Vợ tôi tiêu hoang
Đời sống - Ngày đăng : 12:31, 06/06/2017
Biết tôi yêu Ngọc, bố mẹ tôi không hài lòng một chút nào. Lý do chỉ vì qua tìm hiểu, dò hỏi, bố tôi nhận thấy lối sống của gia đình Ngọc không phù hợp với gia đình tôi.
Mẹ Ngọc tiêu hoang, bố Ngọc chỉ quan trọng chuyện ăn uống vui chơi chứ không dành dụm. Từ đời ông bà, đến đời bố mẹ Ngọc, căn nhà cấp bốn vẫn xập xệ như thế, chẳng có thay đổi gì. Mẹ tôi cương quyết: “Lấy vợ thì phải kén tông kẻo rồi lại ân hận con ạ”.
Nghe mọi người “nói xấu” Ngọc nhiều quá tôi bắt đầu để ý. Quả là Ngọc “lười”, “không ngăn nắp”, “thích ăn diện”…y như hàng xóm nhà Ngọc xì xèo. Nhiều hôm tôi đến chơi bất ngờ không báo trước, bắt gặp Ngọc ngủ nướng, mặc cho mặt trời chiếu vào tận giường. Quần áo, đồ dùng vứt bừa bộn, mỗi cái một nơi. Nhưng hễ tôi rủ Ngọc ra khỏi nhà là y như rằng em sẽ trang điểm lộng lẫy, sẽ diện bộ váy mốt nhất, khiến thiên hạ phải dán mắt vào. Bữa ăn nhà Ngọc thì ngày nào cũng thịnh soạn. Chả cần biết trong hòm còn bao nhiêu tiền, nhưng cứ thích là bố Ngọc xách con gà, con vịt hay cá trắm vài cân về nhậu cho đã. Lối sống ấy khác xa với gia đình tôi bởi bố mẹ tôi làm viên chức, từng trải qua thời kỳ tem phiếu, đến giờ mẹ tôi vẫn nhắc lại với bao nỗi ám ảnh. Vì thế, bố mẹ tôi luôn sống tiết kiệm, giản dị, nhà cửa luôn sạch sẽ, gọn gàng. Tôi cũng lo lắng nhưng tình yêu luôn có lý lẽ riêng của nó nên tôi tặc lưỡi: “Thôi kệ, chuyện nhỏ”.
Sợ thiên hạ đàm tiếu, gièm pha khiến bố mẹ tôi càng phản đối, tôi quyết định cưới Ngọc càng sớm càng tốt. Dù trong bụng không ưng nhưng bố mẹ tôi rất tôn trọng sự lựa chọn của con cái, vì thế đám cưới của tôi và Ngọc diễn ra một cách suôn sẻ.
Việc đầu tiên tôi “dạy vợ” là “nhập gia phải tùy tục”: ăn uống thế này, giờ giấc sinh hoạt thế kia, chi tiêu và dọn dẹp theo sự hướng dẫn của mẹ... Nhưng vợ tôi bỏ ngoài tai tất cả những điều tôi nói. Nhà tôi gần như đảo lộn mọi thứ từ khi có thêm Ngọc. Không thích lau nhà, Ngọc thuê người hai tiếng là xong. Mẹ tôi tiếc tiền, rên rỉ: “Đừng thuê nữa, để mẹ lau”. Không thích ăn đồ thừa để tủ lạnh, Ngọc đem đổ hết vào sọt rác. Mẹ tôi xót ruột, sợ “phải tội” nên thò tay bới nhặt mang cho chó nhà hàng xóm. Lĩnh lương được bao nhiêu, tôi đưa hết cho vợ nhưng chưa đến cuối tháng vợ tôi đã nhăn nhó, phàn nàn rằng em bị “viêm màng túi”. Bởi một tháng, vài lần vợ tôi đi mua sắm quần áo, giầy dép, túi xách, mỹ phẩm, hết mốt nọ đến mốt kia, làm tóc, vẽ móng hết kiểu này đến kiểu khác.
Khi có thai, Ngọc sắm hàng chục cái váy bầu, toàn hàng hiệu. Mẹ tôi lên tiếng góp ý “phải tiết kiệm, phải phòng thân để sau này còn lo cho con” thì Ngọc dỗi, mặt nặng mày nhẹ với tôi: “Bố mẹ thật là cổ hủ, cứ sống tằn tiện, khổ sở cả đời, chết có mang đi được đâu, lại áp đặt lối sống của mình vào con cái, em làm sao mà chịu được”.
Tôi là người ở giữa, chưa biết xử trí thế nào thì bố mẹ tôi quyết định cho vợ chồng tôi ra ở riêng. Dù phải thuê nhà nhưng vợ tôi vui như mở cờ trong bụng. Thế là hằng tháng phải mất thêm mấy khoản chi tiêu: tiền nhà, tiền điện, tiền nước, tiền internet... Tôi gò lưng làm thêm để có tiền chi tiêu. Dường như Ngọc không thấy được nỗi vất vả của chồng nên vẫn thường xuyên nằm dài trên salon để lướt web, mua hàng online. Cứ thấy món gì lạ, bổ, đắt tiền đến mấy Ngọc cũng mua bằng được để thưởng thức.
Từ khi có con, vợ tôi càng thích hưởng thụ. Đáng lẽ hết thời gian nghỉ tiêu chuẩn thì phải đi làm nhưng Ngọc quyết định nghỉ không lương một năm. Tôi không đồng ý thì Ngọc khiêu khích: “Đàn ông mà không nuôi nổi vợ con thì còn nói chuyện gì”. Đã thế vợ tôi còn rước một loạt máy móc về để làm thay người. Chỉ đến khi con bị ốm, nằm viện tuyến trên cả tháng trời, trong nhà không có tiền tiết kiệm, phải chạy vạy từng đồng, Ngọc mới thấm thía: “Biết thế này em đã chẳng tiêu hoang”.
TRẦN THỊ LÀNH