Tấm lòng của những người bác sĩ

Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 08:37, 23/04/2017

Tầm 3 giờ sáng 14.3, người phụ nữ bụng bầu vượt mặt, một mình, tay không vào Bệnh viện Q.2 (TP Hồ Chí Minh) để sinh con.



Em bé những ngày được chăm sóc ở bệnh viện. Ảnh: BVCC


Thai phụ nói mình không biết chữ, lại không có tiền, cũng không có ai thân thích ở đây. Trưởng ca trực liền gọi báo tình hình với giám đốc bệnh viện là bác sĩ Trần Văn Khanh.

Bác sĩ, êkip trực hôm đó liền hỗ trợ, tận tình đưa thai phụ vào phòng sinh. Chỉ chừng 30 phút sau, chị này đã sinh xong. “Sản phụ sinh thường, rất nhanh. Bé gái nặng 2,5kg, dễ thương lắm” - nữ bác sĩ phó khoa sản của bệnh viện nhớ lại.

Tuy nhiên, đến khi trời sáng, sản phụ nói đi vệ sinh nhưng không quay lại. Bác sĩ Khanh nói nữ hộ sinh lục lại số điện thoại người thân của sản phụ và ông trực tiếp gọi nói chuyện.

“Ban đầu anh này nói chỉ là người thân của sản phụ. Khi được biết đang nói chuyện với giám đốc bệnh viện, có khó khăn gì cứ chia sẻ, anh này mới nhận mình là cha đứa bé, vì cuộc sống khó khăn, không nuôi được bé. Rồi người cha gửi gắm các y bác sĩ chăm sóc bé, nhờ trao cho người khác nuôi giúp” - bác sĩ Khanh kể.

“Anh đừng băn khoăn gì hết, bé sinh ra phải có cha có mẹ, có người nuôi dưỡng. Có gì anh cứ quay lại bệnh viện, chúng tôi sẽ tìm các mạnh thường quân giúp đỡ.

Bệnh viện không lấy viện phí và sẽ hỗ trợ, vận động mọi người giúp đỡ” - bác sĩ Khanh chân tình khuyên nhủ. Nghe những lời phân tích về tình máu mủ ruột thịt, hai vợ chồng quay lại bệnh viện.

Những ngày ở lại bệnh viện, căngtin lo cơm nước cho vợ chồng sản phụ. Các bác sĩ, nữ hộ sinh của khoa sản góp tiền mua sữa, tã... và cùng chăm sóc em bé.

Qua tâm tình, các bác sĩ được biết cả hai vợ chồng từ quê vào làm phụ hồ cho công trình ở P.Thạnh Mỹ Lợi, Q.2.

Bốn ngày sau sinh, bé cứng cáp, sức khỏe người mẹ ổn định nên được xuất viện. Bệnh viện gọi xe, trả tiền taxi cho cả nhà sản phụ về tận phòng trọ.

Khi chúng tôi điện thoại cho người chồng, anh cho biết vợ chồng đã đưa con về quê (Thanh Hóa) một thời gian để chăm sóc bé, khi bé cứng cáp, cả hai vợ chồng đưa con vào Sài Gòn kiếm việc nuôi con.

Bác sĩ Khanh cho biết trung bình mỗi năm có 2-3 trường hợp các bé bị bỏ lại ở bệnh viện.

Có trường hợp sinh xong mẹ bỏ con lại, có trường hợp bé bị bỏ ngoài đường rồi được đưa vào bệnh viện.

Lúc này, các bác sĩ vừa làm công việc của mình vừa thay phiên nhau cho các bé uống sữa, thay tã, góp tiền mua quần áo, chăm sóc như con của mình.

Sau đó bệnh viện khám tổng quát sức khỏe cho các bé, chờ thời gian cho bé khỏe rồi liên hệ với chính quyền để tìm người nuôi dưỡng.

NGỌC LOAN - MINH PHƯỢNG (Tuổi trẻ)