Cần hỗ trợ đúng và trúng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Bạn đọc viết - Ngày đăng : 09:50, 16/06/2017

Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đã chính thức được Quốc hội thông qua. Sự ra đời của luật này được cộng đồng DNNVV kỳ vọng sẽ tạo ra động lực mới để phát triển.

Hải Dương hiện có hơn 10.000 doanh nghiệp, trong đó hơn 90% là DNNVV. Thực tế DNNVV của Hải Dương đông nhưng chưa mạnh. Các doanh nghiệp này đa phần có quy mô nhỏ, còn nhiều yếu kém trong quản trị, điều hành. Việc tiếp cận vốn, thị trường, đất đai, pháp luật, công nghệ còn thấp… Mặc dù vậy các doanh nghiệp này lại đang đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Thời gian qua, tỉnh cũng đã có nhiều chính sách để khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp này phát triển. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hải Dương đã có chương trình tín dụng dành riêng cho các DNNVV. Trong quá trình thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, DNNVV cũng được coi là tâm điểm để các sở, ban, ngành và các địa phương hỗ trợ. Hải Dương cũng đã tích cực xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi và bình đẳng cho các DNNVV.

Luật Hỗ trợ DNNVV ra đời có giúp cộng đồng doanh nghiệp lớn mạnh? Doanh nghiệp có tự thoát khỏi tư duy “thuyền thúng” phát triển thành những con tàu lớn đủ mạnh? Thực trạng doanh nghiệp nhỏ không muốn lớn, thậm chí nhỏ dần có được khắc phục sau khi luật này ra đời? Những điều này phụ thuộc rất nhiều vào việc thực thi Luật Hỗ trợ DNNVV của chính quyền địa phương và các sở, ban, ngành liên quan của tỉnh.

Luật Hỗ trợ DNNVV đã xác định rõ trách nhiệm, vai trò của Chính phủ cũng như các bộ, ban, ngành từ Trung ương đến địa phương trong hỗ trợ DNNVV phát triển. Luật cũng cho phép các DNNVV được hỗ trợ bình đẳng, không phân biệt lớn nhỏ. Từ đó mở ra cơ hội cho DNNVV được thay đổi chính mình thông qua các chương trình hỗ trợ mới.

Để thực thi hiệu quả Luật Hỗ trợ DNNVV, trước hết, Hải Dương cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh. Mặc dù đến ngày 1.1.2018, Luật Hỗ trợ DNNVV mới có hiệu lực nhưng cơ quan chức năng của tỉnh cần sớm tiếp cận nghiên cứu để phổ biến, tuyên truyền nội dung của luật đến cộng đồng DNNVV. Các chính sách hỗ trợ DNNVV được nêu trong luật cần được cụ thể hóa phù hợp với thực tế, tránh chung chung và áp dụng linh hoạt chứ không nên cứng nhắc trong từng giai đoạn và đối với từng doanh nghiệp. Cần xác định DNNVV của Hải Dương đang cần gì để hỗ trợ đúng và trúng. Các chương trình hỗ trợ cần được thực hiện bài bản để mang lại hiệu quả thiết thực. Việc hỗ trợ cần công bằng, minh bạch và không biến hỗ trợ thành xin-cho.    

Nhà nước không thể nghĩ thay và làm thay cho doanh nghiệp. Do đó, Luật Hỗ trợ DNNVV chỉ có thể thực hiện thành công khi bản thân doanh nghiệp phải biết tận dụng những hỗ trợ của Nhà nước để thay đổi và phát triển.

HOÀNG ANH (TP Hải Dương)