Viettel khai trương 4G, tốc độ nhanh hơn 3G từ 7-10 lần

Khoa học - Công nghệ - Ngày đăng : 15:08, 18/04/2017

Mạng di động 4G của Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) có tốc độ download thực tế dao động từ 30-50Mbps, nhanh hơn dịch vụ 3G hiện nay từ 7-10 lần.


Không gian trải nghiệm 4G của Viettel. (Ảnh: T.H/Vietnam+)


Thông tin trên được ông Hoàng Sơn, Phó Tổng Giám đốc kiêm Tổng Giám đốc Viettel Telecom chia sẻ tại lễ khai trương 4G ngày 18.4.

Phủ 4G tới gần 11.000 xã, phường

Theo ông Sơn, đa phần các mạng di động lớn trên thế giới khi triển khai 4G đều tập trung phủ sóng ở thành thị và lan dần ra nông thôn. Ví dụ như Vodafone, tháng 8/2013 khai trương 4G ở London (Anh), tới tháng 12 mở rộng ra 12 thành phố khác và tới 2017 mới phủ sóng 88% dân số. Song Viettel khi khai trương 4G đã triển khai 36.000 trạm thu phát sóng, phủ 95% dân số (gần 11.000 xã, phường có sóng 4G).

Từ đó, ông Sơn nhận định Viettel là nhà mạng đầu tiên trên thế giới có vùng phủ 4G toàn quốc ngay khi bắt đầu cung cấp dịch vụ.

“Nhiều người lo ngại khi công nghệ càng phát triển, càng khó tiếp cận vì chi phí tăng cao, nhà cung cấp sẽ tính đến bài toán lợi ích mà bỏ quên người nghèo, người ở vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, chúng tôi mong muốn mang 4G đến với tất cả người dân Việt Nam, dù ở bất kỳ đâu thậm chí cả những nơi sâu xa nhất ở đất nước ta,” ông Sơn nói.

Với quan điểm đầu tư một mạng 4G siêu tốc độ và hiện đại, 100% trạm thu phát 4G của Viettel sử dụng công nghệ 4T4R (4 phát, 4 thu), cho phép mở rộng vùng phủ sóng lên 1,4 lần và tăng tốc độ download lên gần 2 lần so với công nghệ 2T2R (2 phát 2 thu) đang phổ biến trên thế giới.

Viện dẫn con số thống kê của Hiệp hội các nhà cung cấp dịch vụ di động toàn cầu, ông Sơn cho biết tính đến hết tháng Một, có 581 doanh nghiệp viễn thông trên toàn thế giới cung cấp 4G, nhưng chỉ có dưới 10% nhà mạng sử dụng công nghệ 4T4R.

Đo thử bằng công cụ Speedtest trong buổi sáng khai trương, phóng viên VietnamPlus ghi nhận tốc độ download của 4G Viettel từ 39,07 Mbps tới 70,1 Mbps, trong khi đó tốc độ upload đạt từ 8,21 Mbps tới 40,54 Mbps, tùy thời điểm.

Chưa đưa ra gói cước cụ thể, song phía Viettel cho hay sẽ cung cấp các gói cước 4G đa dạng theo từng đối tượng khách hàng với mức giá dự kiến rẻ hơn 3G từ 40-60%, đồng thời đảm bảo tiêu chí “dùng càng nhiều, giá càng rẻ.”

Cùng với việc đưa ra các gói cước linh hoạt và phù hợp, Viettel sẽ cung cấp đồng bộ các dòng máy hỗ trợ 4G có mức giá chỉ hơn 1,3 triệu đồng, hỗ trợ đổi sim 4G miễn phí, để nhiều người dân có thể sở hữu và trải nghiệm các tiện ích của 4G.

Trả lời câu hỏi của báo giới về mục tiêu doanh thu, ông Sơn thẳng thắn cho hay Viettel không xác định 4G đem lại doanh thu, lợi nhuận đột phá. Theo ông Sơn, bản chất 3G là data, nhưng phải từng bước đưa khách hàng trải nghiệm dịch vụ tốt hơn, chứ không phải tốn nhiều tiền hơn cho 4G. Bởi lẽ, ví dụ người dùng thu nhập 5 triệu đồng/tháng và chi trả cho điện thoại 200.000 đồng/tháng, nên việc 4G hay 5G sau này người dùng bỏ ra 500.000 đồng-1 triệu đồng cho điện thoại là không khả thi.


Viettel chính thức đưa mạng 4G vào hoạt động với kỳ vọng sẽ tạo sự 'bùng nổ' dịch vụ trong ngành viễn thông lần thứ 2. (Ảnh: T.H/Vietnam+)


4G phải là “bà đỡ”…

Phát biểu qua cầu truyền hình được kết nối trên nền hạ tầng 4G, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam biểu dương những thành quả mà Viettel đã đạt được khi trong 6 tháng đã có được mạng lưới trạm thu phát sóng 4G rộng khắp.

Ghi nhận sự phát triển công nghệ thông tin, viễn thông trong thời gian qua, song Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thẳng thắn cho rằng vẫn còn nhiều mặt ở mức trung bình, thậm chí có mặt ở mức trung bình thấp cho với mức độ phát triển chung trên thế giới.

“Điều này đòi hỏi chúng ta phải có nỗ lực vượt bậc, đưa công nghệ thông tin, truyền thông phát triển mạnh mẽ, tận dụng được thời cơ của cuộc cách mạng 4.0,” Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Lãnh đạo Chính phủ cũng cho hay, đã có những lúc chúng ta tự hào về một trong những nước đi đầu về phổ biến công nghệ thông tin di động GSM nhưng tính tiên phong đó chậm dần, tới 4G gần như thuộc nhóm phát triển chậm nhất.

Do đó, Chính phủ yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông, các doanh nghiệp viễn thông phải có một bước tiến lấy lại thời gian đã bị chậm, triển khai nhanh mạng thông tin băng rộng, coi đây là một trong những yếu tố, hành động cụ thể để nắm bắt thời cơ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Phó Thủ tướng đề nghị Viettel cần phải bảo đảm chất lượng dịch vụ 4G, có chính sách để thông tin của các cơ quan Đảng, Nhà nước, một số tờ báo lớn đến với người dân.

Bên cạnh đó, phải làm sao để 4G thực sự là “bà đỡ” để các doanh nghiệp công nghệ thông tin, nội dung số có được hệ sinh thái, điều kiện để phát triển các sản phẩm nội dung số hữu ích.

Phó Thủ tướng cũng đánh giá cao chủ trương của Viettel trong việc cung cấp miễn phí các thông tin về sức khỏe, giáo dục, nông nghiệp... cho mọi người dân cũng như sự tham gia tích cực của Viettel để hình thành đề án phát triển hệ tri thức số hoá của người Việt.

“Trước đây khi mới giành được độc lập, để đất nước phát triển, chúng ta đã thực hiện chương trình bình dân học vụ để xoá mù chữ. Và bây giờ, trong cuộc cách mạng 4.0 này, chúng ta phải thực hiện xoá mù công nghệ cho tất cả mọi người,” Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Trung Hiền(Vietnam+)