Thảo luận tổ: nhiều vấn đề nóng
Tin tức - Ngày đăng : 10:05, 07/07/2017
Sáng 7.7, Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI tiếp tục thảo luận tại tổ. Qua 1 ngày thảo luận sôi nổi, có 52 lượt ý kiến phát biểu.
Về cơ bản, các đại biểu đều nhất trí cao với các tờ trình và báo cáo tại hội nghị.
Đồng chí Phạm Thị Thanh Tâm, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh phát biểu thảo luận tổ. Ảnh: Thành Chung
Một số ý kiến đề nghị làm rõ thêm về giá trị sản xuất nông, lâm, thuỷ sản tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước, do trên thực tế gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt trong chăn nuôi. Đại biểu đề nghị tỉnh đánh giá làm rõ thêm việc thực hiện đề án tích tụ ruộng đất để phát triển nông nghiệp hàng hoá tập trung, ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020 và những năm tiếp theo.
Các đại biểu cũng chỉ rõ thực trạng công tác bảo quản, chế biến nông sản của tỉnh còn hạn chế. Tỉnh cần chỉ đạo liên kết chặt chẽ giữa người dân và doanh nghiệp. Trong đề án phát triển nông nghiệp hàng hóa, việc triển khai còn có bất cập như đề án do tỉnh quản lý, các huyện trên cơ sở nhu cầu từng xã để đề xuất thực hiện, do đó không chủ động về kinh phí thực hiện, đề nghị tỉnh tạo cơ chế phân bổ kinh phí theo từng năm trên cơ sở huyện chủ động đăng ký để triển khai, đồng thời tỉnh chỉ đạo kiểm tra, giám sát việc thực hiện.
Tình trạng nông dân bỏ ruộng cũng được các đại biểu thảo luận tìm cách tháo gỡ. Nguyên nhân do giá trị tăng thêm của sản xuất nông nghiệp không cao, nguồn nhân lực thiếu. Trong khi đó, công tác chỉ đạo của ngành chuyên môn chưa rõ nét, chưa có giải pháp cụ thể hỗ trợ nông dân... Tỉnh cần có cơ chế thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Hỗ trợ doanh nghiệp, người dân tiếp cận gói tín dụng của Chính phủ để hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp sạch, công nghệ cao.
Trong xây dựng nông thôn mới, một số đại biểu đánh giá hiện nay tỉnh đã ở tốp trung bình khá cả nước. Năm 2017, tỉnh dành khoảng gần 600 tỷ kết hợp với các công trình, dự án, tổng nguồn vốn khoảng trên 1.000 tỷ đồng cho xây dựng nông thôn mới. Nhiều ý kiến đề nghị tỉnh nên cấp trước khoản hỗ trợ 7 tỷ đồng về xã đang phấn đấu về đích nông thôn mới để huyện có cơ sở chỉ đạo các xã triển khai thực hiện đạt mục tiêu.
Ô nhiễm môi trường nông thôn, bãi rác các xã quá tải cũng là vấn đề thu hút nhiều sự quan tâm của đại biểu. Các đại biểu đề nghị tỉnh triển khai xây dựng nhà máy xử lý rác thải theo cụm 2-3 huyện.
Thu ngân sách chưa bền vững
Đồng chí Trần Văn Quân, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Thanh Miện phát biểu thảo luận tổ. Ảnh: Thành Chung
Một số ý kiến đánh giá thu hút đầu tư của tỉnh đang chững lại, thu hút xây dựng hạ tầng các cụm công nghiệp rất khó khăn. 27 dự án không triển khai do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, có dự án vướng mặc ở một số chính sách của huyện. Do đó, đối với các dự án đã đầu tư một phần cần tiếp tục tạo điều kiện cho nhà đầu tư triển khai để tránh lãng phí nguồn lực dù đã quá thời hạn.
Một số đại biểu đề nghị cần giải quyết dứt điểm 36 viên chức làm việc của công chức; 82 trường hợp đồng theo Nghị định 68 làm công tác chuyên môn và 213 hợp đồng lao động khác theo kiến nghị của Bộ Nội vụ. Tình trạng khai thác cát trái phép tuy đã giảm nhưng diễn biến vẫn còn phức tạp, xuất hiện tình trạng "cát tặc" khai thác ở sông nội đồng.
Nhiều đại biểu đánh giá tình trạng dạy thêm học thêm, thu góp trong nhà trường chưa có chuyển biến trong nhiều năm qua, đề nghị có giải pháp giải quyết dứt điểm. Việc thực hiện các chế độ, chính sách cho người có công như xét duyệt người được hỗ trợ việc làm, hỗ trợ xây dựng nhà ở... còn chậm.
Về cải cách hành chính, một số đại biểu đề nghị cần làm rõ về việc chỉ số đạt thấp do việc xây dựng, ban hành kế hoạch cải cách hành chính còn chậm. UBND tỉnh cần chỉ đạo bổ sung, rà soát, sửa đổi, bãi bỏ văn bản hết hiệu lực thi hành không kịp thời. Một số ý kiến tập trung làm rõ những nguyên nhân dẫn đến chỉ số PCI của tỉnh giảm, đề nghị các cấp ủy quan tâm chỉ đạo quyết liệt hơn nữa việc thực hiện đề án cải thiện môi trường đầu tư, đặc biệt là cải thiện các chỉ số về tính minh bạch, thiết chế pháp lý...
Tăng cường giám sát việc triển khai các Nghị quyết của Đảng
Đồng chí Nguyễn Trọng Tuệ, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Bình Giang phát biểu thảo luận tổ. Ảnh: Thành Chung
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng việc thực hiện Nghị định 158 của Chính phủ tiến độ triển khai so với yêu cầu còn chậm, dẫn đến trì trệ. Tỉnh cần triển khai sớm về luân chuyển và chuyển đổi một số vị trí công tác đối với cán bộ nhằm ngăn ngừa các hành vi tham nhũng. Cần bổ sung thêm vào phần đánh giá những hạn chế của công chức trong thực thi nhiệm vụ và người chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chứ không đơn thuần là cán bộ ở bộ phận một cửa. Cần bổ sung đánh giá cả những hạn chế của công chức thực thi nhiệm vụ và người chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chứ không đơn thuần là cán bộ ở bộ phận một cửa.
Hầu hết các đại biểu đều nhất trí cao với kết quả đánh giá cũng như các kiến nghị, đề xuất của Đoàn giám sát "việc chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện các Đề án, kế hoạch trong Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020". Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị cần đề ra các giải pháp để tiếp tục triển khai, thực hiện các chương trình, đề án cho hiệu quả; cần nêu rõ nguồn lực thực hiện, cơ chế xã hội hoá để thực hiện các chương trình, dự án như thế nào?
PV