Nam Sách khởi sắc sau tái lập
Tin tức - Ngày đăng : 07:43, 25/03/2017
Diện mạo huyện Nam Sách đổi thay nhanh
Kinh tế - xã hội phát triển
Ngay sau khi tái lập, Nam Sách đã khẩn trương kiện toàn bộ máy, nỗ lực vượt qua những khó khăn, thách thức, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Nhiều năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của huyện hằng năm đạt 8-11%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ. Năm 1997, sản xuất nông nghiệp chiếm 61,2%, công nghiệp chiếm 10%, xây dựng và dịch vụ chiếm 28,8%, đến năm 2016 lần lượt là 26,3%, 40,8%, 32,9%. Năm 2016, thu nhập bình quân đạt trên 35 triệu đồng/người, cao gấp 12 lần so với năm 1997.
Có được kết quả trên là do sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị và nhân dân toàn huyện. Ngay sau khi tái lập, Nam Sách đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tích cực áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất. Huyện chỉ đạo nhân dân tập trung quy vùng, đưa những giống lúa có năng suất, chất lượng cao vào gieo trồng và thực hiện nhiều cơ chế hỗ trợ để khuyến khích nông dân phát triển sản xuất. Năm 1997, năng suất lúa mỗi vụ đạt 53 tạ/ha, đến năm 2016 tăng lên 64,5 tạ/ha. Huyện đã quy vùng gieo cấy lúa lai, lúa chất lượng cao, vùng trồng cà rốt, vùng trồng cà chua, bí xanh, dưa hấu... cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha mỗi năm. Chăn nuôi được quan tâm, phát triển theo hướng trang trại. Qua 2 lần thực hiện chủ trương dồn điền, đổi thửa gắn với chỉnh trang đồng ruộng, tình trạng ruộng đất manh mún đã được khắc phục. Hiện nay, trung bình mỗi hộ chỉ còn 1 - 2 thửa ruộng. Hệ thống kênh mương, đường giao thông nội đồng được chỉnh trang, tạo thuận lợi cho việc đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng. Nhiều vùng sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung, quy mô lớn hình thành, gắn sản xuất với thị trường.
Từ một huyện thuần nông, đến nay Nam Sách đã chuyển mình mạnh mẽ vươn lên. Sản xuất công nghiệp của huyện có bước phát triển nhanh. Huyện đã xây dựng được khu công nghiệp có diện tích trên 63 ha và 2 cụm công nghiệp An Đồng, Ba Hàng thu hút hàng chục doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất, kinh doanh (năm 2008, khu công nghiệp Nam Sách và cụm công nghiệp An Đồng sáp nhập về TP Hải Dương). Từ chỗ không có làng nghề, đến nay huyện đã có 8 làng nghề, hơn 250 doanh nghiệp, giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động. Thu ngân sách hằng năm đều vượt kế hoạch.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), Nam Sách đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tạo sự đồng thuận trong nhân dân nhằm đổi thay mạnh mẽ ở mỗi làng quê, thôn, xóm. Huyện đã có cơ chế hỗ trợ các xã xây dựng, cải tạo, nâng cấp nhiều công trình chợ, nhà văn hóa, sân thể thao, nghĩa trang nhân dân... Đến nay, toàn huyện đã có 11/18 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 61,1%.
Nhiều năm nay, phong trào giáo dục của huyện luôn đứng ở tốp đầu của tỉnh. Năm 1997, huyện chưa có trường đạt chuẩn quốc gia, đến nay toàn huyện có 50/63 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm 79,4%, cao nhất trong toàn tỉnh. Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá" được triển khai sâu rộng, đạt kết quả tích cực. Năm 1997, toàn huyện mới có 2 làng đạt danh hiệu văn hóa thì đến hết năm 2016 đã có 92/102 làng, khu dân cư đạt danh hiệu văn hóa.
Song song với phát triển kinh tế - xã hội, Nam Sách tập trung làm tốt công tác an sinh xã hội, giải quyết việc làm, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Bằng nguồn hỗ trợ từ các doanh nghiệp, nhân dân toàn huyện đã xây dựng và sửa chữa gần 600 ngôi nhà “tình nghĩa”, nhà "đại đoàn kết" cho người có công và người nghèo.
Chăm lo công tác xây dựng Đảng
Để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, Huyện ủy Nam Sách thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, có chất lượng việc triển khai, học tập các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh ủy, Huyện ủy tới cán bộ, đảng viên và nhân dân trong huyện. Phong trào thi đua xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh (TSVM) đi vào nền nếp và đạt kết quả tốt. Trong 5 năm qua, tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng đạt TSVM hằng năm của huyện luôn đạt trên 73%. Công tác phát triển đảng viên được chú trọng cả về số lượng và chất lượng. Đảng bộ huyện hiện có 46 chi bộ, đảng bộ trực thuộc với trên 6.500 đảng viên, tăng gần 1.500 đảng viên so với năm 1997. Công tác kiểm tra, giữ gìn kỷ luật đảng thường xuyên được chú trọng. Việc tự phê bình và phê bình trong đảng được thực hiện thường xuyên, nghiêm túc. Vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị được đề cao. Sự đoàn kết thống nhất trong đảng được tăng cường. Nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Với những kết quả đạt được, Đảng bộ huyện Nam Sách nhiều năm được Tỉnh ủy tặng cờ thi đua và bằng khen. Huyện nhiều năm đạt danh hiệu “Tập thể lao động tiên tiến” và “Tập thể lao động xuất sắc”, được Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh tặng cờ và bằng khen. Năm 2014, Nam Sách vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba.
Lãnh đạo huyện Nam Sách tặng quà Tết cho người nghèo
20 năm chưa phải là dài, nhưng diện mạo Nam Sách đã và đang khởi sắc. Những kết quả đạt được sau 20 năm tái lập có ý nghĩa quan trọng, là cơ sở, tiền đề vững chắc để Đảng bộ và nhân dân Nam Sách vững tin, tiếp tục vươn lên thực hiện thắng lợi mục tiêu trở thành huyện NTM vào năm 2020.
PHẠM MẠNH HÙNG Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Nam Sách
- Từ năm 2011 đến nay, Đảng bộ huyện Nam Sách liên tục đạt trong sạch vững mạnh; hằng năm có từ 73 - 75% số tổ chức cơ sở đảng trực thuộc đạt trong sạch vững mạnh, từ 4 - 5 tổ chức cơ sở đảng được Tỉnh ủy tặng bằng khen. - Trong 5 năm (2011-2016), UBND huyện Nam Sách liên tục được UBND tỉnh tặng bằng khen |