Độc đáo tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ: Nghệ thuật dân gian đặc sắc

Phong tục - Lễ hội - Ngày đăng : 09:12, 25/03/2017

Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt vừa được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.




Diễn xướng hầu Thánh đền Kiếp Bạc đã được phục dựng thành công khi tỉnh ta thực hiện
Đề án Nâng cấp Lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc giai đoạn 2006-2010

Bắt nguồn từ nhu cầu tâm linh

Tín ngưỡng thờ Mẫu là một tín ngưỡng dân gian thuần Việt có lịch sử lâu đời và có sự biến chuyển thích ứng với sự thay đổi của xã hội. Theo một số nhà nghiên cứu, tục thờ Mẫu có nguồn gốc từ thời tiền sử khi người Việt thờ các thần linh thiên nhiên. Các thần linh này kết hợp trong khái niệm Thánh Mẫu hay còn gọi là nữ thần Mẹ. Trải qua thời gian, tín ngưỡng thờ Mẫu ở nước ta phát triển hình thành tín ngưỡng Tam phủ (Thiên phủ, Địa phủ, Thoải phủ) và Tứ Phủ (gồm Tam phủ và Mẫu Thượng Ngàn - còn gọi là Nhạc phủ).

Đến khoảng thế kỷ XVI, trên cơ sở tín ngưỡng Tam phủ, cùng sự ra đời của Thánh Mẫu Liễu Hạnh, một tín ngưỡng bản địa sơ khai được hình thành là đạo Mẫu. Tín ngưỡng thờ Mẫu còn gắn liền với nghệ thuật chầu văn hay còn gọi là hát văn - một loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống của người Việt đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Nghi lễ chầu văn (hầu đồng) là một nghi thức tín ngưỡng thực hành tiêu biểu nhất của đạo Mẫu. Hát chầu văn ra đời sớm hơn so với các loại hình dân ca khác. Trong sách “Kiến văn tiểu lục”, nhà bác học Lê Quý Đôn có ghi: “Thời Trần (1225 - 1400) có lối hát trước mặt đế vương, gọi là hát Chầu”… Nhà sử học Tăng Bá Hoành cho biết nguồn gốc của hát văn diễn xướng bắt nguồn từ việc thờ thần tượng và thờ người có công giúp nước. Một nhánh khác của hình thức này là hình thức lên đồng mà thanh đồng hóa thân vào nhân vật được thờ có cung văn dùng nhạc và lời hát kể lại câu chuyện cuộc đời nhân vật, trong đó có cả các nhân vật nổi tiếng như Đức Thánh Trần, quan lớn Tuần Tranh.

Về bản chất, đây là nghi thức giao tiếp với thần linh, các vị Thánh thông qua các ông đồng, bà đồng. Người ta tin rằng các vị thần linh, các vị Thánh có thể nhập vào thân xác các ông đồng, bà đồng nhằm phán truyền, diệt trừ tà ma, chữa bệnh, ban phúc, ban lộc cho các con nhang, đệ tử. Khi thần linh nhập vào thì các ông đồng, bà đồng là hiện thân của vị thần. Trong khóa lễ, người đứng giá hầu đồng gọi là thanh đồng. Đi theo thanh đồng thường có 2-4 phụ đồng chuẩn bị đồ lễ, thay trang phục. Hầu đồng có 36 giá, một buổi lên đồng thường có nhiều giá. Thanh đồng khi thì hóa thân thành ông hoàng, bà chúa, quan lớn, vị tướng, lúc lại là cô gái chèo đò... theo lời hát chầu văn. Mỗi lần thay giá, phụ đồng phủ lên thanh đồng một tấm khăn lụa đỏ, sau đó bỏ ra và lúc này ở một giá khác. Trang phục quần áo, đồ hầu dâng, cờ quạt... cũng phải phù hợp với giá này.

Hầu đồng giúp cho quần chúng hiểu những câu chuyện lịch sử, những chiến công oanh liệt. Thanh đồng Nguyễn Thị Thảo ở xã Gia Tân (Gia Lộc) đã có 4 năm thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu. Hiện bà có thể biểu diễn 29 giá đồng. Theo bà Thảo, mỗi buổi hầu không chỉ bà mà những người theo hầu đều rất thích thú vì được hóa thân vào các vị thần linh, các vị anh hùng để tái hiện lịch sử.

Ngoài việc lên đồng để giao tiếp với thần linh, nhiều người Việt còn tin sau khi chết, linh hồn người chết vẫn theo dõi cuộc sống của người thân. Do đó, khi lên đồng, linh hồn của người chết có thể nhập vào đồng cô, đồng cậu để trò chuyện với thân nhân nói lên những yêu cầu hay nói về mồ mả, đất cát, tương lai, vận mệnh. Chính vì vậy, hoạt động lên đồng dễ bị lợi dụng vào mục đích xấu mang tính mê tín dị đoan. Nhiều thanh đồng cũng lợi dụng khi đồng thăng, đồng giáng để "phán truyền" những điều nhảm nhí.

Khẳng định giá trị tốt đẹp


Dù thế nào, những giá trị đặc sắc mang đậm bản sắc văn hóa Việt của loại hình diễn xướng dân gian này cũng như sức sống mãnh liệt của nó trong cộng đồng là không thể phủ nhận. Loại hình này là sự pha trộn tôn giáo bản địa của người Việt và một số yếu tố của tôn giáo du nhập như Đạo giáo, Phật giáo. Các Thánh mẫu, các vị thần trong điện thần Tam phủ có nguồn gốc không chỉ của người Kinh mà còn của các dân tộc thiểu số như Mường, Tày, Nùng, Dao... thể hiện sự giao thoa văn hóa đậm nét. Bởi vậy trong nhiều năm qua, đã có nhiều hội thảo khoa học nghiên cứu về tín ngưỡng dân gian Việt Nam (trong đó có lên đồng) được tổ chức. Đặc biệt, năm 2013, loại hình diễn xướng dân gian này đã được đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Về cơ bản, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ bao gồm các lễ cúng, lên đồng, hát văn, lễ hội... Giá trị văn hóa rõ nét ở chỗ đây là phong tục, tập quán mang tính biểu tượng thờ nữ thần và các nhân vật anh hùng trong lịch sử, người có công đối với đất nước. Đây là loại hình nghệ thuật trình diễn tổng hợp bao gồm các yếu tố văn hóa truyền thống như trang phục, âm nhạc, múa, diễn xướng dân gian, được sáng tạo, phát triển, lưu truyền qua các thế hệ. Ngoài ra không thể phủ nhận giá trị văn hóa của nghệ thuật điêu khắc, hội họa, trang trí, thêu may trong điện thờ, trong trang phục và đồ lễ. 

Theo tìm hiểu, Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ phân bố ở nhiều địa phương mà tỉnh Nam Định được coi là trung tâm với gần 400 điểm thờ cúng Thánh mẫu. Trên địa bàn tỉnh Hải Dương hiện nay, từ những thanh đồng và cung văn kết hợp việc sử dụng âm nhạc mang tính tâm linh với các lời văn trau chuốt nghiêm trang, hát văn được coi là hình thức ca hát mang ý nghĩa diễn xướng hầu Thánh. Nghi thức này diễn ra ở hầu khắp các địa phương trên địa bàn tỉnh, trong đó tập trung nhiều nhất trên địa bàn thị xã Chí Linh (đền Kiếp Bạc, đền Sinh, đền Hóa, đền Khê Khẩu, miếu Phạm Nhan, đền Dím, đền Gốm…), huyện Ninh Giang (đền Tranh, đàn Thiện, đình Xuân Trì, chùa Trông…), huyện Nam Sách (đình Lang Khê, đình Trần Xá…), huyện Kinh Môn (đền Cao An Phụ, miếu An Thủy, chùa An Thủy…) và huyện Gia Lộc (đình Phú Triều, đền Cuối, đền Cối Xuyên…).

Đặc biệt đền Kiếp Bạc là nơi đánh dấu sự ra đời của đạo Thanh Đồng (đạo nội Việt Nam). Theo truyền thuyết khi mất, Hưng Đạo Vương được Ngọc Hoàng phong là Cửu Thiên Vũ Đế diệt trừ yêu ma ở cả 3 cõi thiên đình, trần gian, âm phủ. Với ý nghĩa đó, trải qua hơn 700 năm, trong tâm thức dân gian, ngài được tôn làm giáo chủ của đạo Thanh Đồng, là bậc Thánh phù hộ cho sự nghiệp chống giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước, hộ quốc an dân, diệt trừ tà ma, chữa bệnh. Và diễn xướng hầu Thánh đã trở thành nghi lễ đặc trưng ở đền Kiếp Bạc. Diễn xướng hầu Thánh ở Kiếp Bạc xưa thiên về hầu việc Thánh (tức các thanh đồng đại diện cho các vị thánh phán truyền). Qua thời gian, các nghi lễ hầu Thánh tại Kiếp Bạc đã có sự giao thoa giữa đạo Thanh Đồng với hầu đồng của đạo Mẫu. Diễn xướng hầu Thánh đền Kiếp Bạc đã được phục dựng thành công trong Đề án lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc giai đoạn 2006-2010 và được tổ chức thường niên tại lễ hội mùa thu.

Trên địa bàn tỉnh còn hàng chục phủ điện thờ Mẫu, Thánh do các thanh đồng lập lên để cùng bản hội của mình thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ. Cùng với đó, mỗi ngôi làng ngoài đình thờ thành hoàng, chùa thờ Phật đều có các ban công đồng, ban thờ mẫu thể hiện rõ di sản này gắn liền với đời sống tinh thần và các phong tục tập quán văn hóa, được cộng đồng trân trọng và liên tục lưu truyền từ nhiều đời nay.

NGỌC HÙNG


Truyền giữ những giá trị tốt đẹp


Là người đã theo nghề hát văn hơn 20 năm, làm thanh đồng 12 năm, tôi cảm thấy rất vinh dự và tự hào khi Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Trong những năm gần đây, loại hình diễn xướng dân gian này đã được quan tâm, tập hợp sinh hoạt trong các tổ chức có quy củ. Nếu như trước đây các cung văn hoạt động trôi nổi, phụ thuộc vào các bà đồng thì nay đã có nhiều câu lạc bộ hát văn được thành lập, nhiều cung văn được vinh danh là Nghệ nhân Ưu tú. Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ được công nhận là di sản văn hoá của nhân loại là nguồn động viên để các thanh đồng, cung văn chúng tôi củng cố và phát triển những giá trị tốt đẹp của di sản này. Theo tôi, cần sàng lọc hoạt động của các thanh đồng để lưu giữ những gì là truyền thống, tốt đẹp, còn những hành vi biến tướng, tiêu cực thì phải loại bỏ.

LƯU ĐỨC ANH TUẤN Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hát văn xứ Đông, thanh đồng Bản hội đền Tranh (Ninh Giang)