Sản xuất nông nghiệp tiếp tục gặp khó
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 15:36, 31/03/2017
Ngày 31.3, Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI bước vào ngày làm việc thứ 2 với phần thảo luận tại hội trường.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dương Thái điều hành phiên thảo luận tại hội trường. Ảnh: Thành Chung
Mở đầu phiên họp, hội nghị nghe đồng chí Nguyễn Viết Hải, Tỉnh ủy viên, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tổ. Qua tổng hợp có 36 lượt ý kiến phát biểu. Về cơ bản, các đại biểu đều nhất trí cao với các tờ trình và báo cáo tại hội nghị.
Tiếp đó, đồng chí Nguyễn Dương Thái, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh điều hành phiên thảo luận tại hội trường.
Giá thực phẩm giảm mạnh
Mở đầu phiên thảo luận, ông Lê Thế Trang, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh cho rằng, tăng trưởng của ngành nông nghiệp trong quý 1.2017 đạt 5,4% là do giá trị cây vụ đông tăng trên 7%, trong khi đó lĩnh vực chăn nuôi, trong đó nuôi lợn, gà đạt thấp. Tổng đàn lợn toàn tỉnh ước đạt 626.000 con, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm trước nhưng giảm 4,6% so với tháng 10.2016. Diện tích nuôi thủy sản được duy trì ổn định, ước đạt gần 11.000 ha, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2016. Nuôi cá lồng phát triển mạnh. Đến thời điểm này, toàn tỉnh có gần 3.000 lồng cá, tăng gần 800 lồng so với cuối năm 2016.
Làm rõ hơn vấn đề này, ông Nguyễn Văn Phú, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) cho biết, sản xuất nông nghiệp trong quý 2.2017 được dự báo sẽ gặp khó khăn do sản lượng vải thiều sụt giảm mạnh vì thời tiết không thuận lợi. Sản lượng vải thiều ước đạt 30.000 tấn, giảm 8.000 tấn so với năm 2016, giảm khoảng 40% so với những năm được mùa. Từ đầu năm tới nay, giá quất giảm mạnh, chỉ bằng 10% so với năm trước. Nguyên nhân là do thời tiết ấm, quất chín sớm hơn mọi năm. Lĩnh vực chăn nuôi tiếp tục gặp khó khăn khi giá thị lợn, thịt gà vẫn giảm mạnh. Nếu như cùng kỳ năm 2016, giá thịt lợn ở mức 50.000 đồng/kg thì đến nay chỉ còn 35.000 đồng/kg, bằng giá thành sản xuất, người dân không có lãi. Giá gà công nghiệp hiện xuống rất thấp, ở mức 28.000/kg, người dân bị lỗ nặng. Giá lợn, gà liên tục giảm làm ảnh hưởng rất lớn đến tái đàn sản xuất của người dân. Nguyên nhân là do thị trường Trung Quốc giảm nhập thịt lợn, trong khi tiêu thụ trong tỉnh chỉ chiếm khoảng 30%. Với các yếu tố bất lợi này, tăng trưởng của ngành nông nghiệp sẽ bị ảnh hưởng nặng trong các quý tới của năm 2017.
Về triển khai thực hiện đề án "Sản xuất nông nghiệp tập trung nâng cao giá trị gia tăng", các huyện: Kinh Môn, Gia Lộc, Thanh Miện bám sát đề án thực hiện có hiệu quả, dần tiến đến sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng với những cây trồng có thể mạnh. Các địa phương tiếp tục chuyển đổi những diện tích đất trồng lúa sang trồng cây lâu năm và nuôi thủy sản mang lại giá trị kinh tế cao theo quy hoạch đã được tỉnh phê duyệt. Ông Phú đề nghị các địa phương cần quản lý tốt quy hoạch, không để phát triển ồ ạt làm ảnh hưởng đến sản xuất theo quy mô lớn.
Về mô hình sản xuất hiệu quả hiện nay, ông Phú cho biết mô hình liên kết từ đầu vào đến đầu ra là hiệu quả nhất, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò vừa hỗ trợ giống, vốn cho nông dân và bao tiêu đầu ra. Tuy nhiên, số doanh nghiệp loại này hiện chưa nhiều. Công ty CP của Thái Lan đang áp dụng trong chăn nuôi lợn. Công ty Kiên Giang liên kết sản xuất 200 ha rau, Công ty Tiên Du 400 - 500 ha lúa... Tuy nhiên, đây mới chỉ là mô hình mẫu, còn để mở rộng liên kết ra toàn tỉnh với 20.000 ha rau vụ đông, 10.000 ha rau các loại, 20.000 ha hoa quả... cần có sự vào cuộc mạnh hơn nữa của tỉnh cũng như các sở, ngành, địa phương.
Về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, ông Phú cho biết Sở NN-PTNT đi tham khảo mô hình ở một số tỉnh như Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa, Hải Phòng. Để sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cần phải có sự hỗ trợ tích cực của tỉnh, đặc biệt trong việc tích tụ ruộng đất. Tỉnh phải có kế hoạch hỗ trợ bằng tiền cho những doanh nghiệp tham gia sản xuất. Hà Nam hỗ trợ 50 tỷ đồng/ha, Hải Phòng hỗ trợ 2,2 tỷ đồng/ha theo cách như làm với khu công nghiệp. Sau đó, diện tích này sẽ được giao cho doanh nghiệp sản xuất. Tới đây, Sở NN-PTNT sẽ tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng đề án tích tụ ruộng đất để phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cho phù hợp với điều kiện của tỉnh.
Chạy theo thành tích xây dựng nông thôn mới?
Theo ông Nguyễn Văn Phú, đến thời điểm này, toàn tỉnh có 102 xã nông thôn mới (NTM), chiếm 45%, bình quân mỗi xã đạt 11,6 tiêu chí. Năm 2017, toàn tỉnh phấn đấu đạt thêm 30 xã NTM. Tuy nhiên, Giám đốc Sở NN-PTNT băn khoăn khi những xã được công nhận NTM trong năm 2017 phải không có nợ xây dựng cơ bản. Ông Phú cho rằng, các xã đăng ký về NTM trong năm 2017 phải cân đối ngoài mức hỗ trợ của tỉnh nhiều khả năng như năm trước ở mức 7 tỷ đồng/xã thì cần phải tính toán thêm nguồn lực từ ngân sách huyện, xã. Ông Phú cũng đề nghị các sở, ngành liên quan cần tạo điều kiện hơn nữa cho các xã có quỹ đất sạch bán đấu giá lấy tiền xây dựng NTM.
Thảo luận thêm về vấn đề này, ông Cao Ngọc Quang, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Tứ Kỳ nêu vấn đề có hay không tình trạng chạy theo thành tích trong xây dựng NTM? Thừa nhận Tứ Kỳ là huyện có ít xã đạt NTM nhất tỉnh nhưng theo ông Quang, quan điểm của lãnh đạo huyện là không về đích NTM bằng mọi giá khi đời sống của người dân chưa được nâng lên. Đến nay, Tứ Kỳ mới có 2 xã NTM. Năm 2017, huyện đăng ký thêm 4 xã xây dựng NTM. Ông Quang đề nghị tỉnh có chính sách riêng hỗ trợ những xã nghèo, số tiêu chí đạt được còn thấp, trước tiên hỗ trợ kinh phí xây dựng trụ sở làm việc, trạm y tế, trường học. Bố trí kinh phí để hoàn thiện đo đạc làm hồ sơ địa chính cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân sau dồn điền đổi thửa.
SỸ THẮNG