Nông dân cần được hỗ trợ nhiều hơn
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 06:54, 11/07/2017
Chiều 10.7, các đại biểu HĐND tỉnh chia 4 tổ thảo luận. Sản xuất nông nghiệp, ô nhiễm môi trường nông thôn được nhiều đại biểu quan tâm.
>>Sản xuất công nghiệp: Nhiều tín hiệu đáng mừng
Đại biểu Phạm Mạnh Hùng (Nam Sách). Ảnh: Thành Chung
Sản xuất nông nghiệp gặp khó
Chia sẻ khó khăn với người chăn nuôi lợn, đại biểu Nguyễn Khắc Toản (Gia Lộc) đánh giá chưa bao giờ người nông dân lại gặp khó như những tháng qua khi giá lợi hơi liên tục "khoan" đáy. Giá lợn hơi xuống thấp kéo theo giá gia cầm và thủy sản giảm theo. Do đó, dù giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 2,6% nhưng thiệt hại của nông dân là có thật. Nhiều gia đình bỏ chuồng, không chăn nuôi, khả năng khôi phục đàn lợn rất khó khăn.
Đồng quan điểm với đại biểu Toản, đại biểu Hoàng Quốc Thưởng (Kim Thành) cho biết, tình hình tiêu thụ nông, thủy sản gặp khó, ảnh hưởng đến đời sống nông dân. Nông dân rơi vào vòng luẩn quẩn được mùa mất giá, được giá mất mùa. Đại biểu Thưởng đề nghị tỉnh nên rà soát, đánh giá lại quy hoạch ngành nông nghiệp, có giải pháp quyết liệt để cơ cấu lại. Có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; làm tốt công tác định hướng, dự báo thị trường để tìm đầu ra cho nông sản.
Đại biểu Thưởng đề nghị tỉnh cần có sự quan tâm giúp đỡ người chăn nuôi vượt qua khó khăn bằng cách quy hoạch lại ngành chăn nuôi, giãn nợ cho các trang trại lớn. Đánh giá kỹ thiệt hại của người chăn nuôi do giá sụt giảm để có chính sách hỗ trợ, khôi phục đàn, nếu không lại rơi vào tình trạng khủng hoảng thiếu.
Ở góc độ khác, đại biểu Lê Văn Dũng (Thanh Hà) cho biết chính sách hỗ trợ theo đề án sản xuất nông nghiệp của tỉnh hiện nay không phù hợp. Lấy ví dụ hỗ trợ đề án trồng lúa "một vùng, một giống, một thời gian" với diện tích 30ha, đại biểu Dũng cho rằng đề án này không phù hợp với đồng đất Thanh Hà. "Nông dân Thanh Hà với thế mạnh trồng cây ăn quả như vải, ổi, quất nên để quy vùng được 30 ha trồng lúa thì không thực hiện được. Tỉnh cần linh hoạt trong chính sách hỗ trợ", đại biểu Dũng nói.
Theo đại biểu Dũng, các loại cây trồng khác như lúa, ngô nếu mất mùa thì được hỗ trợ. Còn cây ăn quả mất mùa, tỉnh chưa thật sự quan tâm. "Lúa mất mùa thì tỉnh, thậm chí cả Trung ương hỗ trợ giống, phân bón nhưng cây ăn quả như vải thiều mất mùa thì từ trước đến nay chưa bao giờ được hỗ trợ", đại biểu Dũng bức xúc.
Đại biểu Nguyễn Minh Hùng (Kinh Môn) đề nghị tỉnh cần cần xác định sản phẩm chủ yếu trong sản xuất nông nghiệp là gì? Ngoài lúa, vải, cà rốt…, nên đưa cây trồng vụ đông vào đánh giá. Tại Kinh Môn, cây trồng vụ đông đóng góp khá. Riêng hành tỏi đóng góp gần 1.000 tỷ đồng trong giá trị sản xuất nông nghiệp. Không chỉ Kinh Môn, hành, tỏi còn trồng nhiều ở Nam Sách.
Nhức nhối ô nhiễm môi trường nông thôn
Ô nhiễm môi trường nông thôn được nhiều đại biểu quan tâm. Đại biểu Phạm Mạnh Hùng (Nam Sách) cho rằng, nguy cơ ô nhiễm môi trường nông thôn rất lớn. Trên địa bàn tỉnh mới có một số nhà máy xử lý rác thải lớn đặt ở xã Việt Hồng (Thanh Hà) nhưng công nghệ lạc hậu, xử lý bằng công nghệ đốt nên vẫn gây ô nhiễm. Hiện nay, các xã đều có bãi chôn lấp rác được tỉnh hỗ trợ 500 triệu nhưng đều đầy sau 5-6 năm. Loại bãi rác này không bền vững vì ngoài gây ô nhiễm không khí, còn ô nhiễm nguồn nước ngầm. Đại biểu Hùng đề nghị tỉnh có cơ chế thu hút các dự án xây dựng nhà máy xử lý rác thải công nghệ cao.
Đại biểu Nguyễn Khắc Toản (Gia lộc) nêu thực trạng ô nhiễm nguồn nước hiện nay không chỉ có nước thải công nghiệp mà còn cả nước thải sinh hoạt. Nước thải chưa qua xử lý xả thẳng ra môi trường, gây ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp. Gia Lộc quy hoạch vùng trồng rau an toàn lớn nhưng gặp khó khăn do nguồn nước tưới không sạch.
Theo đại biểu Đồng Dũng Mạnh (Thanh Miện), hệ thống nước sông nội đồng ở Thanh Miện ô nhiễm khá nặng, có thời điểm nước sông chuyển màu đen, cá chết nổi. Trong khi đó có một số nhà máy sản xuất nước sạch lấy nguồn nước từ hệ thống này để bán cho dân. Nhiều nơi, dân không dám sử dụng vì nguồn nước. Đề nghị các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, tìm nguồn nước sạch khai thác cho nhân dân sử dụng.
Đề cập vấn đề này, ông Nguyễn Đình Kiêm (Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư) thừa nhận, trong số hơn 10 nhà máy còn lấy nguồn nước sông nội đồng, có những nơi chất lượng nước mặt không bảo đảm. Trong năm 2018, UBND tỉnh sẽ chấm dứt hoàn toàn việc các nhà máy lấy nước sông nội đồng. Những nhà máy điều kiện sẽ làm trạm trung chuyển cấp nước của Công ty CP Nước sạch Hải Dương đến người dân. Những trạm nào không đấu nối được phải chuyển nguồn lấy nước sông ngoài.
Đại biểu Lê Văn Dũng cho biết, dự án đường gom song song với đường sắt từ xã Hồng Lạc đến Ba Hàng được phê duyệt từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa được triển khai. Đây là dự án nhằm khắc phục tình trạng mất an toàn giao thông khu vực cầu Lai Vu.
Làm rõ sự chậm trễ của dự án này, ông Nguyễn Đình Kiêm cho biết tỉnh đã báo cáo Chính phủ. Chính phủ đã giao Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính để cân đối nguồn vốn. Tổng đầu tư của dự án khoảng 180 tỷ đồng.
Sáng nay 11.7, các đại biểu HĐND tỉnh tiếp tục làm việc với phần thảo luận tại hội trường, chất vấn và trả lời chất vấn. Buổi chiều, HĐND tỉnh họp phiên bế mạc.
NHÓM PV