Chăm sóc lúa xuân cuối vụ

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 14:45, 10/05/2017

Vụ chiêm xuân năm nay, thời tiết luôn ấm nóng đã rút ngắn thời gian sinh trưởng của lúa nên chiều cao cây, chiều dài bông không đạt tiềm năng như các năm trước.



Lúa chiêm xuân trổ đòng ở Gia Lộc


Do đó, chăm sóc cho lúa có nhiều hạt chắc mẩy, giảm thiểu sự gây hại của các loài sâu bệnh là việc làm cần thiết từ nay cho đến cuối vụ.


Dưỡng nước và bón phân kịp thời: Để cây lúa hấp thu và vận chuyển tốt các chất dinh dưỡng nuôi hạt thì ruộng lúa cần được giữ ẩm thường xuyên sao cho bảo đảm độ ẩm đạt xung quanh 85%. Tưới nước xen kẽ để lộ ruộng 2-3 ngày, nhiệt độ 26-280C, trời nắng là điều kiện thuận lợi cho lúa trổ thoát, phơi màu, cây lúa tích lũy tinh bột tốt, chín đều, hạt mẩy.

Ngoài lượng kali và đạm cần thiết đã bón giai đoạn làm đòng thì khi lúa thấp thoi trổ, nông dân cần nhìn màu bộ lá mà bổ sung thêm một lượng đạm nhất định và lượng kali, vi lượng dễ tiêu (phun qua lá) để lúa làm hạt thuận lợi. Bón phân nuôi đòng trước khi lúa trổ sẽ giúp lúa tăng kích thước vỏ trấu là tiền đề để tăng khối lượng hạt.

* Lưu ý:


+ Lượng kali dễ tiêu (kali trắng) nên sử dụng khoảng 200g/sào/2 bình phun cùng 2 gói siêu vi lượng. Các loại phân bón này có thể kết hợp phun chung cùng các loại thuốc bảo vệ thực vật.

+ Tránh để ruộng lúa um tùm rậm rạp lúc này. Cây lúa muốn quang hợp tốt để tổng hợp tinh bột về hạt thì ruộng lúa phải được chăm bón sao cho lá đứng, cứng không quá mướt. 

- Phòng trừ sâu bệnh kịp thời và hiệu quả:

Giai đoạn từ trỗ đến chín là giai đoạn xung yếu của lúa với các loài sâu bệnh hại như rầy nâu, sâu đục thân, bệnh khô vằn, đạo ôn cổ bông, vàng lá chín sớm... Muốn phòng trừ sâu bệnh hiệu quả cho lúa giai đoạn này đòi hỏi nông dân phải thường xuyên thăm đồng, phát hiện sâu bệnh hại để phòng trừ kịp thời.

Phương châm trừ sâu và phòng bệnh được đặt lên hàng đầu. Cần tìm hiểu qua thông báo của cơ quan chuyên môn về sâu gây hại trong ruộng khi đến ngưỡng (số con/cây hoặc trên m2 làm giảm năng suất lúa) thì mới phải phun thuốc diệt trừ. Tránh tình trạng không có sâu cũng cộng đủ thuốc để phun trừ cho xong.

Với bệnh đạo ôn cổ bông, nông dân cũng phải cân nhắc khi dùng thuốc để tránh lãng phí. Thời điểm lúa nứt áo đòng (thấp thoi) nếu gặp mưa kéo dài do ảnh hưởng của không khí lạnh thì cần phun thuốc phòng đạo ôn cổ bông cho các giống lúa nhiễm như BC15, Q5, nếp các loại hoặc các ruộng trước đó đã bị nhiễm đạo ôn lá.

* Chú ý: Riêng các ruộng trước đó đã bị nhiễm đạo ôn lá thì khi lúa thấp thoi cần phun thuốc phòng đạo ôn cổ bông và phun nhắc lại khi lúa đã trổ thoát.

Với bệnh khô vằn, cần phòng trừ hiệu quả ngay từ giai đoạn giữa đến cuối vụ. Do thời tiết giai đoạn này luôn có nắng mưa xen kẽ, lúa nhiều chỗ đã gieo cấy dày, đẻ nhiều đến thừa khiến cho nấm khô vằn phát sinh và gây hại mạnh. Nông dân cần trừ bệnh hiệu quả ngay khi nấm mới phát sinh ở phần gốc lúa, tránh để nấm lan lên cao gây hại làm bạc bông.

KS. TRẦN THỊ LIÊN (Trạm Khuyến nông huyện Nam Sách)