Vượt lên bằng đôi chân tật nguyền
Đời sống - Ngày đăng : 08:30, 16/04/2017
Vượt qua những nỗi đau tật nguyền, vươn lên xây dựng hạnh phúc, anh Phạm Khắc Hiền thật sự là một tấm gương sáng để nhiều người khuyết tật noi theo.
Mái ấm nhỏ hạnh phúc của anh Phạm Khắc Hiền
Nghị lực phi thường và sự lạc quan yêu đời đã giúp anh Phạm Khắc Hiền (39 tuổi) ở khu dân cư Trại Sen, phường Văn An (Chí Linh) vượt qua những nỗi đau tật nguyền, trắc trở trong cuộc sống, vươn lên xây dựng hạnh phúc.
Tuổi thơ không may mắn
Cửa hàng in đồ lưu niệm Phương Nam của anh Phạm Khắc Hiền mở ngay tại nhà anh ven quốc lộ 18, thuộc khu dân cư Trại Sen, phường Văn An (Chí Linh). Lúc chúng tôi đến thăm, anh Hiền đang mải miết bên máy tính để thiết kế mẫu thiệp cưới cho khách hàng. Đôi tay anh nhoay nhoáy lướt trên bàn phím. Chị Nguyễn Thị Tần vợ anh vừa bế con nhỏ, vừa phụ anh gấp tài liệu để giao cho khách. Đến giờ chị Tần cho con ăn, anh Hiền lại đứng dậy với chiếc nạng gỗ kẹp vào nách, bước từng bước chậm rãi ra giao hàng thay cho vợ.
Vừa photocopy tài liệu, anh Hiền vừa trò chuyện, cười nói rôm rả cùng khách. Anh Hiền chia sẻ: “Công việc này luôn chân luôn tay như con mọn anh ạ. Hôm nay trời mưa nên ít khách đấy, chứ những hôm đông khách làm chẳng ngơi tay. Nhiều hôm làm tranh thủ quên cả giờ ăn trưa”.
Theo lời bố mẹ anh, khi mới sinh nhìn Hiền bụ bẫm, khỏe mạnh, đáng yêu như những đứa trẻ khác. Vừa tròn 2 tuổi, anh bị ốm nặng phải nằm điều trị trong bệnh viện. Đến khi khỏi bệnh thì phát hiện một chân đã bị bại liệt, chân còn lại teo tóp, đi lại rất khó khăn. Gia đình đưa Hiền đi chữa ở nhiều nơi nhưng không được. Từ đó, anh Hiền phải sống chung với cảnh tật nguyền.
Suốt ngày chỉ quẩn quanh trong nhà, thường xuyên ốm đau nên mãi đến năm 8 tuổi, Hiền mới đi học lớp 1. Trước khi đi học, Hiền đã tập làm quen với chiếc nạng để có thể tự đi lại được nên bố mẹ cậu cũng đỡ vất vả phần nào. Anh cho biết: “Lúc đầu tập đi với nạng khổ lắm. Nách đau nhức đỏ tấy vì phải kẹp nạng, còn tay mỏi nhừ vì phải điều khiển nạng theo mỗi bước đi. Mãi tôi mới quen được”.
|
Bố mẹ đưa Hiền đi học đến năm lớp 4. Sau đó, Hiền tự chống nạng đến trường. Bản tính hiền lành nên Hiền được nhiều bạn bè quý mến, giúp đỡ tận tình. Ở lớp có một số bạn đi học bằng xe đạp đã tự nguyện đưa đón Hiền hằng ngày. Sự ấm áp của tình bạn đã giúp anh thêm yêu đời và tự tin vào cuộc sống.
Chắp cánh ước mơ
Ngay từ nhỏ, anh Hiền đã có niềm đam mê đọc sách, đặc biệt là sách về âm nhạc. Anh quan niệm đọc sách sẽ giúp mình có nhiều tri thức cho cuộc sống và sự lạc quan yêu đời. Anh Hiền chia sẻ: “Tôi mê nhạc, thích nghe nhạc từ bé và luôn mong muốn sẽ có một cây đàn ghi ta cho riêng mình”. Hồi học lớp 4, một lần có chú bộ đội đi ngang nhà, thấy chú ấy vác trên vai chiếc đàn ghi ta đã cũ, chỉ còn một dây. Chẳng hiểu sao lúc đó, Hiền lại bạo gan hỏi mua cây đàn. Chuyện trò một lúc, cuối cùng chú ấy đã đồng ý bán cho Hiền chiếc đàn ghi ta 1 dây cũ với giá 15.000 đồng, bằng số tiền anh tiết kiệm được. Mặc dù chưa biết chơi nhưng lần đầu tiên sở hữu một chiếc đàn ghi ta khiến Hiền rất hào hứng.
Có đàn nhưng chỉ còn một dây, Hiền lại xin tiền bố mẹ mua thêm số dây còn thiếu. Và từ đó, cây đàn đã trở thành người bạn thân thiết không thể rời xa đối với Hiền. Trừ những lúc ăn, học và ngủ, thời gian còn lại cậu tập “bật bông” với từng nốt nhạc. Tự mày mò, trình độ chơi đàn của anh Hiền ngày một tiến bộ. Sau một thời gian ngắn, anh đã có thể tự tin chơi đàn cho bố mẹ và bạn bè nghe.
Sau những phút lao động mệt mỏi, anh Hiền thư giãn với cây đàn ghi ta
Học hết cấp 3, anh quyết tâm thực hiện ước mơ âm nhạc của mình. Anh muốn thi vào Nhạc viện để thực hiện ước mơ trở thành một giáo viên dạy nhạc. Anh Hiền cho biết: “Anh có thể hình dung, một cậu học sinh nhà quê không người quen biết, một thân một mình tìm lên Nhạc viện Hà Nội xin học thêm để thi. Thấy tôi tật nguyền, chẳng ai nhận dạy. Họ nói nếu là học để chơi họ dạy còn học để thi vào trường sẽ không đỗ được vì vấn đề sức khỏe”.
Mặc dù vậy, anh Hiền vẫn quyết tâm xin học. Đối với anh, bước chân vào Nhạc viện không chỉ vì niềm đam mê mà anh muốn chứng minh bản thân hoàn toàn có thể học như những người bình thường. Sau những bỡ ngỡ ban đầu, nỗ lực của anh đã được đền đáp. Khi cầm trên tay giấy báo trúng tuyển Nhạc viện Hà Nội, anh vui sướng vô cùng. Để bố mẹ đỡ vất vả, trong quá trình học tập, anh còn nhận đi làm gia sư dạy nhạc kiếm tiền trang trải cuộc sống.
Đường thành công không trải hoa hồng
10 năm học ở Nhạc viện, tốt nghiệp 2 chuyên ngành biểu diễn ghi ta và lý luận phê bình âm nhạc, anh Hiền háo hức đi xin việc. Nhưng rồi sự nhiệt huyết trong anh giảm dần, bởi đi hết nơi này đến nơi khác nhưng không đâu nhận. Ai cũng nghi ngại về sức khỏe và vẻ bề ngoài của anh.
Anh Hiền nhớ lại: “Tôi có nộp hồ sơ xin việc tại một trường đào tạo về nghệ thuật. Thấy họ gọi điện, tôi phấn khởi, hăm hở lên trường. Ngồi ở phòng khách đợi mãi không thấy ai, lúc lâu sau mới được thông báo rằng họ đã nhận một hồ sơ khác rồi. Tôi nghĩ chắc khi nhìn thấy tôi chống nạng đến, hình dáng tôi như vậy nên không nhận thôi”.
Ra về trong sự thất vọng tràn trề, anh Hiền chua chát: “Khi ấy tôi nghĩ chẳng có lẽ những người khuyết tật, yếu thế như tôi lại không có cơ hội làm việc để cống hiến cho đời?”. Sau nhiều lần xin việc không được, anh ở nhà chú tâm trông coi, kinh doanh quán internet của gia đình. Những tưởng cuộc sống sẽ thay đổi nhưng khó khăn, trắc trở vẫn luôn bủa vây anh trong mỗi một bước đi của cuộc đời. Sau khi sinh con được hơn 1 tuổi, vợ anh đã bỏ đi để lại một mình anh nuôi con nhỏ trong nỗi buồn vô hạn. Mất mấy tháng khủng hoảng tinh thần, anh quyết tâm gạt đi nỗi buồn để tiếp tục đứng dậy làm việc và nuôi con.
Để có thêm thu nhập, anh cùng với một số bạn thân nhận các đơn hàng viết giáo trình âm nhạc, sách dạy chơi đàn ghi ta, đàn organ. Công việc này anh đã làm từ hồi sinh viên rồi nên đã có nhiều khách quen. Cứ thế, anh đi đi về về giữa Hà Nội - Chí Linh để vừa bảo đảm công việc ở nhà, con cái và công việc trên Hà Nội. Công việc vất vả nhưng chưa bao giờ anh lùi bước. Cảm phục nghị lực phi thường của anh nên người vợ hiện tại đã tình nguyện đến với anh. Anh Hiền kể: “Ban đầu gia đình cô ấy phản đối quyết liệt vì thương, sợ con gái mình vất vả. Nhưng với sự quyết tâm của cô ấy và sự chân tình của mình, cuối cùng gia đình cô ấy cũng đồng ý”. Năm 2008, họ tổ chức đám cưới.
Bằng số vốn tiết kiệm và được bạn bè giúp đỡ, năm 2010, vợ chồng anh đã mở một cửa hàng kinh doanh tổng hợp. Là dân nghệ thuật chỉ biết đàn và hát, nhưng cuộc sống thúc bách khiến anh phải thích ứng với hoàn cảnh để tồn tại. Từ việc mở quán internet, photocopy đến dịch vụ in ấn, anh đều tự mày mò, nghiên cứu. Đến nay, cửa hàng của anh trở thành địa điểm quen thuộc của nhiều khách hàng. Công việc kinh doanh thuận lợi giúp anh có nguồn thu nhập ổn định để nuôi sống gia đình và chăm sóc con cái. Chia sẻ về ước mơ trong tương lai, anh cho biết: “Tôi đang chuẩn bị để thành lập công ty in ấn chuyên sản xuất các sản phẩm lưu niệm như áo phông, cốc in những hình ảnh đặc trưng của quê hương như Đảo Cò, Côn Sơn - Kiếp Bạc... để giới thiệu với du khách trong và ngoài nước. Bây giờ suy nghĩ của tôi đã thay đổi. Tôi hiểu rằng cơ hội được làm việc và cống hiến luôn rộng mở với tất cả mọi người. Chỉ cần mình có nghị lực và quyết tâm là sẽ thực hiện được tất cả”.
Chia tay gia đình anh Hiền, chúng tôi không khỏi cảm phục nghị lực phi thường của người thanh niên khuyết tật. Trong ánh mắt và nụ cười của anh luôn sáng ngời hy vọng. Anh thật sự là một tấm gương để nhiều người khuyết tật noi theo.
ĐỨC TÂM