Ám ảnh xe "điên"

Tin tức - Ngày đăng : 17:49, 15/05/2017

Vụ tai nạn thảm khốc xảy ra tại thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê (Gia Lai) ngày 7.5 đã cướp đi sinh mạng của 13 người tính đến 19 giờ cùng ngày và làm 32 người bị thương.


Thông tin lan truyền trên báo chí cho hay lái xe tải đã chạy với tốc độ hơn 100km/giờ trên 20 km trước khi lao vào xe khách. 

Những tai nạn kinh hoàng như thế đã trở thành nỗi ám ảnh đối với người tham gia giao thông. Người ta thường gọi những chiếc xe chạy quá tốc độ, mất lái là xe "điên”. Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, năm 2016 cả nước xảy ra 21.589 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 8.685 người, làm bị thương 19.280 người. Trong đó có 9% số vụ TNGT xảy ra do lái xe chạy quá tốc độ cho phép. Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cũng nhận định TNGT đường bộ liên quan đến vi phạm quy định về tốc độ đang có xu hướng gia tăng mà nguyên nhân chính, trực tiếp là ý thức của người điều khiển phương tiện. Tại Hải Dương cũng đã có nhiều vụ TNGT thương tâm xảy ra khi xe "điên” lao thẳng vào người đi xe máy, người đi bộ hay lao lên vỉa hè. Gần đây nhất là vụ tai nạn xảy ra lúc 15 giờ ngày 30.4 tại Quảng trường Độc Lập (TP Hải Dương). Xe ô tô 34A-169.47 của anh Đặng Văn Khoa (sinh năm 1962, trú tại phố Tuệ Tĩnh, TP Hải Dương) đi trên đường Trần Hưng Đạo (TP Hải Dương) theo hướng ngã tư Đông Thị - Quảng trường Độc Lập do không làm chủ được tốc độ đã va chạm với 3 xe mô tô, 1 xe máy điện và chỉ dừng lại khi đâm vào bùng binh. Vụ tai nạn khiến 2 người điều khiển xe mô tô đang phải điều trị tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), trong đó có một người bị thương khá nặng. 

Có nhiều lý do khiến người điều khiển phương tiện vi phạm. Có lái xe vì áp lực tăng chuyến, bảo đảm tiến độ giao hàng. Có người vì sử dụng rượu bia, ma túy nên không làm chủ được tốc độ. Cũng có người vì coi thường pháp luật, muốn thể hiện “máu anh hùng”, cố tình phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách, đánh võng. Và cũng có khi do hệ thống biển báo giới hạn tốc độ bị che khuất, đoạn đường bị giới hạn tốc độ không hợp lý khiến nhiều lái xe vô tình vi phạm. Thực tế, số người vi phạm vẫn tăng còn do việc xử lý chưa nghiêm. Tình trạng “gọi điện thoại cho người thân” nhờ can thiệp để miễn hoặc giảm số tiền xử phạt hành chính do vi phạm quy định của Luật Giao thông đường bộ vẫn khá phổ biến, trong đó có lỗi vi phạm về tốc độ. Thậm chí không loại trừ trường hợp cán bộ các cơ quan thực thi pháp luật cũng vi phạm, không nêu gương trước quần chúng nhân dân vì cho rằng mình sẽ không bị xử lý.

“Chỉ cần giảm 5% tốc độ xe chạy trung bình, chúng ta có thể giảm 30% số vụ tai nạn chết người”, một chuyên gia trong lĩnh vực an toàn giao thông cho biết. Vấn đề ở chỗ trong khi nhiều người luôn ý thức làm chủ tốc độ, làm chủ tay lái của mình khi điều khiển xe ô tô, xe máy vì an toàn tính mạng của bản thân và người đi đường thì cũng có một bộ phận không nhỏ chưa coi trọng việc này. Tuần lễ An toàn đường bộ lần thứ 4 do Liên hợp quốc phát động có chủ đề “Tốc độ” diễn ra từ ngày 8 đến 14.5 năm nay với các thông điệp “Nhanh một phút - chậm cả đời” hay “Tuân thủ tốc độ quy định khi lái xe”. Để không còn cảnh xe "điên” gây tai nạn thảm khốc trên các tuyến đường, cướp đi sinh mạng của hàng chục người mỗi vụ, việc tuân thủ quy định về tốc độ phải luôn được đặt lên hàng đầu, chứ không riêng trong tuần lễ an toàn đường bộ. Đã đến lúc cần kiểm soát nghiêm ngặt việc lái xe sử dụng ma túy, sử dụng rượu bia, chạy quá tốc độ quy định. Kiên quyết tước bằng lái với người cố tình vi phạm. Về lâu dài cần rà soát việc cắm các biển báo giới hạn tốc độ, bảo đảm biển đặt ở vị trí dễ quan sát, tốc độ giới hạn đưa ra phù hợp với từng tuyến đường và quy định của pháp luật.

HOÀI ANH