Sớm có chính sách đặc thù phát triển ngành dược liệu

Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 08:36, 13/04/2017

Sáng 12.4, Văn phòng Chính phủ phối hợp với UBND tỉnh Lào Cai tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về phát triển ngành dược liệu Việt Nam.



Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dương Thái chủ trì tại điểm cầu Hải Dương


Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị. Đồng chí Nguyễn Dương Thái, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì tại điểm cầu Hải Dương.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các cấp, các ngành cần sớm có cơ chế, chính sách đặc thù cho ngành dược liệu như hỗ trợ vốn, ưu tiên áp dụng khoa học, công nghệ, giải quyết thủ tục hành chính. Sản xuất dược liệu cần được ưu tiên đầu tư như sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Bộ Y tế phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lựa chọn phát triển những loại cây dược liệu, bài thuốc để bảo tồn, phục vụ nhân dân và xuất khẩu. Cần sớm hoàn thiện bộ tiêu chuẩn về quản lý, nuôi trồng, thu hoạch, bảo quản, chế biến, lưu thông, sử dụng các loại dược liệu. Đẩy mạnh việc tuyên truyền, quảng bá để nhân dân thấy được tác dụng to lớn của các loại dược liệu và mở rộng thị trường tiêu thụ. Quan tâm đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng. Mở rộng dịch vụ khám chữa bệnh qua bảo hiểm y tế bằng y học cổ truyền. Các bộ phối hợp với tỉnh Lào Cai làm mô hình thí điểm quy vùng trồng, sản xuất dược liệu để nhân rộng. Xây dựng các trung tâm bảo tồn, nghiên cứu, sản xuất dược liệu ở các miền trong cả nước. Mối liên kết giữa Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp cần chặt chẽ, hiệu quả hơn. Các cơ quan chuyên môn đẩy mạnh kiểm tra, xử lý để ngăn chặn hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, giúp bảo đảm sức khỏe cho người dân và tránh làm ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng của ngành dược liệu trong nước. Các mặt hàng dược liệu cần phong phú hơn, không chỉ phục vụ nhu cầu chữa bệnh mà còn hướng đến nhu cầu chăm sóc sức khỏe, làm đẹp, ẩm thực của nhân dân...

Theo Bộ Y tế, Việt Nam có 3.948 loài thực vật, nấm, 408 loài động vật, 75 loại khoáng vật, 52 loài tảo biển có công dụng làm thuốc. Trong đó có khoảng 70 loài có tiềm năng khai thác với số lượng lớn và nhiều loài dược liệu quý hiếm, đặc hữu như sâm Ngọc Linh, ba kích, châu thụ, ngân đằng, quế… Cả nước đã thu thập, sưu tầm được gần 1.300 bài thuốc dân gian. Nhu cầu dược liệu trong nước hiện nay từ 60.000 - 80.000 tấn/năm nhưng mới chỉ đáp ứng được khoảng 25%. Hiệu quả từ việc nuôi trồng, sản xuất dược liệu cao gấp 5 - 10 lần trồng lúa.

DANH TRUNG