Hong Kong có lãnh đạo mới thân Bắc Kinh
Tin tức - Ngày đăng : 09:34, 27/03/2017
Bà Carrie Lam tuyên bố chiến thắng - Ảnh: Reuters |
Sự kiện bầu cử vừa diễn ra tại Trung tâm hội nghị và triển lãm Hong Kong ngày 26.3. Cuộc bỏ phiếu dù diễn ra suôn sẻ nhưng ngoài phố đã có không ít cuộc biểu tình đòi bầu cử tự do.
Chính quyền Hong Kong phải huy động 1.800 cảnh sát để bảo đảm an ninh cho cuộc bỏ phiếu do nhiều tổ chức thông báo ý định biểu tình.
Kết quả đã được đoán trước
Dù đây là kết quả bỏ phiếu đã được giới quan sát dự báo trước, phe đấu tranh dân chủ ở Hong Kong sẽ không khỏi thất vọng trước thất bại của ứng viên được yêu thích - cựu Vụ trưởng Tài chính Hong Kong Tăng Tuấn Hoa (John Tsang), người nhận được 365 phiếu bầu.
Ngoài bà Lâm và ông Tăng, ứng viên còn lại trong cuộc đua tam mã là cựu thẩm phán Hồ Quốc Hưng (Woo Kwok Hing) nhận được 21 phiếu.
Theo báo South China Morning Post (SCMP), các cuộc thăm dò trước bầu cử đều cho kết quả ứng viên Tăng Tuấn Hoa vượt xa bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (từ 17% đến 26% theo nhiều nguồn) về mức độ ủng hộ trong quần chúng.
Tuy nhiên cơ hội của ông Tăng lại không cao do đặc thù của cuộc bầu cử, minh chứng là có đến 2/3 dân Hong Kong nhận định bà Lâm sẽ chiến thắng bất chấp chiến dịch tranh cử của bà này bị đánh giá là “thảm họa”.
Hồi tháng 2, một số báo đài Hong Kong đưa tin chính quyền Trung Quốc đã triệu tập một nhóm thành viên Ủy ban Bầu cử Hong Kong (NEC) đến TP Thâm Quyến để chuyển đi thông điệp ủng hộ bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga.
Theo trang tin Hong Kong FP, một số thành viên NEC cho biết đã nhận được các cuộc điện thoại từ đại diện của Bắc Kinh tại Hong Kong tái xác nhận thông điệp.
Các thông tin này không rõ thực hư nhưng trong một bài phát biểu, ứng viên Tăng Tuấn Hoa cho rằng “nó có cơ sở”.
Bắc Kinh không can thiệp nhưng...
Trên thực tế, Bắc Kinh không công khai ủng hộ bất cứ ứng viên nào trong cuộc bầu cử Trưởng Đặc khu Hành chính Hong Kong.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc, ông Trương Đức Giang, người đồng thời phụ trách các vấn đề của đặc khu kinh tế Hong Kong, từng nêu ra bốn tiêu chí cho vị trí này: yêu đất nước (Trung Quốc) và yêu Hong Kong; có khả năng quản trị; được chính phủ trung ương tin tưởng và cuối cùng là được người dân Hong Kong ủng hộ.
Thủ lĩnh phong trào đòi dân chủ của người trẻ Hong Kong Joshua Wong (Hoàng Chi Phong) cùng bạn bè xuống đường biểu tình ở gần nơi diễn ra cuộc bỏ phiếu sáng 26.3 - Ảnh: Reuters |
Theo bà Yuen Chan - giảng viên báo chí Đại học Trung Quốc (Hong Kong), nếu xét dựa trên các tiêu chí do vị quan chức cấp cao Trung Quốc gợi ý, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga vượt qua 3 vòng đầu, chỉ thiếu sự ủng hộ rộng rãi trong công chúng.
Trong khi đó, ông Tăng Tuấn Hoa được đa số người dân ủng hộ nhưng lại không được Bắc Kinh tin tưởng.
Bà Chan cũng đánh giá ông Tăng Tuấn Hoa đã có một chiến dịch tranh cử khá thành công khi kết nối được với đông đảo người dân, hiểu được những tâm tư, tình cảm của họ sau 5 năm đầy biến động dưới sự điều hành của Trưởng đặc khu Lương Chấn Anh.
Cũng theo thăm dò của báo SCMP, 63% dân Hong Kong tin rằng công việc quản trị của Trưởng đặc khu kế nhiệm ông Lương Chấn Anh sẽ gặp khó khăn nếu người đó thua các ứng viên khác về mức độ tín nhiệm trong công chúng. Chỉ 26,2% không đồng ý với quan điểm này.
Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga sẽ chính thức nhậm chức ngày 1.7 và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ đích thân đến Hong Kong tham dự buổi lễ.
Ngày 1.7 năm nay cũng đánh dấu kỷ niệm 20 năm ngày Hong Kong được trao trả về cho Trung Quốc.
Để tham gia ứng cử chức Trưởng đặc khu Hong Kong, các ứng viên phải nhận được đủ số phiếu đề cử tối thiểu theo quy định (150 phiếu) từ NEC gồm 1.194 đại cử tri. Theo đó, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga giành được 580 phiếu đề cử, ông Tăng Tuấn Hoa được 165 phiếu trong khi ông Hồ Quốc Hưng được 180 phiếu. Các thành viên NEC đại diện cho hơn 7 triệu dân Hong Kong tiến hành cuộc bầu cử dưới hình thức bỏ phiếu kín (không ký tên). Người chiến thắng là người kiếm được 601 phiếu. Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, 60 tuổi, được hưởng chế độ giáo dục của Vương quốc Anh ngay từ nhỏ. Năm 1980, bà trở thành công chức của chính quyền thuộc địa Anh ở Hong Kong sau khi tốt nghiệp chuyên ngành xã hội học của ĐH Hong Kong. Năm 2000, bà được chỉ định làm người đứng đầu Văn phòng phúc lợi xã hội của chính quyền Hong Kong và đã đưa ra một số cải cách gây tranh cãi, như thắt chặt trợ cấp an sinh xã hội. Năm 2004, bà được bổ nhiệm vào ghế thư ký về vấn đề nhà ở, đất đai. Ba năm sau đó (2007), bà giữ ghế thư ký về vấn đề phát triển. Năm 2012, bà trở thành Tổng Thư ký chính quyền Hong Kong dưới thời ông Lương Chấn Anh và từ chức vào ngày 12.1 vừa rồi để ra tranh cử. |
Theo Tuổi trẻ