Cuộc đua "trợ lý ảo" cho thiết bị di động của Apple
Khoa học - Công nghệ - Ngày đăng : 16:07, 12/03/2017
Biểu tượng của Apple. Ảnh: Alamy stock photo
Theo trang tin Softpedia, Siri là một trong những "gương mặt nặng ký" hơn cả trong thị trường mà nhiều nhà sản xuất điện thoại thông minh đang muốn nhảy vào.
Khi Google phát triển Google Assistant, người ta thấy rõ là trong một thời gian không lâu sắp tới, các dòng điện thoại thông minh cao cấp sẽ được tung ra thị trường mà không thể không có các trợ lý ảo tích hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI).
Siri là ứng dụng trợ lý ảo lâu đời nhất của Apple, hỗ trợ ngôn ngữ của 36 quốc gia. Trong khi các ứng dụng cùng loại kiểu như Google Assistant, Alexa của Amazon và Cortana của Microsoft chỉ có thể nói được vài ngôn ngữ thì Siri của Apple thông thạo tới 21 ngôn ngữ.
Cụ thể hơn thì Cortana nói được 8 ngôn ngữ, Google Assistant thành thạo 4 ngôn ngữ, trong khi Alexa chỉ nói được tiếng Anh hoặc tiếng Đức. Trong khi đó Siri đang chuẩn bị "học" thêm tiếng Thượng Hải là ngôn ngữ chỉ được nói ở khu vực Thượng Hải, Trung Quốc.
Với ứng dụng hỗ trợ ngôn ngữ này Apple tin rằng một số lượng lớn khách hàng sở hữu những chiếc iPhone của họ có thể tiếp cận tương đối đầy đủ những tính năng trên điện thoại của Apple. Một số lượng lớn điện thoại của họ được bán tại các thị trường ngoài Mỹ.
Apple "dạy" ngoại ngữ cho Siri ra sao?
Quá trình dạy một ngoại ngữ cho ứng dụng Siri của Apple liên quan tới nhiều công đoạn khác nhau. Những công đoạn này mới đây đã được trưởng nhóm phụ trách ngôn ngữ cho các ứng dụng của Apple là ông Alex Acero chia sẻ.
Theo đó trước tiên Apple yêu cầu mọi người đọc các đoạn văn bản theo nhiều giọng điệu và phương ngữ khác nhau. Các đoạn văn bản này sau đó sẽ được sao chép lại theo cách thủ công để các máy tính có thể hiểu được chúng đang học những gì.
Sau đó chúng được bổ sung thêm những âm thanh vốn xuất hiện trong nhiều giọng nói khác nhau và được sử dụng để xây dựng các mô hình ngôn ngữ giúp dự đoán các chuỗi từ vựng.
Apple đã thu thập và xóa bỏ danh tính liên quan tới các phần ghi âm giọng nói của các khách hàng. Sau đó sao chép lại để giúp ứng dụng nhận diện giọng nói giảm bớt lỗi trong quá trình xử lý.
Sau khi thu thập đủ dữ liệu, họ bắt đầu thuê một hoặc nhiều người khác tham gia ghi âm lại các giọng nói. Phiên bản đầu tiên của một ngôn ngữ mới cung cấp cho ứng dụng Siri chỉ bao gồm những câu hỏi thông thường. Sau đó cứ hai tuần một lần Apple lại tiếp tục cập nhật các đoạn mã với những chỉnh sửa, thay đổi cần thiết.
Ứng dụng Siri của Apple sẽ sớm phải đối mặt với áp lực cạnh tranh ngày càng tăng trong thị trường ganh đua của các trợ lý ảo sử dụng công nghệ AI. Hãng Huawei cũng đã bắt đầu phát triển một trợ lý ảo biết nói của riêng họ.
Đối thủ chính của Apple trên thị trường smartphone là Samsung cxsex tung ra trợ lý ảo Bixby cho điện thoại Galaxy S8 ngày 29.3 tới đây.
D. KIM THOA (Tuổi trẻ)