Ðấu tranh với cái xấu của thanh niên
Xã hội - Ngày đăng : 12:41, 08/03/2017
Thanh niên trong tỉnh đang có nhiều hoạt động sôi nổi, bổ ích để hưởng ứng Tháng Thanh niên, hướng tới chào mừng kỷ niệm 86 năm ngày thành lập Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh (26.3). Những việc làm tích cực, những ưu điểm của lực lượng thanh niên được phát huy tốt trong những đợt cao trào như thế này có ý nghĩa rất lớn.
Dư luận xã hội đang lo ngại trước tình trạng một bộ phận thanh niên hư hỏng. Mỗi ngày đọc báo đều thấy nhiều vụ đánh nhau, trộm cắp, cướp của, giết người do thanh niên gây ra. Nhiều thanh niên tuy tuổi còn rất trẻ song đã gây ra những tội ác man rợ với chính người thân, bạn bè của mình. Dư luận vẫn chưa thể quên vụ Phạm Duy Quý (sinh năm 1993, ở xã Phượng Hoàng, Thanh Hà) đã chém chết 4 người thân trong gia đình vào năm 2014, hay vụ Nghiêm Viết Thành (sinh năm 1991, ở TP Hải Dương) đã hạ sát bố đẻ của mình, rồi chặt xác để phi tang năm 2009. Các hành vi vi phạm pháp luật khác của thanh niên cũng đáng báo động. Nhiều thanh niên vi phạm pháp luật về an toàn giao thông như đi xe máy không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ, chở quá số người quy định, phóng nhanh, vượt ẩu... Năm An toàn giao thông 2017 có chủ đề "Xây dựng văn hóa giao thông trong thanh, thiếu nhi" cũng nhằm khắc phục tình trạng này, song dường như vi phạm vẫn chưa giảm.
Không phấn đấu cho lý tưởng của Đảng và đất nước, nhận thức sai lệch về chính trị, lười học tập, ngại lao động, chạy theo lối sống thực dụng, chỉ thích hưởng thụ cũng là những biểu hiện đáng báo động trong thanh niên. Ngày nay, nhiều thanh niên không thấy rõ được trách nhiệm của mình với bản thân, gia đình, xã hội. Họ chỉ muốn được hưởng thụ dẫn tới lười biếng, ỷ lại, trở thành gánh nặng của gia đình và xã hội. Một bộ phận người trẻ suốt ngày chỉ "sống ảo" trên mạng xã hội, quen việc khoe thân mà ngại học tập, lao động, không tham gia các hoạt động tình nguyện.
Lâu nay, một số hoạt động của các cấp bộ đoàn còn mang tính hình thức, chưa hiệu quả. Tôi đã nhiều lần chứng kiến việc những tổ chức Đoàn huy động đông đảo thanh niên tham gia trồng cây, dọn vệ sinh môi trường. Thanh niên đến đông nhưng công việc lại rất ít và sự phân công thiếu cụ thể. Rồi còn có tình trạng thiếu linh hoạt, sáng tạo trong hoạt động. Một số cán bộ Đoàn cho rằng cứ làm tình nguyện thì phải dọn vệ sinh môi trường, tham gia phân luồng giao thông, làm nhiệm vụ "tiếp sức mùa thi", làm đường giao thông. Trong khi đó, lẽ ra những sinh viên sư phạm có thể dạy thêm cho các em học sinh; sinh viên thư viện nên giúp địa phương sắp xếp thư viện thôn cho hợp lý, đi quyên góp sách cũ; sinh viên công nghệ thông tin giúp cán bộ xã nâng cao trình độ sử dụng máy tính...
Những cái xấu, những mặt hạn chế đó không chỉ là trách nhiệm riêng của các cấp bộ đoàn, mà là trách nhiệm chung của cả gia đình, nhà trường, xã hội. Tuy nhiên, các cấp bộ đoàn cũng không vì thế mà né tránh trách nhiệm; cần xác định đó là một việc lớn của mình, phát huy tinh thần xung kích, đi đầu để đấu tranh, giải quyết nó. Ngoài phát động những phong trào việc tốt thì các cấp bộ đoàn cũng cần tổ chức những phong trào đấu tranh với cái tiêu cực, hạn chế. Nhân lên những cái tốt và khắc phục, đẩy lùi những cái xấu sẽ giúp đội ngũ thanh niên ngày càng lớn mạnh.
TUẤN NGUYÊN