Xây dựng "mỗi xã một sản phẩm". Bài 1: Tạo điểm tựa cho các làng nghề
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 05:56, 26/07/2017
Trong số 66 làng nghề tiểu thủ công nghiệp (TTCN) tại Hải Dương hiện nay, nhiều làng nghề làm ăn hiệu quả, tạo việc làm cho hàng vạn lao động.
Các hộ nấu rượu ở làng nghề rượu Phú Lộc vẫn làm theo kinh nghiệm cha truyền, con nối hoặc tự học hỏi lẫn nhau
Tự làm, tự bán
Làng nghề rượu Phú Lộc, xã Cẩm Vũ (Cẩm Giàng) hiện có khoảng 100 hộ sản xuất rượu theo phương pháp chưng cất truyền thống. Bình quân mỗi hộ sản xuất được từ 20 - 30 lít/ngày, mang lại thu nhập khá và ổn định cho các hộ làm nghề. Đã 11 năm kể từ khi làng rượu Phú Lộc được UBND tỉnh công nhận danh hiệu làng nghề, đến nay, các hộ nấu rượu vẫn theo kinh nghiệm cha truyền, con nối, hoặc tự học hỏi lẫn nhau. Việc tiêu thụ rượu chủ yếu do các hộ trong làng tự tìm thị trường.
Tương tự như vậy, các hộ làm nghề hương ở xã Quốc Tuấn (Nam Sách) cũng tự mày mò, rút kinh nghiệm để sản xuất, kinh doanh. Anh Vũ Thế Hoàng, chủ cơ sở sản xuất hương Hoàng Tuyết (thôn Trực Trì) đã tự sản xuất 2 sản phẩm mới là hương quấn nụ và hương sạch. Để làm được 2 loại này, anh đã tự nghiên cứu, pha chế ra nguyên liệu sản xuất hương từ 28 vị thuốc Bắc và thảo mộc giúp hương thơm nhưng ít khói. Cũng như một số hộ khác, anh Hoàng phải tự tìm thị trường, ký kết xuất khẩu sản phẩm sang một số nước khu vực Đông Nam Á, Nga và Hồng Kông mà chưa nhận được sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng. Do đó, sản phẩm hương xuất khẩu của anh Hoàng vẫn chưa nhiều.
Thừa nhận vai trò mờ nhạt của các cấp, các ngành trong hỗ trợ các làng nghề, ông Nguyễn Đức Thiện, Phó Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Nam Sách cho biết: Huyện hiện có 8 làng nghề được UBND tỉnh công nhận và đang làm thủ tục đề nghị UBND tỉnh công nhận thêm làng nghề sản xuất hương Tống Xá (xã Thanh Quang). Hiện nay, huyện chỉ hỗ trợ ban đầu cho các làng nghề đào tạo lao động. Sau khi được công nhận làng nghề thì gần như không có thêm chương trình hỗ trợ gì.
Nhiều năm nay, các hộ ở làng nghề đã quen với việc tự làm, tự bán... chứ không trông chờ vào sự hỗ trợ tìm kiếm thị trường tiêu thụ, kỹ thuật sản xuất hay kinh phí của các cấp, các ngành.
"Chúng tôi mong muốn các làng nghề của Nam Sách được chuyển ra điểm sản xuất TTCN riêng để thuận lợi trong sản xuất, tiêu thụ, cũng như khắc phục được tình trạng ô nhiễm môi trường, làm ăn manh mún, lạc hậu. Tuy nhiên, ngôi nhà chung cho các làng nghề của Nam Sách hiện vẫn khó xây do địa phương chưa bố trí được quỹ đất", ông Thiện cho biết.
Không chỉ riêng huyện Nam Sách, các làng nghề ở các địa phương khác cũng hầu như chưa được hỗ trợ đào tạo nghề, đầu tư khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm. Người dân đều phải "tự bơi" trong quá trình sản xuất, tiêu thụ.
Cần chính sách đồng bộ khuyến khích phát triển
Nhiều làng nghề đang gặp khó trong sản xuất
Hằng năm, Trung tâm Khuyến công và phát triển công nghiệp (Sở Công thương) đều trích một phần kinh phí để hỗ trợ các doanh nghiệp TTCN trong các làng nghề. Tuy nhiên, số kinh phí hỗ trợ không nhiều. Việc tổ chức các chương trình như bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu hay danh hiệu nghệ nhân làng nghề chưa đủ để giúp các làng nghề phát triển hiệu quả. Theo đại diện Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Cẩm Giàng, trước hết, các cấp, các ngành cần dành nguồn kinh phí khuyến công lớn hơn nữa để hỗ trợ thường xuyên cho nhiều hộ sản xuất tại các làng nghề. Thủ tục vay vốn phục vụ phát triển làng nghề cần thông thoáng hơn, có lãi suất ưu đãi, tạo điều kiện để các làng nghề đầu tư máy móc, mở rộng sản xuất hiệu quả, bảo đảm vệ sinh môi trường. Ngoài ra, cần hỗ trợ các làng nghề quảng bá, xây dựng thương hiệu; hỗ trợ người dân ứng dụng khoa học - kỹ thuật phục vụ sản xuất...
Song song với xây dựng nông thôn mới, các địa phương trong tỉnh cần nghiên cứu quy hoạch các điểm sản xuất TTCN để giúp các làng nghề có nơi làm ăn thuận lợi. Ở đó các làng nghề có đủ các điều kiện về mặt bằng, thuận lợi về giao thông để tổ chức các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm gắn với phát triển du lịch làng nghề. Những chính sách hỗ trợ hiệu quả và đồng bộ sẽ giúp các làng nghề có điểm tựa vững chắc để phát triển.
TIẾN HUY Theo báo cáo "Nông nghiệp Hải Dương, tiềm năng và cơ hội đầu tư" tại hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp và xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn tỉnh Hải Dương năm 2017 của UBND tỉnh, Hải Dương hiện có tất cả 66 làng nghề TTCN được công nhận. Các làng nghề thu hút và giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 31.500 lao động. Có 15.616 cơ sở với 15.488 hộ và 128 doanh nghiệp trong các làng nghề làm nghề TTCN. Hằng năm, giá trị sản xuất làng nghề đạt trên 2.300 tỷ đồng.