Đừng kiểm tra kiểu "cưỡi ngựa xem hoa"

Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 05:38, 07/05/2017

Nhiều cuộc kiểm tra về an toàn thực phẩm còn nặng tính hình thức, kém hiệu quả.

Ðến hẹn lại lên, từ ngày 15.4 - 15.5 hằng năm, các cơ quan chức năng, địa phương lại rầm rộ thanh tra, kiểm tra (TTKT) các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhằm hưởng ứng Tháng hành động vì an toàn thực phẩm (ATTP). Tuy nhiên, nhiều cuộc kiểm tra về ATTP còn nặng tính hình thức, kém hiệu quả.

Theo kết quả thống kê của UBND tỉnh, giai đoạn 2011-2016, Hải Dương tổ chức 1.751 đoàn TTKT về ATTP. Tính bình quân, trong 1 năm tỉnh tổ chức 292 đoàn TTKT, tương đương cứ 5 ngày thì lại có 4 cuộc TTKT về ATTP. Cũng từ năm 2011 đến hết năm 2016, các đoàn TTKT trong toàn tỉnh đã thanh, kiểm tra được 54.322 cơ sở. Tức là cứ một ngày các đoàn TTKT được 25 cơ sở. Những con số này cho thấy số lượng các cuộc kiểm tra và số cơ sở được kiểm tra là rất lớn.

TTKT nhiều song hiệu quả thì thế nào? Từ lâu, dư luận đã bức xúc trước tình trạng nhiều đoàn kiểm tra, nhất là ở cấp xã chỉ thành lập để cho có, để cho đủ ban bệ, để chống chế với cấp trên rằng đã có hoạt động kiểm tra về ATTP. Những đoàn kiểm tra như vậy khi đi kiểm tra thực tế lại không có đủ nhân lực am hiểu chuyên môn và phương tiện để xem cơ sở đó có vi phạm về ATTP hay không. Nhiều đoàn đi kiểm tra kiểu "cưỡi ngựa xem hoa", đến một vài cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm ngó nghiêng, nói dăm câu ba điều nhắc nhở qua loa, đại khái. Kết quả từ những cuộc kiểm tra ấy có chăng chỉ là một bản báo cáo cho cấp có thẩm quyền, ít có tác dụng phát hiện, chấn chỉnh các sai phạm.

Khi phát hiện các hạn chế, thiếu sót, vi phạm, nhìn chung các cơ quan chức năng còn xử lý chưa nghiêm. Nhiều cơ sở sai phạm nhưng chỉ bị nhắc nhở hoặc cảnh cáo. Số cơ sở vi phạm bị phạt tiền còn ít, số tiền phạt ở mức thấp. Trong 6 năm qua, Hải Dương có 1.275 cơ sở vi phạm ATTP bị phạt hơn 1,2 tỷ đồng. Trung bình mỗi cơ sở vi phạm chỉ bị phạt hơn 941.000 đồng. Mức tiền phạt quá thấp khiến nhiều cơ sở tái phạm, chấp nhận nộp phạt để hoạt động. Các hình thức xử lý nặng hơn như đình chỉ hoạt động, rút giấy phép kinh doanh, xử lý hình sự giống như "thanh bảo kiếm" chưa được rút ra khỏi vỏ.

Vấn đề ATTP đã được Ðảng, Nhà nước, các địa phương chỉ đạo quyết liệt từ nhiều năm qua, coi đây là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị. Thế nhưng, vấn nạn này vẫn rất bức xúc, chưa có dấu hiệu giảm nhiệt, thậm chí còn ngày càng tăng độ nóng. Hàng loạt các vụ sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn được phanh phui khiến dư luận căm phẫn. Vì đồng tiền, các đối tượng bất chấp thủ đoạn để qua mặt lực lượng chức năng.

Muốn ngăn chặn nạn thực phẩm bẩn hoành hành, cần sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Trong đó, các cuộc TTKT và việc xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm là một biện pháp rất hiệu quả - nếu được thực hiện nghiêm túc, có trách nhiệm. Ngược lại, nếu các cuộc TTKT, xử lý vẫn còn nặng tính hình thức, "cưỡi ngựa xem hoa" thì nạn thực phẩm bẩn chưa biết khi nào được đẩy lùi.

TÍCH LỊCH HỎA