảnh: Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN





Ngày 7.3, Thành ủy, HĐND, UBND Tp. Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo TP Hồ Chí Minh và doanh nghiệp trong nước năm 2017 với chủ đề “Đồng hành và phát triển cùng doanh nghiệp”. Trong ảnh: Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Đinh La Thăng, Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cùng lãnh đạo thành phố thực hiện nghi thức khởi động Cổng thông tin kết nối hỗ trợ doanh nghiệp. Ảnh: Thanh Vũ-TTXVN




Ngày 7.3, tại Hà Nội khai mạc Hội nghị cấp cao Liên hợp quốc Khu vực châu Á – Âu tăng cường hợp tác về thuận lợi hoá trung chuyển, thương mại và thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đến dự.Hội nghị diễn ra từ ngày 7 đến 9.3. Trong ảnh: Quang cảnh Phiên khai mạc hội nghị. Ảnh: Nguyễn Khang – TTXVN



Ngày 7.3, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc thông báo Mỹ đã bắt đầu quy trình triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc nhằm đối phó với mối đe dọa ngày càng tăng từ phía Triều Tiên. Theo Bộ này ngày 6.3, hai bệ phóng di động của hệ thống đánh chặn tên lửa nói trên cùng một số thiết bị khác đã được máy bay C-17 của Mỹ vận chuyển đến căn cứ không quân Osan tại Pyeongtaek, cách thủ đô Seoul 70 km về phía nam. THAAD gồm 6 bệ phóng di động, 48 thiết bị đánh chặn, 1 ra-đa X-band và hệ thống kiểm soát. Truyền thông địa phương cho biết các bệ phóng và bộ phận của nhiều thiết bị đã được chuyển đến một căn cứ chưa được xác định của Các lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc (USFK). Trong ảnh (tư liệu do Bộ Quốc phòng Mỹ cung cấp): Phóng thử nghiệm Hệ thống THAAD. MDA/TTXVN



Thủ tướng Malaysia Najib Razak  ngày 7.3 cho biết đã chỉ đạo cảnh sát nước này cấm toàn bộ công dân Triều Tiên rời khỏi Malaysia sau một lệnh cấm tương tự được Bình Nhưỡng đưa ra trước đó cùng ngày.Theo các nguồn tin, Thủ tướng Najib Razak chỉ thị cho lực lượng cảnh sát ngăn chặn mọi công dân Triều Tiên ở Malaysia rời khỏi nước này cho tới khi Malaysia "được đảm bảo về sự an toàn và an ninh của các công dân Malaysia ở Triều Tiên". Ông cũng hối thúc Triều Tiên lập tức trả tự do cho tất cả công dân Malaysia để "tránh thêm leo thang".Trong khi hãng tin Kyodo cùng ngày dẫn nguồn tin từ tờ China Press xuất bản tại Malaysia cho biết, Chính phủ Malaysia sẽ thảo luận vào ngày 10.3 tới về khả năng đóng cửa Đại sứ quán Triều Tiên tại nước này. Trong ảnh: Cảnh sát Malaysia giám sát lối vào chính của Đại sứ quán Triều Tiên ở Kuala Lumpur để ngăn công dân Triều Tiên rời khỏi nước này ngày 7.3. AFP/TTXVN



Ngày 7.3, Philippines đã tiếp nhận tàu thứ 3 trong số 10 tàu đa năng do Nhật Bản cung cấp và chính thức phiên chế vào hạm đội thuộc Lực lượng bảo vệ bờ biển của quốc gia Đông Nam Á này.Tàu trên được đặt tên là "BRP Malapascua", dài 44 m, được tiếp nhận trong buổi lễ ở trụ sở của Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines tại Manila. Tàu BRP Malapascua được trang bị các hệ thống báo cháy, máy quay đêm, thiết bị vô tuyến tầm phương, một thuyền và một cầu kính chống đạn. Phương tiện mới này có tốc độ 46 km/giờ và có thể hoạt động được 2.760 km. Nhật Bản đã chính thức chuyển giao 2 tàu đầu tiên vào tháng 10 và 12.2016. Những tàu này nằm trong số 10 tàu do Philippines đặt đóng tại Nhật Bản theo gói cho vay hỗ trợ phát triển chính thức trị giá 7,37 tỷ peso (147 triệu USD) từ Tokyo. Trong ảnh: Tàu "BRP Malapascua" tại cảng Manila ngày 7.3. EPA/TTXVN



Người phát ngôn đơn vị tinh nhuệ thuộc Bộ Nội vụ Iraq, Trung tá Abdel Amir al-Mohammadawi cho biết, ngày 7.3 các lực lượng an ninh tinh nhuệ của nước này đã đánh bật phiến quân nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) khỏi tòa nhà chính quyền chính ở thành phố Mosul, thành trì chủ chốt cuối cùng của IS ở Iraq.  Đội đặc nhiệm phản ứng nhanh đã tấn công tòa thị chính Nineveh và khu nhà chính quyền bao quanh trong một chiến dịch diễn ra vào đêm qua. Ông Mohammadawi nói: "Họ đã tiêu diệt hàng chục phần tử Daesh" (tên gọi khác của IS). Việc giành lại quyền kiểm soát khu vực nêu trên sẽ giúp các lực lượng Iraq tấn công phiến quân ở trung tâm thành cổ gần đó và đánh dấu bước tiến mang tính biểu tượng hướng đến khôi phục chính quyền nhà nước đối với Mosul. Trong ảnh: Khói bốc lên sau cuộc không kích ở tây Mosul ngày 6.3. AFP/TTXVN




Một nghiên cứu vừa công bố của các nhà khoa học Italy và Pháp cảnh báo, “thành phố nổi” Venice  và hầu hết đường bờ biển Bắc Adriatic của Italy sẽ bị chìm dưới biển trong 100 năm tới nếu các nỗ lực cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính không được thực hiện một cách nghiêm túc.Theo nghiên cứu trên, Địa Trung Hải dự kiến sẽ dâng nước lên thêm khoảng từ 90 cm đến 140 cm trước năm 2100, gây ngập lụt cho Venice và nhiều khu vực khác. Nếu thực hiện một phép so sánh, trong khoảng 1 nghìn năm qua, mực nước biển chỉ dâng ở mức khoảng 30 cm. Các nhà khoa học giải thích rằng tốc độ nước biển dâng nhanh là do sự ấm lên toàn cầu và  khí thải gây hiệu ứng nhà kính khiến nồng độ CO2 trong không khí gia tăng. Các mức nhiệt độ cao hơn khiến nước biển giãn nở.Ngoài ra, sự tan băng ở các vùng địa cực cũng là yếu tố góp phần khiến mực nước biển dâng lên.Tổng cộng có 33 khu vực ở Italy sẽ đối mặt với nguy cơ bị chìm dưới biển nếu mực nước biển gia tăng đúng như dự báo. Trong ảnh: Lễ hội  Carnival ở Venice ngày 12.2. AFP/TTXVN