Vui buồn nghề "tay trái"

Lao động - Việc làm - Ngày đăng : 05:59, 18/03/2017

Hiện nay, nhiều công chức, viên chức làm thêm nghề "tay trái" để có thêm thu nhập. Tuy nhiên, việc làm thêm không phải lúc nào cũng thuận lợi, thậm chí còn khiến cho cuộc sống bị xáo trộn.



Anh Nguyễn Quang Dũng thường xuyên phải ship hàng đến 9 giờ tối

"Đầu tắt mặt tối"

Anh Hoàng Văn Tuấn ở phường Hải Tân (TP Hải Dương) đang làm việc tại một đơn vị của Nhà nước. Tiền lương hằng tháng của anh chỉ vừa đủ cho sinh hoạt hằng ngày. 2 năm trước, anh Tuấn cùng với bạn hùn vốn mở quán internet. Do đặc thù công việc, nên tối nào anh cũng phải trực đến đêm khuya. Anh chia sẻ: "Cứ bước ra khỏi cơ quan là tôi bị cuốn ngay vào công việc kinh doanh, chẳng có thời gian nghỉ ngơi hay chăm lo cho gia đình. Tối nào cũng vậy, hai vợ chồng cứ lọ mọ đếm từng đồng tiền lẻ của khách, sắp xếp lại từng gói bim bim, chai nước ngọt còn thừa. Việc ghi chép phải cụ thể, cẩn thận. Phần vì do làm chung nên lợi nhuận phải rõ ràng, phần phải cảnh giác nếu không nhân viên làm mất hàng thì thu chẳng bù chi".

Anh Nguyễn Quang Dũng quê ở xã Đồng Gia (Kim Thành) hiện là giáo viên dạy võ cho một trung tâm ở TP Hải Dương. Thời gian dạy võ của anh cố định vào các buổi chiều. Thu nhập từ công việc dạy võ phải chắt chiu lắm mới đủ sống. Để có phần tích lũy, anh Dũng nhận ship (vận chuyển) hàng cho các chủ cửa hàng vào các buổi sáng và tối. Anh Dũng cho biết để làm công việc này phải bất chấp thời gian. Khách đã gọi thì dù mưa hay nắng, sớm hay muộn cũng phải lên đường. Gần như chẳng bao giờ anh được về nhà trước 9 giờ tối. Có khi vừa ngồi vào mâm  cơm thì khách gọi đi nhận hàng từ xe đường dài. Vội buông đũa đi ngay nhưng phải ngồi đợi cả tiếng đồng hồ xe mới tới nơi. Vất vả là thế nhưng đến khi thanh toán cũng chỉ được 10.000 đồng tiền công.

Phụ nữ khi làm thêm nghề "tay trái" nỗi vất vả còn tăng lên bội phần. Ngoài công việc chính ở một cơ quan nhà nước, chị Nguyễn Thị Lan ở đường Điện Biên Phủ (TP Hải Dương) đầu tư mở một cửa hàng bán quần áo. Tuy việc bán hàng đã giao hết cho nhân viên nhưng chị vẫn bù đầu với việc quản lý, nắm bắt nhu cầu của khách hàng để tìm các mẫu hàng phù hợp. "Tôi phải phó thác mọi công việc nhà, chăm con nhỏ cho người thân trong gia đình. Để kịp có hàng mới, có khi giữa đêm tôi cũng phải thực hiện các giao dịch với nhà cung cấp", chị Lan cho biết.

Rủi ro

Hầu hết những công chức, viên chức có thêm nghề "tay trái" đều nói rằng lợi nhuận làm thêm không cao. Đối với một số công việc đặc thù như kinh doanh, bán hàng còn dễ gặp rủi ro, thất thoát. Chị Lan cũng rất mệt mỏi trong việc tuyển dụng nhân viên. Do không thể thường xuyên kiểm soát nên rất nhiều lần chị bị mất hàng vì nhân viên hoặc khách đến mua thiếu trung thực. Đến nay, anh Hoàng Văn Tuấn đã phải thanh lý quán internet vì không kiểm soát được. Các nhân viên thường xuyên cho khách là người quen của họ nợ tiền sử dụng máy tính rồi không chịu trả. Có thời gian anh Tuấn nhập thêm thẻ điện thoại về bán nhưng cũng bị thất thoát rất nhiều. Đưa ra nội quy buộc nhân viên phải thanh toán thì họ nghỉ làm với lý do đây là công việc không có tính ổn định. Vào những thời điểm anh phải đi công tác xa thì quán internet gần như không có lãi.

Không chỉ dễ gặp rủi ro với nghề "tay trái" mà trong công việc chính, họ cũng bị ảnh hưởng. Chị Lan cho biết vì không toàn tâm toàn ý với công việc ở cơ quan nên tháng nào chị cũng chỉ ở mức hoàn thành công việc được giao, ít khi được hoàn thành tốt nhiệm vụ. Một đồng nghiệp của chị vì mải mê làm việc bên ngoài nên đã bê trễ việc cơ quan, nhiều tháng liền không hoàn thành nhiệm vụ. Khi công việc bên ngoài không thuận lợi đã gây áp lực căng thẳng buộc người đồng nghiệp này phải nghỉ việc để đi "trốn nợ". Dù không nói ra nhưng ai cũng biết vì nghề "tay trái" mà đồng nghiệp của chị "mất cả chì lẫn chài".

Làm thêm để kiếm thu nhập lo cho cuộc sống là việc chính đáng. Tuy nhiên, đối với công chức, viên chức thì cần phải suy xét kỹ, biết sắp xếp hài hòa để vừa không ảnh hưởng đến công việc cơ quan vừa không ảnh hưởng đến cuộc sống của bản thân và gia đình.

PHẠM THANH