Chiêm ngưỡng nhà thờ cổ làng Nghĩa Phú
Di tích - Ngày đăng : 08:07, 06/05/2017
Làng Nghĩa Phú (hay còn được gọi là làng Xưa) thuộc xã Cẩm Vũ (Cẩm Giàng)nổi tiếng là vùng đất địa linh nhân kiệt, mảnh đất thiêng sinh ra nhiều người tài giỏi.
Toàn cảnh nhà thờ họ Phạm Mậu
Về thăm làng Nghĩa Phú vào một ngày đầu tháng 5, ngay trong tầm mắt chúng tôi là hình ảnh một làng quê đã “thay áo mới”. Những ngôi nhà tầng, nhà vườn, biệt thự mọc lên san sát. Bao quanh là con đường bê tông chải dài, uốn lượn bên hàng cây xanh rợp bóng mát. Cuộc sống của người dân nơi đây đã có nhiều thay đổi, nhưng các giá trị truyền thống luôn được bảo tồn. Những ngôi nhà thờ cổ vẫn hiện hữu là minh chứng sống cho điều này.
Làng Nghĩa Phú hiện có 27 dòng họ cùng sinh sống tại 4 xóm gồm: xóm Đình, xóm Bến, xóm Chẹm và xóm Cầu Thày. Trong đó, 12 dòng họ còn lưu giữ được nhà thờ họ. Theo lời các cụ cao niên ở đây thì nhà thờ của dòng họ Phạm Mậu có tuổi đời nhiều nhất.
Nằm ở xóm Chẹm với khuôn viên rộng rãi và thoáng mát, xung quanh là vườn cây, ao sen, nhà thờ của họ Phạm Mậu mang nét đặc trưng cho văn hóa thờ tổ tiên của người Việt. Không ai còn nhớ năm khởi dựng nhưng căn cứ vào nội dung chữ Hán trên câu đầu tại nhà thờ đã cho thấy lần tu sửa gần nhất vào đời vua Khải Định, khoảng năm 1921.
Từ ngoài nhìn vào, tường hồi bên phải có một chữ Hán đọc là “Xuân”, đầu tường bên phải có chữ “Thọ”. Theo các cụ cao niên của dòng họ cho biết đây là 2 chữ có trong bức hoành phi “xuân đài thọ vực” ở đền Xưa, nơi thờ đại danh y Tuệ Tĩnh.
Bia đá nhà thờ họ Nguyễn Thành
Công trình có kiến trúc chữ đinh gồm 3 gian tiền tế, 1 gian hậu cung, chất liệu gỗ lim trên khuôn viên rộng chừng 200m2 . Có bộ vì kiến trúc kiểu “giá chiêng”, vì nách kiểu “kẻ chuyền”. Đầu dư, bẩy hiên, đấu kê chạm theo kiểu “lá lật” truyền thống với chữ “Thọ” được cách điệu; mái được lợp ngói mũi thuyền…Trong khuôn viên và nội tự nhà thờ còn lưu giữ được một số hoành phi, câu đối, khám thờ, bài vị, nhang án bằng gỗ có niêm đại thời Ngyễn (thế kỷ XIX).
Bên cạnh kiến trúc độc đáo, nhà thờ Phạm Mậu còn lưu giữ một số cổ vật, tư liệu có giá trị gồm 2 bia “Phạm gia từ đường bi ký” có 4 mặt được chạm khắc chữ Hán theo lối chữ thảo chân phương. Nội dung bia ghi chép về phả tộc 15 đời họ Phạm Mậu. Mỗi đời đều ghi rõ họ tên, ngày giỗ, nơi an tang, mộ chí, số con sinh hạ, học vị, kết quả học tập… Nhà thờ còn lưu giữ 50 cuốn sách viết bằng chữ Hán ghi chép nội dung 37 bài văn tế, văn cúng, các đoạn gia phả, các bài diễn ca, giáo huấn, diễn giải sách tam tự kinh…Hiện nay, việc trông coi và hương hỏa tại đây được giao cho ông trưởng họ Phạm Mậu Tách (74 tuổi) đảm nhận.
Bia và nhang án đá tại vườn bia nhà thờ họ Nguyễn Ngọc
Hiện nay, trong tổng số 12 nhà thờ họ ở làng Nghĩa Phú thì còn có 5 nhà thờ họ giữ nguyên nét cổ kính của các dòng họ: Nguyễn Văn, Vũ, Nguyễn Ngọc, Nguyễn Thế và Phạm Mậu. Các nhà thờ được xây dựng theo kiểu chữ “đinh” hoặc chữ “nhất” với chất liệu là gỗ có niên đại trên dưới 100 năm.
Kết cấu vì chính bằng gỗ lim tại nhà thờ họ Vũ
Ông Nguyễn Văn Hữu, Trưởng thôn Nghĩa Phú cho biết: “Công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử nhà thờ tổ luôn được các dòng họ quan tâm. Nhà thờ cổ được bảo vệ, tu bổ thường xuyên. Các dòng họ cũng giáo dục con cháu xem đây là trách nhiệm và nghĩa vụ với chính dòng họ mình và với việc bảo tồn giá trị lịch sử văn hóa của quê hương”.
Hiện nay, ngoài việc thờ cúng tổ tiên, nhà thờ họ tại làng Nghĩa Phú có ý nghĩa quan trọng trong việc giáo dục con cháu biết về nguồn cội và truyền thống của dòng họ. Hằng năm, vào mỗi dịp hội làng, giỗ tổ hay dịp nghỉ lễ, con cháu các dòng họ ở khắp mọi miền Tổ quốc lại tụ họp về để thắp nén hương thành kính dâng lên tổ tiên, báo cáo những việc đã làm trong thời gian qua và cầu mong may mắn, đủ đầy và hạnh phục cho mọi người. Đặc biệt là vào ngày giỗ tổ, các dòng họ thường tổ chức tuyên dương những cá nhân có thành tích trong học tập, lao động, sản xuất. Từ đó, nêu gương để con cháu noi theo và phấn đấu. Nhờ những hoạt động đó, việc bảo tồn và phát huy truyền thống quý báu của làng Nghĩa Phú luôn được duy trì và góp phần xây dựng đời sống văn hóa cho người dân.
ĐỨC TÂM