"Một cửa" điện tử bao giờ mới thông?
Khoa học - Công nghệ - Ngày đăng : 06:22, 20/07/2017
Mô hình "một cửa" điện tử có vai trò quan trọng hàng đầu để xây dựng chính quyền điện tử. Tuy nhiên, hiện còn nhiều rào cản khiến mô hình này chưa thể liên thông.
TP Hải Dương là địa phương đầu tiên triển khai mô hình "một cửa" điện tử
"Tắc" ở nhiều khâu
TP Hải Dương là địa phương đầu tiên áp dụng mô hình "một cửa" điện tử (MCĐT) từ tháng 4.2010. Đến nay, 11 huyện, thị xã còn lại đã triển khai mô hình này, nhiều nơi đã thực hiện đến cấp xã, phường.
Ở cấp sở, ngành, Sở Thông tin và Truyền thông (TTTT) là đơn vị đầu tiên áp dụng mô hình MCĐT từ năm 2012, cùng với việc thực hiện đề tài khoa học “Phát triển mô hình Công sở điện tử tại một số cơ quan hành chính nhà nước tỉnh Hải Dương". Đến nay, mô hình MCĐT do Sở TTTT xây dựng đã được phát triển và áp dụng tại 7 sở khác.
Sau khi áp dụng, mô hình MCĐT đã chứng minh hiệu quả bước đầu. Ông Vũ Mạnh Tú, Tổ trưởng bộ phận MCĐT của TP Hải Dương cho biết: “Mô hình này giúp việc quản lý hồ sơ các dịch vụ hành chính công thuận tiện và khoa học. Quy trình xử lý hồ sơ được lưu viết trên phần mềm nên chậm ở khâu nào, trách nhiệm do ai đều được thể hiện rõ ràng, minh bạch. Hồ sơ được số hóa nên có thể tra cứu dễ dàng qua mạng internet, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại…”.
Mặc dù có nhiều tiện ích, nhưng mô hình MCĐT hiện bị “tắc” ở nhiều khâu. Trong đó, trở ngại lớn nhất là việc các sở, ban, ngành và các địa phương không sử dụng một phần mềm MCĐT thống nhất, dẫn đến cơ sở dữ liệu không tương thích khi thực hiện liên thông. Vì thế, mỗi khi cập nhật các thủ tục hành chính hay phải thay đổi quy trình xử lý hồ sơ, biểu mẫu hoặc có văn bản, chính sách mới ban hành… rất khó liên thông trong hệ thống MCĐT. Mặt khác, dữ liệu được cài đặt phân tán, máy chủ lại được đặt ở nhiều nơi khác nhau nên khó quản lý cơ sở dữ liệu tập trung. Hiện toàn tỉnh có tới 4 phần mềm MCĐT đang được áp dụng. Chưa kể nhiều địa phương khi vận hành phần mềm MCĐT gặp lỗi kỹ thuật nhưng các công ty xây dựng phần mềm chậm xử lý sự cố. Đơn cử như phần mềm MCĐT tại huyện Bình Giang do Công ty TNHH Giải pháp phần mềm Trí tuệ Việt xây dựng nhiều lần trục trặc kỹ thuật nhưng đến nay vẫn chưa được khắc phục triệt để, dẫn đến việc xử lý nhiều dịch vụ hành chính công bị gián đoạn.
Bên cạnh đó, nguồn nhân lực để vận hành mô hình MCĐT trong tỉnh còn thiếu và yếu, nhất là ở cấp xã. Hầu hết cán bộ phụ trách MCĐT đều kiêm nhiệm nhiều công việc khác nhau và không được đào tạo chuyên sâu về công nghệ thông tin nên việc triển khai MCĐT gặp khó khăn.
Cần giải pháp đồng bộ
Sở TTTT đã tiến hành khảo sát và đưa ra những giải pháp cụ thể để khắc phục những hạn chế trên. Để khắc phục tình trạng mỗi nơi sử dụng một phần mềm MCĐT, Sở TTTT đã xây dựng phần mềm MCĐT trung gian và sắp tới sẽ liên kết với một đơn vị công nghệ thông tin để triển khai thực hiện. Phần mềm trung gian sẽ giải mã cơ sở dữ liệu giúp các phần mềm MCĐT có thể tương thích với nhau. Phần mềm trung gian này cũng tích hợp tính năng “hút” cơ sở dữ liệu từ các nơi khác về Trung tâm dữ liệu của tỉnh nên không bắt buộc các sở, ngành địa phương phải đặt máy chủ tại Sở TTTT mới có thể quản lý tập trung. Để bảo đảm tính bảo mật thông tin, Sở TTTT sẽ tham mưu UBND tỉnh để thống nhất dùng đường truyền dữ liệu chuyên dùng trong các cơ quan nhà nước.
96% số hồ sơ dịch vụ công trực tuyến được Sở Thông tin và Truyền thông giải quyết thông qua
phần mềm "một cửa" điện tử do đơn vị xây dựng
Để Cổng dịch vụ hành chính công của tỉnh vận hành hiệu quả, còn rất nhiều việc phải làm. Đơn cử như việc rà soát, phân loại và thống nhất quy trình xử lý hồ sơ của từng loại thủ tục hành chính ở từng cấp đã mất rất nhiều thời gian, công sức. Trong khi đó, để có thể triển khai dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4, Hải Dương cần phải triển khai đồng bộ nhiều dịch vụ kèm theo như chữ ký số, hòm thư công vụ, liên kết với các ngân hàng, nhà mạng, hệ thống bưu điện… thì mới có thể thực hiện thu lệ phí trực tuyến và trả kết quả tại nhà cho người dân.
Theo ông Nguyễn Cao Thắng, Phó Giám đốc phụ trách Sở TTTT: “Còn nhiều việc khó nhưng MCĐT là nền tảng cốt lõi để Hải Dương xây dựng chính quyền điện tử nên làm đến đâu phải chắc đến đó. Chúng ta không tham vọng sẽ ngay lập tức thực hiện được tất cả các dịch vụ công ở cấp độ 4". Trước mắt, Sở TTTT sẽ tham mưu với UBND tỉnh xây dựng quy chế sử dụng phần mềm MCĐT thống nhất trong toàn tỉnh, sau đó sẽ triển khai áp dụng phần mềm MCĐT do Sở TTTT xây dựng ở 17 sở, ngành. Tiếp đến, sở sẽ hướng dẫn các đơn vị thực hiện đăng ký chữ ký số, hòm thư công vụ... Để làm được điều này, ngoài sự quan tâm của UBND tỉnh, Sở TTTT cần sự phối hợp chặt chẽ của tất cả các sở, ngành, địa phương trong tỉnh.
MAI LINH