Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nhưng sẵn sàng đóng cửa nếu cố tình gây ô nhiễm

Kinh tế - Ngày đăng : 21:00, 15/06/2017

Hải Dương nói chung, huyện Kinh Môn nói riêng luôn cam kết hỗ trợ tối đa, tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh...



Đồng chí Nguyễn Mạnh Hiển, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc

Chiều 15.6, đồng chí Nguyễn Mạnh Hiển, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh làm việc với một số doanh nghiệp trên địa bàn huyện Kinh Môn về kết quả hoạt động và công tác bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Cùng dự có các đồng chí: Nguyễn Dương Thái, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Anh Cương, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Vương Đức Sáng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Sau khi nghe ý kiến phát biểu của 14 doanh nghiệp, giải trình của các sở, ngành liên quan, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hiển đánh giá cao những đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp huyện Kinh Môn trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đồng chí khẳng định Hải Dương nói chung, huyện Kinh Môn nói riêng luôn cam kết hỗ trợ tối đa, tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng phải cam kết thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, bảo đảm môi trường sống, điều kiện làm việc trong lành cho người lao động.

Các doanh nghiệp phải tiếp tục nghiên cứu, đầu tư đổi mới công nghệ hiện đại trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là với những doanh nghiệp đặc thù, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao như xi măng, thép, muối công nghiệp...

Cùng với sản xuất, kinh doanh, cộng đồng doanh nghiệp cần tiếp tục đồng hành cùng địa phương xây dựng môi trường kinh doanh, môi trường sống trong sạch. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh tỉnh luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh song cũng kiên quyết, sẵn sàng đóng cửa doanh nghiệp nếu cố tình gây ô nhiễm môi trường.



Đại diện doanh nghiệp nêu nhiều vấn đề đáng quan tâm trong công tác bảo vệ môi trường


Các doanh nghiệp cần tiếp tục hoàn thiện các công trình bảo vệ môi trường, chuẩn hóa quy trình vận hành ổn định, liên tục đạt quy chuẩn môi trường cho phép, hạn chế thấp nhất những sự cố trong quá trình sản xuất.

Các cơ quan chuyên môn của tỉnh cần ghi nhận những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp và huyện Kinh Môn, tham mưu UBND tỉnh giải quyết theo quy định của pháp luật. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy lưu ý huyện Kinh Môn phải hướng tới phát triển bền vững theo hướng thay đổi cơ cấu kinh tế, gắn sản xuất với dịch vụ, du lịch, phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương.

Trên địa bàn huyện Kinh Môn hiện có 1.438 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho 25.597 lao động. Năm 2016, giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng của huyện đạt 21.130 tỷ đồng, tăng 12,4% so với năm 2015.

Huyện tập trung nhiều ngành công nghiệp nặng nhất của tỉnh với nhiều nhà máy, cơ sở sản xuất công nghiệp lớn thuộc các ngành, lĩnh vực: xi măng, luyện kim, sản xuất muối công nghiệp, khai thác khoáng sản, giấy...

Trên địa bàn huyện còn nhiều doanh nghiệp vận tải hàng hóa, kinh doanh than, bến bãi phục vụ vận chuyển nguyên liệu cho các cơ sở sản xuất công nghiệp. Các doanh nghiệp này đã góp phần tạo nên diện mạo mới cho huyện Kinh Môn trong phát triển kinh tế, tạo việc làm và an sinh xã hội.

Tuy nhiên, do tập trung nhiều ngành công nghiệp nặng, môi trường của huyện Kinh Môn đã bị ô nhiễm thường xuyên, nhất là môi trường nước, không khí, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân.

Nguyên nhân là do nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện đầy đủ các thủ tục, hồ sơ pháp lý về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật; chưa đầu tư hoặc đầu tư xây dựng các công trình bảo vệ môi trường không đáp ứng yêu cầu, gây ô nhiễm môi trường khu vực, tập trung chủ yếu tại địa bàn các thị trấn Minh Tân, Phú Thứ và các xã Duy Tân, Hiệp Sơn.

Công tác quản lý bảo vệ môi trường của các cấp chính quyền còn hạn chế. Việc xử lý một số cơ sở sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng chưa nghiêm và chưa dứt điểm, chưa xác định rõ trách nhiệm của doanh nghiệp để xảy ra ô nhiễm môi trường.

VỊ THỦY