Treo mình trên những tầng cao
Lao động - Việc làm - Ngày đăng : 06:34, 20/06/2017
Không quản ngại vất vả, hiểm nguy, những người thợ làm nghề lau kính vẫn luôn tận tụy làm đẹp cho các công trình nhà cao tầng.
Để làm nghề này, người thợ lau kính phải có sức khỏe tốt, tâm lý vững vàng
Vất vả sớm tối
Các tòa nhà cao tầng mọc lên ngày càng nhiều tại thành phố, đô thị kéo theo nhu cầu dọn vệ sinh ngày càng tăng. Một bộ đồ bảo hộ lao động, sợi dây thừng dài, một xô dung dịch, gạt lau kính, mũ và khăn choàng… là những vật dụng để “người nhện” treo mình trên cao làm việc.
Có mặt tại một tòa nhà cao 8 tầng trên đường Điện Biên Phủ (TP Hải Dương), chúng tôi chứng kiến nỗi vất vả và sự nguy hiểm của những người làm nghề lau kính. Nhiệt độ mấy ngày đầu tháng 6 rất cao, cái nắng nóng trên 40 độ C ập vào khuôn mặt của từng người thợ. Những giọt mồ hôi cứ ròng ròng chảy ra dưới mi mắt, ướt đẫm vai áo.
Tòa nhà được bao bọc bên ngoài toàn bằng kính, hầu như không có chỗ đứng, chỗ bám víu. Những người thợ lau kính phải bám vào sợi dây dù, dây thừng được buộc cố định trên đỉnh tòa nhà làm điểm tựa. Mỗi khi có gió, họ như con lắc đồng hồ lắc lư về hai phía. Một cảm giác thật chơi vơi... Công việc của họ không chỉ là làm vệ sinh mặt kính mà còn phải giữ cho mọi thứ bên mình an toàn. Ngay cả những dụng cụ tác nghiệp cũng phải được buộc thật cẩn thận, chắc chắn để tránh làm rơi, vãi gây nguy hiểm cho người ở phía dưới.
Anh Đặng Văn Trung 32 tuổi, quê ở xã Kỳ Sơn (Tứ Kỳ) đã có 3 năm trong nghề cho biết: “Nhiều hôm do tiến độ công việc gấp gáp nên dù thời tiết không thuận lợi chúng tôi vẫn phải làm thông trưa. Nhiều hôm phải ăn trưa ngay trên tầng cao của các tòa nhà rồi lại tiếp tục làm việc. Nhưng nghề này có cái thú vị riêng của nó, vì từ trên cao này tôi có thể ngắm toàn cảnh thành phố, rất đẹp”. Cũng theo lời anh Trung, với những tòa nhà cao hơn 10 m, không bằng phẳng, để thả dây dù xuống đúng vị trí lau kính không phải là chuyện dễ dàng. Khi ấy, họ phải tìm chỗ thích hợp để bắc giàn giáo cho an toàn.
|
Vất vả nhất là khi thời tiết nắng nóng. Độ nóng từ các tấm kính tỏa ra khiến mặt mũi, tay chân họ rám lại. Dù vậy để bảo đảm tiến độ, họ vẫn phải phơi mình dưới cái nắng nóng gay gắt. “Thời tiết lý tưởng cho công việc này là những hôm trời râm mát, lặng gió. Tuy nhiên số ngày làm việc lý tưởng này rất ít. Nắng nóng đã khổ rồi nhưng mưa cũng là cực hình đối với chúng tôi. Nhiều hôm khi đã chuẩn bị hoàn thành công việc thì trời đổ mưa, cuốn theo bụi bặm, đất cát trôi xuống. Khi trời tạnh bắt buộc chúng tôi phải làm vệ sinh lại từ đầu”, anh Nguyễn Văn Quân 31 tuổi, quê ở xã Tiền Tiến (Thanh Hà) cho biết.
Vất vả là vậy nhưng thu nhập của những người thợ lau kính không cao. Trung bình họ chỉ nhận được khoảng 200.000-300.000 đồng/người/ngày công. Độ cao tòa nhà càng lớn thì thu nhập của họ lại tăng thêm một chút. Mỗi tháng, một người làm nghề này cũng chỉ kiếm được khoảng 4-5 triệu đồng.
Nguy hiểm rình rập
Để có thể đảm nhiệm được công việc lau kính cho những tòa nhà chọc trời, những “người nhện” phải là người thật bản lĩnh, dày dặn kinh nghiệm, làm việc nghiêm túc và có tinh thần trách nhiệm cao.
Anh Quân chia sẻ: “Muốn làm được nghề thì điều đầu tiên phải có là sức khỏe để đu dây, treo mình trên tầng cao nguy hiểm. Đã có người phải bỏ nghề ngay từ hôm đầu tiên vì tâm lý yếu, không chịu được độ cao. Nếu không đáp ứng đủ các điều kiện trên thì khi làm việc rất dễ xảy ra tai nạn. Nếu bất cẩn, ranh giới giữa công việc và tai nạn chỉ tính bằng tích tắc”.
Công việc nguy hiểm nên yêu cầu thực hiện theo đúng quy trình là điều bắt buộc đối với mỗi người thợ. Anh Tăng Bá Hùng, cán bộ quản lý nhân sự tại Công ty CP Xây dựng và dịch vụ Nhà Xanh (TP Hải Dương) cho biết: “Trước khi lên tầng, chúng tôi đều yêu cầu phải kiểm tra tất cả các dây đai an toàn, mũ bảo hiểm, khẩu trang, găng tay, ốc vít của giá nâng... Khi mọi thứ đã bảo đảm an toàn thì mới được làm việc". Ngoài ra, những "người nhện" luôn bảo nhau khi lên tầng phải tránh nhìn xuống dưới, vì rất dễ bị hoa mắt, chóng mặt. Trong lúc lau kính cũng phải cẩn thận di chuyển nếu không rất dễ bị ngã.
Ngoài sự nguy hiểm do độ cao mang đến thì việc phải thường xuyên tiếp xúc với những dung dịch, hóa chất để lau kính cũng gây nguy hiểm cho người lao động. Việc bị ăn da tay, lở loét, dị ứng, ngứa thi thoảng cũng xảy ra. “Làm nghề này rất vất vả và nguy hiểm. Tuy chưa gặp tai nạn nào từ khi vào nghề nhưng tôi vẫn thấy sợ. Vì cao như vậy nếu ngã xuống chỉ có mất mạng”, chị Nguyễn Thị Thủy, công nhân Công ty CP Xây dựng và dịch vụ Nhà Xanh cho biết.
Vì vậy, ngoài những vật dụng do công ty cung cấp, nhiều thợ lau kính đã tự trang bị thêm bảo hộ lao động như găng tay, kính mắt, mũ bảo hiểm...
Dịch vụ lau kính ngày càng đắt khách. Vì cuộc sống mưu sinh, nhiều người vẫn phải gắn bó với nghề này.
ĐỖ QUYẾT