Tẩy chay vaccine: Trào lưu nguy hiểm
Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 06:23, 18/07/2017
Gần đây, trên một số trang mạng xã hội xuất hiện nhiều hội, nhóm, cá nhân kêu gọi anti vaccine (chống tiêm vaccine) cho trẻ, gây hoang mang dư luận.
Tiêm vaccine là cần thiết vì sức khỏe cộng đồng
Chỉ cần vào Google gõ từ khóa "anti vaccine" sẽ cho ra rất nhiều ý kiến, kêu gọi chống tiêm vaccine cho trẻ như vaccine chứa hàng chục loại tạp chất, kim loại nhiễm bẩn nguy hiểm; vaccine gây ra chứng tự kỷ hay bác sĩ không biết gì về vaccine vì các trường y không có chương trình đào tạo... Một số ý kiến còn dẫn chứng nhiều ca tử vong sau tiêm để "đổ tội" cho vaccine.
Những thông tin kiểu này gây hoang mang, lo lắng cho các bậc phụ huynh có con đang ở độ tuổi tiêm phòng. Con gái chị Nguyễn Thị Hương ở khu Quốc Trị (thị trấn Nam Sách) đã đến đợt tiêm vaccine 5 trong 1. Trước khi cho con đi tiêm, chị Hương đã phải đấu tranh tư tưởng rất nhiều vì những thông tin trái chiều trên các trang mạng xã hội. "Mặc dù rất tin tưởng vào khoa học và các loại vaccine nhưng khi đọc quá nhiều bài, ý kiến chia sẻ, tôi không khỏi lo lắng", chị Hương nói.
Theo ông Nguyễn Đình Thực, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, một số người thuộc trào lưu chống tiêm vaccine chủ yếu vin vào những trường hợp tai biến sau tiêm vaccine. Một số khác hùa theo phong trào vì thiếu hiểu biết và do tâm lý lo lắng cho con của mình. Các trường hợp tai biến chỉ chiếm 1/1.000.000. Số ít cơ thể sẽ phản ứng mạnh với vaccine như sốt cao, co giật, quấy khóc, tím tái, thậm chí là sốc phản vệ và tử vong. "Đó là do phản ứng của từng người với vaccine chứ không phải do chất lượng vaccine kém", ông Thực phân tích.
Ông Thực nhấn mạnh tất cả các loại vaccine đều phải trải qua quá trình kiểm định nghiêm ngặt mới được đưa vào sử dụng. Việc kết luận nguyên nhân của những trường hợp đáng tiếc xảy ra cần có sự nghiên cứu, đánh giá nghiêm túc của các bác sĩ, chuyên gia chứ không thể đưa ra những suy luận chỉ mang cảm tính, có thể ảnh hưởng đến sự miễn dịch của cả cộng đồng.
Tiêm vaccine là cần thiết
Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Hải Dương từng tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân mắc các bệnh về viêm não, ho gà, sởi... do gia đình không tiêm vaccine từ nhỏ cho trẻ. Cháu Nguyễn Như Quỳnh ở xã Hiệp Hòa (Kinh Môn) mới 4 tháng tuổi nhưng thỉnh thoảng lại lên cơn ho dai dẳng, quấy khóc. Các bác sĩ ở đây nghi ngờ cháu Quỳnh bị ho gà. Chị Phạm Thị Phương, mẹ cháu Quỳnh lo lắng: "Có thể do con tôi chưa được tiêm vaccine ho gà lúc 2-3 tháng tuổi".
Cháu Nguyễn Như Quỳnh ở xã Hiệp Hòa (Kinh Môn) do chưa được tiêm vaccine ho gà
nên thỉnh thoảng ho dai dẳng, quấy khóc
Ông Nguyễn Đình Thực cho biết thêm: "Nếu như không tham gia tiêm chủng thì không những bản thân người không tiêm bị mắc bệnh mà còn có nguy cơ lây nhiễm cho cả cộng đồng".
Trên thực tế, khoảng 85 - 95% số người được tiêm chủng sẽ sinh ra miễn dịch đặc hiệu bảo vệ cơ thể không bị mắc bệnh. Chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) quốc gia đã được Bộ Y tế và các tổ chức quốc tế đánh giá là một trong những chương trình y tế công cộng hiệu quả và thành công nhất ở Việt Nam.
Nhờ có chương trình TCMR, hằng năm Hải Dương có hàng chục nghìn trẻ được bảo vệ an toàn trước các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, phổ biến; hàng chục nghìn phụ nữ và trẻ sơ sinh không bị mắc uốn ván trong sản khoa. Tỉnh ta cùng với cả nước đã thanh toán bệnh bại liệt từ năm 2000, loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh vào năm 2005.
Thời điểm này vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh như virus bại liệt, uốn ván. Đây là những bệnh có tỷ lệ tử vong cao. Do vậy, việc tiêm chủng để phòng bệnh hết sức quan trọng, tránh xảy ra nguy cơ dịch bệnh bùng phát.
Hiện nay, tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh có tất cả các loại vaccine trong chương trình TCMR và một số loại vaccine phục vụ nhu cầu của người dân. Ông Thực khuyến cáo người dân nên tiếp cận càng nhiều loại vaccine càng tốt.
LÊ HƯƠNG