Ký ức sống động của người lái xe tăng 390

Tin tức - Ngày đăng : 10:00, 30/04/2017

Ngày 30.4.1975, trung sĩ Nguyễn Văn Tập lái chiếc xe tăng 390 húc đổ cánh cổng dinh Độc Lập, tiến vào sào huyệt cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn.



Ông Nguyễn Văn Tập bên bức ảnh chụp tại lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ
công nhận xe tăng 390 là bảo vật quốc gia

Ký ức về ngày chiến thắng và hành trình gắn bó với chiếc xe tăng huyền thoại vẫn còn sống mãi trong ông.

"Người bạn" đặc biệt


Đón chúng tôi tại nhà riêng ở thôn Đại Tỉnh, xã Hoàng Diệu (Gia Lộc) vào buổi trưa một ngày chủ nhật cuối tháng tư, ông Nguyễn Văn Tập cười vui giải thích: “Tôi vẫn đang đi làm cho một công ty sơn trên Hà Nội, cuối tuần mới chạy xe máy về ăn cưới nên phải hẹn nhà báo vào giờ này đây”. Tuy đã 66 tuổi nhưng ông Tập vẫn miệt mài lao động. Khuôn mặt ông vẫn giữ những nét tinh anh và trí nhớ khá tốt, đặc biệt là những chi tiết về Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Năm 1970, chàng thanh niên 19 tuổi Nguyễn Văn Tập xung phong nhập ngũ theo tiếng gọi của Tổ quốc, dù thuộc diện được miễn hoãn vì có 2 anh trai đang ở chiến trường, bản thân đang theo học trung cấp cơ khí. Với hành trang kiến thức thu nhận được trong 2 năm học trung cấp, ông được chọn vào binh chủng tăng thiết giáp để học lái xe tăng. Chiếc xe đầu tiên ông được nhận là một chiếc T54B, loại xe tăng mới, hiện đại nhất lúc bấy giờ. Nhưng khi cả người và xe được chuyển tới Quảng Bình bằng đường sắt rồi đường thủy, ông lại được bàn giao một chiếc T59, chính là chiếc xe tăng mang số hiệu 390. Từ khi nhận xe vào đầu năm 1972 đến ngày 30.4.1975, ông đều gắn bó với chiếc xe tăng này. Toàn bộ quãng đời chiến đấu của ông đi liền với chiếc xe tăng huyền thoại. “Loại xe tăng này có 4 người cùng một kíp: chỉ huy, lái xe, pháo thủ 1 và pháo thủ 2. Từ khi nhận xe cho tới ngày chiến thắng, tôi là người duy nhất cố định. 3 vị trí còn lại nhiều lần thay đổi bởi các đồng đội chuyển sang đơn vị khác. Lái quen xe nhiều năm, thấy nó như người thân của mình vậy”, ông Nguyễn Văn Tập bồi hồi nhớ lại.

Điều khiển chiếc xe tăng nặng tới 36 tấn trên những cung đường chiến trường bị tàn phá nặng nề không phải công việc dễ dàng. Ông Tập vẫn nhớ cảm giác mệt nhọc của những chuỗi ngày lái xe hành quân xuyên đêm. Mỗi khi dừng lại, ông và đồng đội ngay lập tức phải đào 2 loại hầm ngụy trang cho xe và cho người. Nếu dừng lại nhiều ngày thì hầm cho người phải đào ngay dưới bụng xe. Mặc dù hồi tưởng lại những tháng ngày hiểm nguy nhất trong cuộc đời mình nhưng ánh mắt ông vẫn lấp lánh niềm vui: “Những người chưa từng trải qua chắc khó lòng tưởng tượng được những gian truân, vất vả chúng tôi đã nếm trải. Nhưng khi ấy mình còn trẻ lại mang đầy nhiệt huyết đi giải phóng đất nước nên khó khăn nào cũng có thể vượt qua”.

Là người lính kỹ thuật vừa lái vừa sửa sang, chăm sóc chiếc xe, ông Tập gắn bó với chiếc xe tăng 390 như một người bạn thân thiết. Ông hiểu rõ từng bộ phận xe, từng trang thiết bị được bố trí trong xe. Nhắc tới số phận của chiếc xe tăng huyền thoại, giọng ông không khỏi ngậm ngùi: “Đến năm 1975, đánh nhau xong được cất nhắc lên làm cán bộ kỹ thuật, đảm nhiệm xe của tiểu đoàn, tôi không phải lái xe nữa mà bàn giao cho người khác. Xe 390 sau đó còn sang Campuchia chiến đấu, rồi về tham gia cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc. Xe 390 cũng gian truân lắm, chiến đấu rất kiên cường”. Tấm ảnh chụp 4 người lính năm xưa bên xe tăng 390 tại lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận xe tăng 390 là bảo vật quốc gia được ông Tập treo trang trọng trong phòng khách. Với ông, chiếc xe ấy là một đồng đội.

Ngày chiến thắng hào hùng

Là một trong những người đầu tiên tiến vào dinh Độc Lập, trong tâm khảm ông Nguyễn Văn Tập mãi ghi nhớ chặng đường đi tới những phút giây lịch sử hào hùng đó. Từ ngày 26.4.1975, đại đội tăng của ông đánh địch ở căn cứ Nước Trong (Đồng Nai), chiến đấu với trường sĩ quan tăng thiết giáp của địch, giải phóng Đồng Nai. Sau đó, đơn vị ông tiếp tục tiến sâu vào Sài Gòn theo hướng từ Thủ Đức qua cầu Sài Gòn. Quân địch chặn đánh rất quyết liệt. Dọc đường đi, ông đã thấy những xe tăng của ta bị địch bắn trúng phải dừng bước ngay trước cửa ngõ thành phố. Song bước tiến của quân ta không vì thế mà lỡ nhịp. Theo trí nhớ của ông Tập, sáng 30.4, khoảng 9 giờ 30, xe tăng của ông đang ở xa lộ Sài Gòn, khoảng 10 giờ tiến đến trung tâm thành phố và 10 giờ 30 có mặt tại cổng dinh Độc Lập.

“Khi tôi điều khiển xe đến gần dinh Độc Lập thì đã thấy xe tăng 843 do anh Bùi Quang Thận chỉ huy đang dừng trước cổng phụ của dinh. Khi ấy cổng dinh vẫn đóng, bên trong vẫn còn quân lính và xe thiết giáp. Anh Vũ Đăng Toàn, chính trị viên đại đội ra lệnh cho tôi: “Húc thẳng vào cổng chính”. Khi tôi điều khiển xe lao vào húc đổ cổng sắt thì quân lính bên trong mới bỏ chạy về phía vườn cây phía sau dinh”, ông Tập nhớ lại. Khi xe dừng lại trong sân dinh, 3 thành viên của xe 390 là ông Vũ Đăng Toàn, Ngô Sỹ Nguyên, Lê Văn Phượng đều chạy lên dinh, chỉ còn mình ông Tập ngồi lại giữ xe. Trong giây phút lịch sử ấy, trong ông đã diễn ra cuộc đấu tranh tâm lý về việc ở lại xe hay cũng vào dinh. Đầu tiên, ông cảm thấy tiếc nếu không được chứng kiến thời khắc lịch sử trong dinh nhưng tinh thần, trách nhiệm của người lính lại mách bảo ông rằng nếu ông bỏ xe lại thì địch có thể chiếm xe, hậu quả sẽ khôn lường. Bởi thế, dù đã bước lên những bậc thềm đầu tiên của dinh Độc Lập, ông đã quay lại bên “người bạn chiến đấu” của mình. Vì vậy, dù là người lái xe tăng đầu tiên vào dinh Độc Lập nhưng phải 20 năm sau, ông Nguyễn Văn Tập mới lần đầu tiên được đặt chân vào bên trong dinh.

11 giờ 30, Tổng thống Dương Văn Minh đọc lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện quân giải phóng tại Đài Phát thanh Sài Gòn. Đến 12 giờ, xe tăng 390 rời dinh Độc Lập, nhận lệnh tới tiếp quản, bảo vệ cảng Sài Gòn. “Lực lượng của mình khi đó rất mạnh. Có xe tăng đóng ở đó, không ai còn dám tới tranh cướp hàng hóa. Tàu bè và kho hàng ở cảng được bảo vệ an toàn. Khi tình hình ổn định, chúng tôi rút ra đóng quân ở Long Bình (Đồng Nai). Trong lễ mừng chiến thắng, tôi cũng được lái xe tăng đi diễu hành trên phố. Buổi lễ rất long trọng, đông đảo người dân tham gia. Những người lính chúng tôi đều cảm thấy tự hào và xúc động vì đã được góp sức làm nên chiến thắng kỳ diệu ấy”, ông Tập rưng rưng kể lại.

Tháng 7.1976, ông Tập xuất ngũ, trở về thôn Đại Tỉnh làm một người nông dân bình thường, chân chất. Nhưng ký ức về những ngày tháng chiến đấu bên chiếc xe tăng 390, đặc biệt là phút giây húc đổ cánh cổng dinh Độc Lập vẫn ghi dấu ấn sâu đậm trong ông. Có thời gian dài, sự thật lịch sử của chiến công ấy chưa được biết đến nhưng trong lòng ông chưa bao giờ vẩn lên những băn khoăn. Bởi với ông, được chiến đấu và tham gia làm nên phút giây chiến thắng lịch sử đã là may mắn lớn lao.

VIỆT HÒA