Giáo dục truyền thống bằng cách không rao giảng
Xã hội - Ngày đăng : 08:00, 18/07/2017
Giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của các cấp bộ đoàn trong tỉnh.
Thanh thiếu nhi ở xã Ngọc Sơn (Tứ Kỳ) dọn vệ sinh, chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ xã
Chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ
Từ nhiều năm qua, 265 Đoàn các xã, phường, thị trấn trong tỉnh đảm nhận việc chăm sóc, dọn dẹp nghĩa trang liệt sĩ (NTLS). Đây là một hình thức giáo dục truyền thống hiệu quả đối với thế hệ trẻ. Vào các dịp lễ, Tết, các tổ chức đoàn cơ sở đều tổ chức dọn vệ sinh ở NTLS. Đặc biệt, trong dịp kỷ niệm Ngày Thương binh, liệt sĩ hằng năm, các tổ chức đoàn còn phối hợp tổ chức lễ thắp nến tri ân tại các NTLS.
Hằng tháng, Đoàn Thanh niên xã Ngọc Sơn (Tứ Kỳ) đều tổ chức "Ngày thứ bảy tình nguyện" và "Chủ nhật xanh" để dọn vệ sinh môi trường, trong đó có phần việc dọn dẹp, chăm sóc NTLS xã. Các học sinh lớp 7 cần mẫn nhổ cỏ ven đường từ UBND xã tới nghĩa trang. Học sinh lớp 8, 9 nhổ cỏ tại các phần mộ liệt sĩ, lau dọn bia mộ. Đoàn viên thanh niên khối nông thôn tích cực rẫy cỏ, thay bóng đèn, sửa chữa những chỗ gạch, nền xi măng bị bong tróc... Sau mỗi ngày như thế, 146 ngôi mộ liệt sĩ trong nghĩa trang đã sạch đẹp, bóng màu gạch men. Các hàng cây cũng được cắt tỉa gọn gàng, mang lại vẻ phong quang sạch đẹp cho NTLS.
Theo anh Nguyễn Văn Thiện, Bí thư Đoàn xã Ngọc Sơn, việc dọn vệ sinh NTLS không đòi hỏi nhiều công sức nhưng khi triển khai Đoàn xã đều triệu tập hết các thành viên tham gia. Bởi đây là việc làm thể hiện sự tri ân đối với lớp người đi trước, giúp các thanh thiếu nhi hiểu thêm về truyền thống của quê hương, trân trọng sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ.
Trước đó, Ban Thường vụ Đoàn xã đã khảo sát NTLS, xem những công việc cần làm; phân công cụ thể cho từng nhóm thanh thiếu nhi thực hiện nhiệm vụ phù hợp; trích quỹ mua các thiết bị, vật liệu...
Anh Đinh Quang Phong, Bí thư Đoàn xã Phạm Trấn thì chia sẻ: “Đảm nhận chăm sóc NTLS là hình thức giáo dục trực quan sinh động nhất, giúp các bạn trẻ hiểu sâu sắc về giá trị của hòa bình, tự do mà các thế hệ cha anh đã hy sinh máu xương để có được; từ đó thêm tự hào, phấn đấu rèn luyện, tiếp nối phát huy truyền thống, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
"Đền ơn, đáp nghĩa"
Năm nay, các cấp bộ đoàn đã và đang tập trung tổ chức nhiều hoạt động “đền ơn, đáp nghĩa”, “uống nước nhớ nguồn” như tổ chức cho thanh thiếu niên gặp gỡ các nhân chứng, tìm hiểu các di tích lịch sử; duy trì phong trào “Đi tìm địa chỉ đỏ”; tham gia giúp đỡ các gia đình Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, liệt sĩ, bệnh binh, người có công, cựu thanh niên xung phong...
Việc sửa chữa nhà, hệ thống điện, xây dựng công trình vệ sinh, nước sạch cho những gia đình chính sách đã trở thành việc làm thường xuyên của nhiều tổ chức đoàn. Những việc làm này vừa thiết thực với các gia đình chính sách, vừa có tính giáo dục sâu sắc đối với thanh thiếu nhi.
Từ năm 2013 đến nay, Tỉnh đoàn triển khai thực hiện đề án "Giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước cho thanh thiếu nhi" thông qua chương trình "Tô thắm màu cờ Tổ quốc". Các cấp bộ đoàn trong toàn tỉnh đã có nhiều cách làm sáng tạo, thiết thực hướng tới đồng bào, chiến sĩ nơi biên cương, hải đảo, các tỉnh miền Trung khó khăn. Tất cả các huyện, thị, thành đoàn và đoàn trực thuộc Tỉnh đoàn đều tổ chức phát động các thanh thiếu nhi viết thư thăm hỏi các cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ ở quần đảo Trường Sa, nhà giàn DK1; phát động quyên góp ủng hộ trẻ em khó khăn các tỉnh miền núi; tặng cờ Tổ quốc và hiện vật cho ngư dân miền Trung, đồn biên phòng... Nhiều nơi tổ chức thi vẽ tranh với chủ đề "Biển, đảo Tổ quốc".
THANH HOA