Vi phạm hành lang an toàn lưới điện: Hiểm họa mùa mưa bão
Hồ sơ phá án - Ngày đăng : 06:14, 10/06/2017
Nguy hiểm nhưng nhiều gia đình vẫn cố tình vi phạm hoặc chấp nhận sống dưới đường điện cao áp. Điều này càng trở nên nguy hiểm hơn khi mùa mưa bão đã cận kề.
Biết nguy hiểm nhưng gia đình bà Nguyễn Thị Dưng ở thôn Quan Lộc, xã Tiên Động (Tứ Kỳ)
vẫn chấp nhận sống dưới đường điện cao áp
Khi gió bão, chỉ cần cành cây hoặc các tấm biển quảng cáo bay vào đường điện là có thể làm chập cháy hoặc đứt dây. Trời mưa, việc phát hiện và xử lý các sự cố cũng mất nhiều thời gian hơn. Nếu không may đường dây điện bị đứt ở khu dân cư sẽ gây ra những hậu quả hết sức nặng nề về tính mạng, tài sản của người dân.
Anh Đoàn Văn Tùng, Phó Trưởng Phòng Kỹ thuật Điện lực Gia Lộc cho biết, theo thống kê, trên địa bàn huyện có 315 điểm vi phạm hành lang an toàn lưới điện (HLATLĐ), trong đó có 89 điểm đặc biệt nguy hiểm, 77 điểm nguy hiểm. Nhiều gia đình làm nhà chỉ cách đường điện cao áp 0,8 m (theo quy định phải từ 3 m trở lên). Nhiều điểm vi phạm tồn tại vài chục năm nay nhưng không xử lý được.
Tại đường điện 35kV ở thị trấn Gia Lộc có một gia đình làm nhà bao quanh cột điện, một số hộ xây lán trại, dựng máy móc phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh sát đường điện. Một người dân có nhà vi phạm HLATLĐ thừa nhận biết là nguy hiểm đến tính mạng và thiệt hại tài sản nhưng vì gia đình không có tiền mua nhà chuyển sang khu vực khác nên vẫn phải sống ở đây.
Xã Tiên Động có gần 40 trường hợp vi phạm, được coi là một trong những trọng điểm vi phạm HLATLĐ của huyện Tứ Kỳ. So với những địa phương khác, nơi đây nguy hiểm hơn vì đường điện vẫn sử dụng dây trần. Gia đình bà Nguyễn Thị Dưng ở thôn Quan Lộc có đường điện 35 kV đi qua trước cửa nhà và cột điện dựng trong sân. "Mùa mưa bão tới, gia đình tôi rất lo lắng. Nếu dây điện đứt rơi xuống thì không biết hậu quả sẽ như thế nào. Mỗi khi trời mưa, gia đình tôi không dám lên tầng 2, lúc nào cũng để ý xem có bị ảnh hưởng gì từ đường điện không", bà Dưng nói. Theo bà Dưng, ở đây đã xảy ra 2 vụ tai nạn chết người, đều do trong quá trình làm việc không bảo đảm khoảng cách an toàn.
Khó xử lý
Theo thống kê của Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương, từ đầu năm đến nay toàn tỉnh phát sinh 15 điểm vi phạm HLATLĐ mới, nâng tổng số lên 777 điểm vi phạm.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm HLATLĐ là sự phối hợp chưa thống nhất giữa các cơ quan, đơn vị. Theo ông Đinh Văn Xuyên, Chủ tịch UBND xã Tiên Động (Tứ Kỳ), trước đây đường điện đi qua thôn Quan Lộc là điện hạ thế, sau đó được nâng lên thành cao thế. Trước khi nâng cấp đường điện, hầu hết các gia đình đều đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và nhiều hộ đã làm nhà. Vì thế, sau khi đường điện nâng cấp thì nhiều hộ rơi vào diện vi phạm hành lang. Ngoài ra, ý thức của một số người dân còn hạn chế, biết là nguy hiểm nhưng vẫn cố tình làm nhà không bảo đảm khoảng cách an toàn.
Hằng năm, Phòng Quản lý năng lượng Sở Công thương đều phối hợp với Phòng Kinh tế - Hạ tầng cấp huyện thống kê, rà soát các điểm vi phạm và gửi thông báo cho người vi phạm cũng như chính quyền địa phương. Ông Lưu Văn Thành, Trưởng Phòng Quản lý năng lượng khẳng định hầu hết các địa phương chưa xử lý nghiêm vi phạm HLATLĐ. Nguyên nhân bởi người vi phạm đưa ra lý lẽ là đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nên xây dựng nhà là quyền của gia đình. Trong khi đó, việc quản lý cấp phép xây dựng ở các vùng nông thôn chưa được chú trọng, hầu hết đều xây nhà không có giấy phép.
Để tránh những hậu quả đáng tiếc khi mùa mưa bão đã cận kề, Điện lực các huyện, thị xã, thành phố đã kiểm tra lại toàn bộ lưới điện, thay dây dẫn, cột, sứ, lèo, cột điện… ở những vùng đất yếu và các bộ phận không bảo đảm an toàn; phát quang cây cối tại tuyến đường dây đi qua. Tăng cường tuyên truyền để người dân không lắp biển quảng cáo quá to, cao, tránh va chạm với đường điện khi có gió bão. Sở Công thương đã yêu cầu ngành điện khi nâng cấp, làm mới đường điện cần nghiên cứu phương án đưa các đường dây điện ra xa khu dân cư để giảm các vi phạm.
THANH HÀ