Không đánh đổi môi trường để phát triển
Môi trường - Ngày đăng : 06:28, 02/05/2017
Vừa qua, khi đi kiểm tra thực tế môi trường ở một số cụm công nghiệp, đồng chí Nguyễn Mạnh Hiển, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tiếp tục khẳng định tư tưởng chỉ đạo nhất quán của tỉnh là không đánh đổi môi trường để lấy mục tiêu phát triển doanh nghiệp và kinh tế.
Cuộc kiểm tra của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy diễn ra trong bối cảnh một số doanh nghiệp trong các cụm công nghiệp xả nước thải chưa qua xử lý, gây ô nhiễm môi trường khiến người dân rất bức xúc. Trong khi đó hầu hết các cụm công nghiệp đều chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung - một vấn đề nhức nhối tồn tại nhiều năm, song chưa có cách giải quyết hiệu quả.
Sau sự cố Formosa năm ngoái, dường như nhiều doanh nghiệp trong tỉnh im hơi lặng tiếng một thời gian, không dám ngang nhiên vi phạm môi trường. Tuy nhiên, thời gian gần đây, khi những dư âm từ Formosa đang chìm dần thì có vẻ như một số doanh nghiệp lại bắt đầu hết e sợ, tiếp tục xả thải ngang nhiên, trắng trợn, thách thức sự chịu đựng của người dân và sự nghiêm minh của pháp luật. Điển hình như một số doanh nghiệp trong cụm công nghiệp Tân Hồng (Bình Giang) xả thải làm kênh trung thủy nông Sặt - Phủ bị ô nhiễm nặng nề. Chỉ trong 3 tháng, Công ty TNHH Dệt Facific Crystal (khu công nghiệp Lai Vu, Kim Thành) bị xử phạt nặng 2 lần do vi phạm môi trường.
Lâu nay, một bộ phận doanh nghiệp, cán bộ, người dân có tư tưởng lạc hậu, cho rằng muốn phát triển doanh nghiệp, kinh tế thì phải chấp nhận hy sinh về môi trường. Cái tư duy ấu trĩ ấy thể hiện ở việc "trải thảm đỏ" để thu hút đầu tư, bất chấp những nguy cơ, hệ lụy về môi trường. Quan điểm này dẫn tới nới lỏng các yêu cầu, điều kiện về môi trường cho doanh nghiệp. Hậu quả là hàng loạt doanh nghiệp sau khi hoạt động đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng nặng nề tới dân sinh, kinh tế, làm mất ổn định xã hội.
Công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường còn nhiều hạn chế, có nơi, có chỗ buông lỏng cũng là một biểu hiện của tư duy ấy. Việc xử lý các doanh nghiệp vi phạm về môi trường nhìn chung chưa đủ sức răn đe, có trường hợp chỉ "phạt cho tồn tại", du di, cho qua nên doanh nghiệp vẫn coi thường pháp luật, sẵn sàng tái phạm.
Ở một số nơi, khi người dân có ý kiến phản ánh về doanh nghiệp gây ô nhiễm thì bị quy kết là làm mất ổn định xã hội, ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển của doanh nghiệp. Ý kiến của người dân chưa thực sự được coi trọng, xử lý cho rốt ráo.
Tư tưởng phải chọn giữa môi trường và phát triển doanh nghiệp, kinh tế là sai lầm. Chính trong báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2016, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - cơ quan đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp cũng khẳng định quan điểm trên là sai lầm và chỉ là ý kiến đơn lẻ của một nhóm thiểu số.
Quan điểm chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy là không đánh đổi môi trường để lấy mục tiêu phát triển doanh nghiệp, kinh tế cần tiếp tục được quán triệt thấu đáo trong hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Một số biện pháp mạnh mẽ đã được đồng chí Bí thư Tỉnh ủy chỉ rõ trong cuộc kiểm tra nêu trên như xử lý nghiêm doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường, huy động người dân cùng giám sát, phát hiện doanh nghiệp không làm tốt công tác bảo vệ môi trường cũng cần được các cơ quan chức năng triển khai quyết liệt, hiệu quả. Thực hiện tốt những việc ấy sẽ là "đòn giáng" mạnh vào tư duy sai trái đang tồn tại dai dẳng.
TUẤN NGUYÊN