Bài 4: Kỹ năng xem xét, thẩm tra các văn bản trình kỳ họp HĐND

Tin tức - Ngày đăng : 10:22, 22/06/2017

Để mỗi đại biểu có thể so sánh, đối chiếu các thông tin trong báo cáo thì đại biểu phải có thông tin do đại biểu tự thu thập (gọi là thông tin tự có).


>>Kỹ năng hoạt động của đại biểu dân cử. Bài 2: Kỹ năng nghe và nói





Kỳ họp HĐND tỉnh


Xem xét, thẩm tra báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết là một hình thức giám sát của HĐND tại kỳ họp, thực chất là hoạt động của mỗi đại biểu, gồm: nghiên cứu các báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết; đưa ra ý kiến thảo luận; thành viên các ban tiến hành thẩm tra; cuối cùng là biểu quyết thông qua nghị quyết kỳ họp.

Về bản chất, xem xét các văn bản và thẩm tra các văn bản chỉ là một, đều là hành động đọc, nghiên cứu tài liệu, so sánh, đối chiếu với thực tế để tìm ra những thiếu sót, bất cập, trên cơ sở đó đại biểu đưa ra ý kiến thảo luận và đề xuất, kiến nghị. Như vậy, để mỗi đại biểu có thể so sánh, đối chiếu các thông tin trong báo cáo thì đại biểu phải có thông tin do đại biểu tự thu thập (gọi là thông tin tự có). Bản chất hoạt động của đại biểu HDND là hoạt động mang tính phản biện. Muốn phản biện được thì đại biểu phải có những thông tin từ thực tiễn cuộc sống, được đại biểu thu thập từ hoạt động tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, từ các phương tiện thông tin đại chúng, từ hoạt động giám sát, thẩm tra,...

Các văn bản đại biểu thường phải xem xét

Thứ nhất, báo cáo công tác của các cơ quan, gồm: Báo cáo công tác 6 tháng, hằng năm và nhiệm kỳ của Thường trực, Ban của HĐND, UBND, Tòa án Nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp, cơ quan thi hành án dân sự (cấp tỉnh);

Thứ hai, báo cáo của UBND cùng cấp về các vấn đề ở địa phương, chia thành 2 nhóm: (1)Nhóm báo cáo về tình hình thực hiện, gồm:  Tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện kế hoạch đầu tư công; dự toán và thực hiện dự toán ngân sách nhà nước, quyết toán ngân sách địa phương; công tác phòng, chống tham nhũng; về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; về công tác phòng, chống tội phạm và thi hành pháp luật; báo cáo tổng hợp ý kiến cử tri,.. (2)Nhóm báo cáo về kết quả giải quyết, gồm: giải quyết khiếu nại, tố cáo; giải quyết kiến nghị của cử tri.

Thứ ba,
các đề án về kinh tế, xã hội ở địa phương (chủ yếu ở cấp tỉnh và không thường xuyên ở mỗi kỳ họp).

Thứ tư, các dự thảo nghị quyết do các cơ quan có thẩm quyền trình kỳ họp.

Luật quy định, các báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết phải được các Ban của HĐND thẩm tra trước khi trình kỳ họp HĐND. HĐND có thể ra nghị quyết về công tác của cơ quan có báo cáo.

Kinh nghiệm xem xét các loại văn bản

- Báo cáo công tác của các cơ quan: khi xem xét loại báo cáo này, cần đánh giá việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan;  đánh giá việc thực hiện chương trình công tác, việc tổ chức, điều hành thực hiện nhiệm vụ; đánh giá kết quả đạt được, mặt mạnh, điểm yếu kém và nguyên nhân; xem xét nhiệm vụ và giải pháp thực hiện của chu kỳ tiếp theo (6 tháng hoặc năm sau).

- Báo cáo kết quả thực hiện: khi xem xét loại báo cáo này, cần xem báo cáo đã phản ánh đúng tình hình kinh tế, xã hội, an ninh trật tự; phòng chống tham nhũng,... ở địa phương (6 tháng hoặc cả năm); chỉ ra những tồn tại, hạn chế đã chính xác, đầy đủ chưa? Nhận định nguyên nhân, nhất là nguyên nhân của những hạn chế đã chính xác chưa? Nhiệm vụ, giải pháp thực hiện của chu kỳ tiếp theo đã đầy đủ, có khả thi không ?

- Báo cáo kết quả giải quyết: 
cần xem số lượng các vụ, việc, phân loại các vụ việc khiếu nại, tố cáo; các nội dung kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền giải quyết; đánh giá kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của cử tri nói chung và những vụ việc phức tạp, kéo dài đảm bảo đúng pháp luật; những vụ việc khiếu nại, tố cáo, những kiến nghị của cử tri chưa được giải quyết, lý do chưa giải quyết và phương hướng giải quyết tiếp (thời hạn, cách thức giải quyết).

- Xem xét một đề án: cần đánh giá về kết cấu và nội dung của đề án, cụ thể trong bảng dưới đây:

Xem xét kết cấu đề án

Xem xét nội dung từng phần

Đánh giá thực trạng

Đúng thực trạng, hạn chế, yếu kém và nguyên nhân

Nhận định các yếu tố tác động

Bối cảnh thực hiện đề án, tác động chủ quan, khách quan

Đề xuất mục tiêu, nhiệm vụ

Phù hợp với các quy định của pháp luật, với thực tế địa phương và khả năng bảo đảm các nguồn lực

Các giải pháp thực hiện

Khắc phục được những yếu kém, cụ thể, tích cực

Thời gian hoàn thành

Xác định cho từng mục tiêu, nhiệm vụ, cho cả đề án

Nguồn lực bảo đảm

Tương ứng với nhiệm vụ, nhất là nguồn lực về tài chính

Tổ chức thực hiện

Xác định nhiệm vụ cụ thể cho mỗi cơ quan, đơn vị, cá nhân


Sau khi nghiên cứu, xem xét báo cáo, đề án, đại biểu phải đưa ra quan điểm của mình (qua ý kiến thảo luận), thể hiện sự đồng tình, đề nghị bổ sung nội dung còn thiếu, sửa đổi nội dung chưa chính xác, đề nghị hủy bỏ nội dung không đúng thực tế.

Hoạt động thẩm tra của các ban HĐND


Thẩm tra là một hình thức hoạt động giám sát và là nhiệm vụ của các ban HĐND. Thẩm tra là bước rất quan trọng trong xem xét các báo cáo, bảo đảm cho nghị quyết được ban hành sát, đúng, phù hợp. Báo cáo thẩm tra là cơ sở để đại biểu thảo luận, xem xét quyết định thông qua nghị quyết.

Để thẩm tra đạt hiệu quả, các Ban phải thực hiện qua 2 bước:

Bước thứ nhất, các hoạt động chuẩn bị thẩm tra, là bước rất quan trọng trước khi tổ chức hội nghị thẩm tra, Ban của HĐND cử thành viên tham gia nghiên cứu dự thảo nghị quyết, báo cáo, đề án, trong quá trình nghiên cứu văn bản khi thấy cần tìm hiểu, thu thập thêm thông tin, đại biểu có thể thực hiện các hoạt động: (1)Yêu cầu cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan cung cấp tài liệu và trình bày về vấn đề mà Ban thẩm tra (quyền yêu cầu cung cấp thông tin, quy định tại điều 99 Luật Tổ chức chính quyền địa phương). (2)Tổ chức họp lấy ý kiến của những người am hiểu về vấn đề thẩm tra. (3) Khảo sát tình hình thực tế tại địa phương về những nội dung liên quan đến dự thảo nghị quyết, báo cáo, đề án. Sau khi tiến hành hoạt động chuẩn bị thẩm tra, các thành viên Ban có đầy đủ thông tin để tiến hành thảo luận, trao đổi tại hội nghị thẩm tra.

Bước thứ hai, tổ chức hội nghị thẩm tra. Trên cơ sở đã có thông tin từ các văn bản do các cơ quan gửi đến và thông tin thu thập từ hoạt động chuẩn bị thẩm tra, Ban phân công (thành viên hoặc chuyên viên văn phòng) giúp xây dựng dự thảo báo cáo thẩm tra. Trên cơ sở dự thảo báo cáo thẩm tra các đại biểu dự hội nghị thảo luận, trao đổi, các cơ quan trình văn bản giải trình làm rõ những vấn đề thành viên Ban quan tâm. Cuối cùng, chủ tọa hội nghị thẩm tra kết luận. Ý kiến kết luận của chủ tọa được tiếp thu, bổ sung để hoàn thiện báo cáo thẩm tra.

Một báo cáo thẩm tra chất lượng phải nêu rõ quan điểm và đề xuất phương án xử lý đối với những nội dung còn có ý kiến khác nhau; đưa ra kiến nghị cụ thể những nội dung bổ sung, sửa đổi.

LƯƠNG ANH TẾ