Trước nhà có cây mẫu đơn
Truyện ngắn - Ngày đăng : 09:34, 10/07/2017
Cây mẫu đơn bằng tuổi tôi, mẹ trồng nó trước vườn nhà từ lúc sinh tôi. Nhà ngang chúng tôi ở và nhà thờ tổ tiên ông bà cứ mở cửa là được thấy màu hoa đỏ rực như từng đĩa xôi gấc trên mâm xôi khổng lồ ấy. Người đi ngoài ngõ đánh mắt vào sân cũng ngắm được mẫu đơn. Tuần rằm, mùng một, kể cả ngày thường, trong nhà thờ hay nhà ngang luôn có một lọ hoa mẫu đơn. Mẫu đơn cắm cả tháng không hề héo, nở vài tháng liên tục không hề tàn.
Ngày bé chúng tôi hay chạy quanh gốc cây chơi trò đuổi bắt, trốn tìm, đói thì bứt hoa hút mật ở cuống, ngọt như giọt nước đường, lại còn xâu hoa thành chuỗi vòng đeo lên cổ, đội lên đầu làm cô dâu, chú rể. Giờ các em tôi đã trưởng thành, mỗi đứa một phương, chỉ còn tôi ở nhà bên mẹ, bên nhà ngang và nhà thờ, bên cây mẫu đơn ngày một sần sùi, mốc thếch, nở hoa ngày càng to, càng đỏ thẫm hơn.
Thế mà đêm trước ngày giỗ bà, tôi mơ người ta cầm cuốc, cầm thuổng tới đánh cây mẫu đơn chở ô tô đi. Tôi vừa đi làm đồng về nhìn thấy lao vào giằng cây lại, người ta đẩy tôi ngã nhào xuống gốc cây, giờ đã là cái hố sâu như cái thúng, tôi kêu khóc thảm thiết.
Mẹ lay tôi dậy. Lúc ấy, tôi mới biết mình đang mơ. Tôi vùng dậy chạy ra vườn, cây mẫu đơn vẫn đứng đó, những giọt sương đang đọng trên kẽ lá long lanh như pha lê, hoa nở đỏ tươi như xôi gấc. Mẹ vừa cắt hoa vừa nghe tôi kể lại giấc mơ. Mẹ cười bảo: "Nếu bán thì mẹ đã bán từ lúc đưa em Thìn đi bệnh viện mổ rồi". Lần đấy mẹ đã không bán cây dù có vài người gạ mua, mà mẹ đã bán cặp hoa tai bà ngoại tặng cho làm của hồi môn để chữa bệnh cho em. Chắc mấy bữa nay tại tôi cứ vác cuốc ra đồng đắp bờ chia ruộng với bà con mà mãi chưa chia xong, ngủ mệt nên mơ vậy thôi, mẹ nói vậy. Sáng nay giỗ bà, chắc em Thìn và Của trưa mới về, mẹ bảo tôi: "Cứ đi nhận ruộng đi, mẹ ở nhà chuẩn bị cơm canh cúng bà".
Tôi vác cuốc và cầm cuộn dây ra đồng, mùi xôi nếp đang bện khói cuốn theo tôi. Đồng đã cày ải. Từng tảng đất vãng cày lật ngửa lên hong nắng. Mẹ đẻ rơi tôi trong vụ cày ải như thế này. Bố đi công tác, mẹ thay bố dắt trâu ra ruộng cày, khi bụng mẹ đang ở tháng thứ tám. Cũng may là mẹ đã cày gần hết ruộng rồi tôi mới lục sục đòi chui ra. Thấy tiếng mẹ kêu, hai bà cắt cỏ gần đó chạy lại, người đỡ mẹ, người đỡ con, đợi nghe được tiếng khóc oe oe, mẹ mới lả đi. Người làng đã võng mẹ về bằng chính chiếc võng mà bố đã để lại cho mẹ trong một lần về thăm nhà. Tôi nằm trên võng từ lúc mới đẻ cho tới lúc biết đi biết chạy nên mẹ gọi tôi là Võng.
Mẹ vẫn suốt ngày tất bật ngoài đồng, chỉ trưa tối mới về cho tôi bú. Bà ở nhà bế tôi. Hễ thấy tôi khóc, bà lại chắt cho mấy thìa nước cháo, nước cơm, rồi hai bà cháu lại lên võng nằm. Lúc tôi biết chạy quanh gốc mẫu đơn thì bà ốm nặng rồi mất. Mẹ đội khăn tang dài, tôi đội khăn tang tròn, tôi hết chạy quanh quan tài lại chạy xem mấy bác thổi kèn tò tí te. Bố không về được thì người ta vắt một cái khăn qua quan tài của bà, cây mẫu đơn và những cây bưởi, cây mít, cây ổi trong vườn cũng được mẹ quét vôi trắng dưới gốc, mẹ bảo để cho cây cối cũng được đội tang bà.
Đến giỗ đầu bà thì bố về. Lúc ấy, tôi đang cắt hoa mẫu đơn để cắm thì thấy bố về. Bố mang về một con búp bê, một miếng vải hoa hồng và một cái võng cũ, cái võng đã theo bố trên những chặng đường công tác gian nan, bố nhấn mạnh. Bố kể chuyện thành phố khi bố đến công tác có rất nhiều nhà tầng, nhiều cửa hiệu, nhiều ghế đá, lại có cả những hiệu kem, bánh mì… Bố dặn tôi phải ngoan, chịu khó học giỏi rồi lớn lên bố cho ra thành phố. Hôm sau, bố đi ngay vì bố bảo cơ quan luôn có nhiều việc.
Chưa tới giỗ bà năm sau thì mẹ sinh ra em Thìn. Tôi có thêm bạn để cùng chơi quanh gốc mẫu đơn. Tết năm ấy, đói kém, chẳng có tiền mua áo mới cho hai chị em, mẹ lấy miếng vải hoa hồng, cắt thành hai cái áo cho chúng tôi diện Tết. Đi đến nhà ai cũng khen: "Áo đâu mà đẹp thế", mẹ đỡ lời: "Áo cắt bằng vải bố cháu gửi về cho đấy ạ". Em Thìn hay hỏi: "Sao bố mãi không về?". Mẹ bảo: "Bố còn công tác, hỏi nhiều bố nóng ruột". Mẹ vẫn quần quật ngoài đồng, sớm tối còn cắt cỏ bán cho người ta lấy tiền nuôi chị em tôi. Mảnh vườn trong nhà thì mẹ tranh thủ cuốc đất trồng rau, khoai, sắn để cải thiện mỗi khi giáp hạt.
Một sớm mùa đông, rét quá không ngủ được, tôi trở dậy, thấy mẹ đội áo mưa chạy từ cổng vào, trên tay bê một bọc quần áo. Từ trong cái bọc đó bỗng phát ra tiếng khóc trẻ con. Mẹ mở cái cổ áo bông cho tôi nhìn thấy, một em bé đỏ hỏn đang nhắm tịt mắt mà khóc đòi bú mẹ, miệng em há ra như mỏ chú chim non. Thì ra, mẹ gánh cỏ đi chợ bán sớm để về còn kịp buổi ra đồng đợi hợp tác xã chia ruộng cho xã viên. Chẳng ngờ đi tới cổng chợ thì bắt được em bé dưới gốc tre ai đó bỏ rơi. Vứt cả gánh cỏ, mẹ bế em chạy về. Mẹ giục tôi nhóm lửa, sưởi ấm, nấu cháo cho em. Tôi định gọt mấy củ khoai lang cho vào nồi cháo thì mẹ bảo: "Bữa nay nấu cháo gạo không thôi, ăn khoai em bé nóng ruột". Đợi em bé no bụng ngủ, mẹ đặt em lên võng, dặn tôi ở nhà trông Thìn, trông em bé, mẹ đi nhận ruộng. Hôm ấy, mẹ ra đồng muộn hơn mọi người nên phải nhận suất ruộng ở cuối cánh đồng, vừa xa, vừa trũng, nhưng về tôi thấy mẹ vẫn vui. Trong khi đó mấy bác hàng xóm tụm năm tụm ba ngoài ngõ bàn tán như cãi nhau chuyện ruộng nương chia chác chưa công bằng.
Em bé uống nước cơm, ăn cháo, người cứ gầy nhẳng như con nhái bén. Chị em tôi và mẹ cũng gầy tong teo. Khoai sắn cũng đã vãn trong gầm giường. Đúng dịp hội chùa, các hàng quán kéo đến bán, em Thìn nghĩ ra một sáng kiến, cắt hoa mẫu đơn đến cổng chùa bán cho người đi lễ, tôi gật đầu tán thành. Chúng tôi cắt cả chục nắm hoa cho vào cái xô xách ra cổng chùa bán. Tới trưa bán hết được mười đồng, mang về nhà định khoe mẹ thì mẹ không nói không rằng trói hai chị em lại cột nhà, vụt cho hai roi. Mẹ bảo: "Bán được mười đồng mà để em Của ngủ dậy ngã khỏi võng, bò ra bờ ao, may mà bà Vụ đi qua, chứ không thì..." Rồi mẹ lại cởi trói cho chúng tôi, mẹ khóc, con khóc. Hôm sau, mẹ ra chợ mua hộp sữa bò và chục trứng gà về nấu bột, nấu cháo, bồi dưỡng cho em bé, chị em chúng tôi được vét nồi, liếm cốc, ngọt lử đử ở cuống họng.
Em Của chập chững biết đi, bi bô gọi bà bà thì bố về. Bố chửi mắng mẹ là người đàn bà hư hỏng, lang chạ với thằng khác để sinh ra con thằng đó. Ba chị em tôi ngồi rúm vào góc nhà. Mẹ khóc lóc kể lể. Bà con sang thanh minh giúp mẹ. Hết cơn giận dữ, bố lên nhà thờ lau dọn để thắp hương, mẹ cắt hoa mẫu đơn cắm thì bố giằng dao không khiến mẹ cắt hoa. Hai lọ hoa mẫu đơn đặt hai bên bàn thờ, ba chén nước mưa, bố lại đặt lên đĩa một cân đường, hộp bánh và một ít tiền, lầm rầm khấn vái. Mấy hôm sau bố lại khoác ba lô đi.
Mẹ vẫn ra đồng cày cấy, đi cắt cỏ bán cho người ta và đi làm thuê làm mướn bất kể việc gì để nuôi ba chị em chúng tôi. Tuần rằm, bàn thờ vẫn có ba chén nước mưa, hai lọ hoa mẫu đơn với những nải chuối, hay quả bưởi, quả cam, quả khế trong vườn dâng lên cúng tổ tiên. Bố đi mãi không thấy về. Tuy vậy, bố đã có ba lần gửi quà về cho chúng tôi chứ không biền biệt như trước nữa, là mấy bộ quần áo và ít tiền. Lần nào mẹ cũng cho chúng tôi xem và bảo là quà của bố gửi về đấy.
Tôi cố học hết lớp tám, không theo được đành nghỉ học ở nhà phụ việc với mẹ để nuôi hai em ăn học.
Một lần nhà bác Bẩy hàng xóm xây nhà mới, đánh xe ra tận Quảng Ninh mua bộ bàn ghế và bàn thờ rất đẹp về trưng nhà cho sang. Lúc về, bác Bẩy vẫy mẹ tôi nói nhỏ: "Cô không biết gì sao?". Mẹ ngạc nhiên: "Biết gì hả bác?". "Chú ấy nhà cô không công tác trong nhà nước nữa, giờ chuyển sang làm kinh doanh, có cả một cửa hàng gỗ to nhất cái vùng cửa khẩu ấy". Mẹ hỏi: "Bác có nhìn nhầm không đấy?". "Nhầm sao được, tôi đã vào thăm, còn gặp cả cái cô vợ hai người Hoa ăn nói ngọt ngào, hoạt bát đáo để, đã có một thằng con trai đang học lớp sáu, cao hơn thằng Của nhà cô một cái đầu". Mẹ cố kìm dòng nước mắt cứ chực chảy ra, thở dài: "Âu cũng là cái số em nó không ra gì. Mong bác giữ kín chuyện này giúp em, để em xem sao đã". Bảo để xem sao nhưng mẹ vẫn phải đi ra đồng cày cấy, chẳng chịu đi tìm bố. Sau cũng có nhiều người hỏi han về bố, mẹ đều lảng chuyện khác.
*
Tôi ngẫm nghĩ nhiều đêm và quyết định xui mẹ: "Hay mẹ lấy bác Hòa đi, đằng nào thì bố con cũng có vợ rồi". Mẹ ôm tôi bảo: "Con gái lớn rồi mới phải đi lấy chồng, chứ mẹ còn lấy ai". Tôi cũng chạnh buồn, tôi biết tôi xấu xí nên đã sắp ba mươi rồi chẳng có ai để ý, ông trời chẳng cho tôi giống mẹ lấy một chút nào.
Em Thìn về gặp bác Hòa đến chơi, thấy bác cứ ngắm nghía cây mẫu đơn và có ý chờ mẹ về thì lấy làm khó hiểu. Tôi kéo em vào buồng kể chuyện. Em Thìn đỏ bừng mặt, chạy ra nói té tát vào mặt bác Hòa: "Từ nay bác đừng đến đây làm phiền mẹ cháu nữa, mẹ cháu không phải là hạng người dễ dãi…" Tôi can không được. Bác Hòa dắt xe bỏ về. Hôm sau trước khi lên trường Thìn còn dặn lại tôi: "Chị ở nhà phải khôn lên chứ. Nhớ giữ mẹ cho cẩn thận, đừng có vẽ đường cho hươu chạy nữa".
Mấy chiều sau, tôi nhận thấy mẹ cứ đứng ngồi không yên, vẻ như mong chờ bác Hòa tới. Bác Hòa không tới, nhưng có hai người đàn ông lạ mặt đi xe máy tới, cũng ngồi uống nước vối, nói chuyện với mẹ dưới gốc mẫu đơn, rồi lại ra đi. Tôi cho đàn lợn ăn xong, đành vào nói cho mẹ biết em Thìn đã nặng lời với bác Hòa như thế nào. Lúc ấy, mẹ mới khẽ khàng nói: "Bác Hòa là người chơi cây cảnh nghệ thuật. Đi qua cổng nhà mình thấy cây mẫu đơn đẹp quá rẽ vào ngắm. Không ngờ bác và mẹ nhận ra hồi trước là bạn cùng học trường làng với nhau. Vợ bác Hòa đã mất mấy năm. Đúng là bác có đặt vấn đề với mẹ nhưng mẹ không đồng ý, mẹ đã có ba đứa con rồi mà. Bác ấy đi lại nhà ta vì mẹ nhờ bác cắt tỉa cây mẫu đơn cho đẹp hơn. Con không biết chứ chính bác Hòa là người đã phát hiện ra cây mẫu đơn nhà ta có một thân dáng rất đặc biệt. Nhờ bàn tay nghệ nhân của bác ấy tác động thêm mà cái dáng ấy ngày một rõ ràng hơn theo tràng hoa nở chạy dài. Con không để ý thấy khác sao?".
Lúc này tôi mới ngắm kỹ cây mẫu đơn: những cành lá được cắt tỉa gọn gàng, những chiếc rễ sạch sẽ trườn trên mặt đất, thân bệ đanh quánh lại, hoa bông từ gốc đến ngọn, thân uốn lượn mềm mại như người nghệ sĩ đang múa. Tôi hoa mắt đi khi nhìn thấy cây mẫu đơn dáng như một chú rồng đang vươn mình bay lên. Mẹ lại nói tiếp: "Sau nhiều lần đến để tỉa tót, uốn nắn lại cây giúp mẹ, bác Hòa đã hỏi mua nhưng mẹ không bán. Không chỉ có bác Hòa muốn mua, mà nhiều người nghe bác Hòa kể nhà ta có cây mẫu đơn Long dáng cũng hỏi mua, một trong hai ông đi xe máy lúc trước đã ra giá năm mươi triệu".
Không ngờ cây mẫu đơn ở nơi góc vườn bình dị nhà tôi giờ bỗng nhiên lại có giá trị đến vậy!
*
Ký xong, tôi chạy như bay về nhà muốn khoe với mẹ đã đổi được ruộng đẹp, nên không để ý đâm sầm vào xe đạp của anh Tôm, cả hai cùng ngã ngửa ra đường, chân tôi bị bàn đạp xe Tôm làm cho chảy máu. Tôm cuống lên xé nắm nõn chuối lùn nhai rồi đắp vào vết thương cho tôi. Thấy vẻ mặt tôi vẫn phởn lên vui sướng mà không kêu ca đau đớn gì, Tôm hỏi: "Sao mà vui thế?". Tôi trả lời: "Vì vừa đổi được ruộng nhà Dông". Nghe xong, anh Tôm đã nói một câu như đổ nước vào đống lửa vừa được nhóm lên: “Không biết gì à Võng? Cái ruộng nhà Dông vừa bốc được ấy, cạnh bờ có một cái tiểu đang chìa ra, nó muốn tránh nên mới đổi cho nhà em!”. Tôm dẫn tôi quay lại đồng Tấu, đi kiểm tra lại hai bên bờ mương, đúng là giữa ruộng, sau mấy nhát cuốc vạc bờ, mép một cái tiểu đã chìa ra rất rõ. Tôi tức tốc chạy lại ao cá tìm nhà Dông để nói chuyện, nhà Dông chìa tờ giấy giao kèo. Tôi thua.
Thìn và Của đã về từ lúc nào, đang giúp mẹ sắp cỗ lên bàn thờ. Thấy mặt tôi rầu rầu, mẹ hỏi xem ruộng nương nhận được ở đâu. Tôi kể lại chuyện đã xảy ra. Mẹ an ủi: "Nếu ta có duyên với mảnh ruộng đó thì cứ nhận. Có tiểu thì mẹ con ta đắp mộ cho cẩn thận, hương khói cho người đã mất, chắc linh hồn người đã mất cũng phù hộ cho ruộng nương nhà ta năng suất thôi. Nhưng còn chuyện này, đợi con về rồi mẹ mới quyết định một thể". "Chuyện gì hả mẹ?". Mẹ chấm nước mắt. Khóc.
Thìn đành kể: Nó là y tá được chọn đi theo đoàn của cơ quan ra Quảng Ninh chữa bệnh. Không ngờ gặp một bệnh nhân nặng đang nằm viện mà không có người chăm sóc. Khi hỏi quê quán, tên tuổi mới nhận ra người đó chính là bố mình. Bố con ôm nhau khóc. Thì ra, bố bị cô vợ người Hoa cuỗm hết cả vốn lẫn lãi, rồi dẫn thằng con trai về nước. Quán trọ người ta đòi tiền thuê nhà, bố không có, bị đuổi ra ngoài. Bố chán đời uống rượu, vạ vật hết quán nọ quán kia. Một đêm, người xe ôm nhìn thấy bố ngất đi trước cửa quán rượu liền lai đến bệnh viện giúp. Bác sĩ khám, chụp, chiếu, kết luận, bố đã hỏng một bên thận, lại còn có một u máu ở não trái. Bác sĩ nói không đưa ra Hà Nội phẫu thuật nhanh sẽ khó cứu được tính mạng. Bốn mẹ con nhìn nhau. Một lúc, mẹ bảo: "Nhà mình ăn cháo cũng phải lo chữa bệnh cho bố". Của tháo chiếc nhẫn đang đeo tay, lại rút hết tiền ở ví ra đưa cho mẹ, nói: "Tạm thời con có cái này, mẹ cầm trước". Tôi nói có hai con lợn trong chuồng và hai tạ thóc trong bồ, mẹ con tôi sẽ gọi thợ đến bán. Thìn lắc đầu: "Chưa thể đủ được". Mẹ thốt lên: "Để mẹ gọi bác Hòa!". Thìn giẫy nảy lên: "Mẹ còn tơ tưởng đến người ta, còn định nhờ vả người ta lúc này thì còn ra cái gì!".
Nhìn ra gốc mẫu đơn trước vườn, mắt mẹ đỏ như cánh mẫu đơn, ngân ngấn sương sa, giọng mẹ khẽ khàng: "Mẹ gọi bác Hòa là để bán cây mẫu đơn lấy tiền chữa bệnh cho bố. Rồi nhà ta sẽ trồng một cây khác".
Truyện ngắn của ANH DIỆU