Sản xuất đá sạch bằng công nghệ bẩn

Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 05:00, 23/07/2017

Mùa hè, nhu cầu sử dụng đá lạnh để giải nhiệt của người dân tăng cao cũng là lúc các cơ sở sản xuất đá sạch hoạt động hết công suất...



Cơ sở vật chất của nhiều cơ sở sản xuất nước đá không bảo đảm

Mất vệ sinh

Theo chỉ dẫn của bà chủ quán nước trên đường Bạch Đằng (TP Hải Dương), tôi tìm đến cơ sở sản xuất đá sạch nằm sâu trong hẻm nhỏ gần cầu Hồng Quang. Trong khuôn viên chật hẹp, bể làm đá được xây ngay cạnh cổng vào nhà. Trên nền đất nhớp nháp, trơn trượt, chủ nhà xoay trần, tay không bê từng khay đá chuyển sang một bể chứa.

Bể làm đá được xây đã lâu nên rêu xanh lan lên tường. Toàn bộ các khay làm đá đã hoen gỉ chất đống ở một góc tường. Đường ống dẫn nước làm đá vàng khè. Chẳng cần tráng qua các khay đá, chủ cơ sở sản xuất cứ thế đổ nước vào các khay rồi cho vào bể làm đá.

Thấy người hỏi mua đá, có vẻ như không muốn tiếp xúc với người lạ nên chủ cơ sở sản xuất đuổi khéo: “Tôi không bán đá tại xưởng. Cô có nhu cầu thì gọi điện, tôi sẽ cho nhân viên giao đến tận nơi. Số điện thoại đây, cô lưu lại có gì gọi nhân viên của tôi”. Qua tìm hiểu tôi được biết cơ sở sản xuất nước đá này không bán hàng tại nơi sản xuất mà chủ yếu để nhân viên đi giao hàng. Cơ sở này cũng chỉ giao cho những mối quen trên địa bàn TP Hải Dương.

Mục sở thị một vài cơ sở sản xuất đá viên “siêu sạch”, tôi nhận ra chuyện đá sạch có lẽ chỉ là quảng cáo. Chính người của những cơ sở sản xuất đá sạch cũng thừa nhận điều này. Anh Nguyễn Thiện D., nhân viên giao hàng của một cơ sở sản xuất nước đá ở chợ Giỗ, thị trấn Gia Lộc bật mí: “Sạch là do tự phong thôi. Nếu chứng kiến quy trình sản xuất thì người dùng khó có thể chấp nhận đó là đá sạch".

Anh D. cho biết nước làm đá gần như được các cơ sở lấy từ nước máy và không được lọc lại. Bể làm đá được xây bằng bê tông. Khay làm đá thì hoen gỉ. Những hôm nắng nóng, nhu cầu đá lạnh tăng cao, các viên đá còn bị đổ ngay xuống nền đất và được phủ lên một tấm chăn bông đen đúa. Sau đó mới được nhân viên đem đi giao hoặc gom vào bể chứa.

Từ nơi sản xuất, không ít những viên đá bẩn đã được nhân viên giao đến các quán nước giải khát. Khi đến đây, đá viên có thể tiếp tục bị nhiễm khuẩn nếu không được bảo quản cẩn thận. Ngồi một lúc tại một quán nước ở Quảng trường 30-10, tôi thấy chị chủ quán với đôi tay trần nhem nhuốc vừa róc mía, chặt dừa xong lại lập tức bốc đá cho vào cốc, rót nước mời khách.

Chị Nguyễn Thị Hoan, chủ quán vô tư bảo: "Những lúc đông khách, chúng tôi luôn tay phục vụ còn không kịp lấy đâu thời gian mà đi găng tay cho rườm rà, bất tiện”. Chứng kiến cảnh chị Hoan bốc đá bằng đôi tay nhem nhuốc cùng với quy trình sản xuất đá bẩn khiến tôi không khỏi rùng mình, lợm giọng khi nhớ lại những cốc nước mía mà tôi đã từng uống ở đây.

Thiếu an toàn

Theo bác sĩ Hoàng Thị Nga ở Khoa Khám bệnh dịch vụ (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), bằng mắt thường rất khó để nhận biết nước đá có sạch hay không. Bởi nước đá lạnh thường không màu, không mùi nên mắt thường không thể đánh giá được chất lượng như những loại thực phẩm khác. Nếu sản xuất theo dây chuyền không bảo đảm an toàn hoặc sử dụng nguồn nước chưa qua xử lý sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe.

Nhiều xét nghiệm đã chỉ ra, nước đá bẩn dễ nhiễm vi khuẩn E.coli, Coliforms, Feacal streptoccoc... Các loại vi khuẩn này có thể gây bệnh đường ruột, tiêu chảy cấp, một số loại có thể gây suy thận, nhiễm khuẩn đường huyết. Riêng vi sinh Pseudomonas aeruginosa (còn gọi là trực khuẩn mủ xanh) có trong nước đá “bẩn” nếu xâm nhập vào phổi, thận, đường tiết niệu... còn có thể gây tử vong.



Những túi đá sạch nhưng trên bao bì không  hề ghi địa chỉ sản xuất vẫn được nhiều quán nước giải khát sử dụng

Nguy hiểm cho sức khỏe như vậy nhưng việc kiểm soát hoạt động của các cơ sở sản xuất đá lạnh lại không dễ. Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, đến nay, toàn tỉnh mới có 18 cơ sở sản xuất đá lạnh được cấp giấy chứng nhận. Còn lại hầu hết các cơ sở đều hoạt động chui, không phép.

Đại diện chi cục này cho biết nhiều cơ sở sản xuất đá lạnh phục vụ giải khát nhưng lại viện lý do là sản xuất chỉ để ướp lạnh thực phẩm nên không chịu đăng ký kinh doanh.

Chất lượng đá của các cơ sở này rất khó kiểm soát. Đối với các cơ sở sản xuất đá sạch đã đăng ký, sau 6 tháng được cấp phép phải gửi kết quả đánh giá chất lượng nước đá về Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm. Định kỳ các cơ sở này lại được các cơ quan chức năng đến kiểm tra để đánh giá chất lượng sản phẩm.

Các tiêu chí về cơ sở vật chất, công nghệ sản xuất, người lao động đều được kiểm soát và kiểm tra thường xuyên. Tuy nhiên, với các cơ sở sản xuất đá lạnh “3 không” (không nguồn gốc, không bảo đảm vệ sinh, không tiêu chuẩn chất lượng) thì khó có thể bảo đảm các tiêu chuẩn để pha chế nước giải khát.

Nghị định 67/2016/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định rất rõ tiêu chuẩn đối với các cơ sở sản xuất đá tinh khiết. Cụ thể, nguồn nước phải được lấy từ độ sâu 90m và được xử lý qua hệ thống lọc thẩm thấu ngược, diệt vi khuẩn bằng tia cực tím.

Các bộ phận khuôn đá, dao cắt, bồn cấp nước, cối lạnh và gàu tải đá của hệ thống máy sản xuất nước đá viên tinh khiết đều phải làm bằng inox, không bị gỉ sét. Ngoài ra, yêu cầu tiêu chuẩn của đá tinh khiết, chất lượng nước làm đá phải đạt 40 tiêu chí về kim loại nặng, thành phẩm đá phải đạt 22 tiêu chí, trong đó có 6 tiêu chí về vi sinh vật.

Nếu căn cứ theo quy định này thì đa phần các cơ sở sản xuất đá tinh khiết hay đá sạch hiện nay trên địa bàn tỉnh khó có thể đạt được. Như vậy, nguy cơ nhiễm khuẩn vì nước đá bẩn sẽ luôn hiện hữu nếu các cơ quan chức năng không kiểm soát chặt chẽ và các cơ sở sản xuất không tuân thủ nghiêm các quy định.

HẢI MINH

Theo đại diện Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, người tiêu dùng có thể phân biệt đá sạch và bẩn qua các dấu hiệu sau: Thứ nhất, qua màu sắc. Từ bên ngoài, nếu thấy đá có màu hơi đục và có chứa nhiều bọt khí, có mùi lạ, thậm chí là còn tồn một số vật thể như nilon hay bụi bẩn thì đó đích thị là đá bẩn. Đá này có thể được sản xuất từ nguồn nước kém chất lượng. Đá tinh khiết thì ngược lại, chúng có màu sắc trong vắt như pha lê, không có mùi lạ hay cặn bẩn. Thứ hai, qua độ hòa tan. Đá tinh khiết thường hòa tan lâu hơn vì các thành phần được làm lạnh sâu nhờ cấu tạo chắc chắn của khối nước. Còn đá bẩn có lẫn nhiều tạp chất nên thời gian hấp thụ nhiệt của các phân tử khác nhau, liên kết giữa nước với nước lỏng lẻo hơn nên sẽ nhanh tan hơn.