Lúng túng trước tự chủ

Lao động - Việc làm - Ngày đăng : 06:29, 27/07/2017

Nhiều đơn vị đang lo lắng trước khi chuyển sang loại hình tự bảo đảm chi thường xuyên do lúng túng trong việc tạo nguồn thu và một số nguyên nhân khác...



Theo Đề án 03, Thư viện tỉnh sẽ thực hiện tự chủ chi thường xuyên từ năm 2018. Ảnh: Mai Anh


Bên cạnh nhiều đơn vị coi việc chuyển sang loại hình tự bảo đảm thu, chi là cơ hội để phát triển, thì cũng có một số cơ quan, đơn vị đang băn khoăn, lúng túng khi phải đối diện với chủ trương này.

Chưa sẵn sàng

Bà Phạm Hương Lan, Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý (Sở Tư pháp), một trong 49 đơn vị sự nghiệp sẽ phải chuyển sang loại hình tự bảo đảm chi thường xuyên trong năm 2018 cho rằng việc thực hiện lộ trình Đề án 03 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về "Sắp xếp lại tổ chức bộ máy gắn với tinh giản biên chế trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tỉnh giai đoạn 2016-2021" là bắt buộc, nhưng sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Theo bà Lan, Trung tâm Trợ giúp pháp lý là đơn vị hoạt động đặc thù với 100% dịch vụ trợ giúp pháp lý miễn phí theo Luật Trợ giúp pháp lý. Với tổng số 18 cán bộ, nhân viên, mỗi năm trung tâm chi thường xuyên hơn 2 tỷ đồng hoàn toàn từ nguồn ngân sách. Trung tâm không có bất cứ nguồn thu nào khác ngoài nguồn ngân sách cấp. Bà Lan cho rằng chỉ nên áp dụng việc rà soát, tính định mức kinh tế - kỹ thuật, giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước, sau đó, Nhà nước thực hiện việc khoán cho trung tâm theo hình thức ký hợp đồng. Nếu thực hiện cơ chế này thì trung tâm mới có nguồn để duy trì hoạt động.   

Cũng nằm trong số các đơn vị sẽ chuyển đổi sang loại hình tự bảo đảm chi thường xuyên, cán bộ Thư viện tỉnh đang băn khoăn chưa biết sẽ phải thực hiện việc chuyển đổi thế nào. Theo Giám đốc Đinh Xuân Quyện, Thư viện tỉnh chưa thể tự bảo đảm chi thường xuyên vì chỉ riêng khoản chi lương và các khoản liên quan đến lương của đơn vị hằng năm đã lên đến gần 2,5 tỷ đồng. Hiện  nay, tuy rất cố gắng, nhưng Thư viện tỉnh mới chỉ có thể bảo đảm được mức thu thêm khoảng 500 triệu đồng/năm từ các nguồn thu phí, lệ phí, cho thuê địa điểm kinh doanh các dịch vụ khác. Với 30 cán bộ và kinh phí hoàn toàn trông chờ từ nguồn ngân sách khoảng 4 tỷ đồng/năm, ông Quyện cho biết nếu thực hiện lộ trình chuyển đổi, đơn vị chưa biết phải tính toán ra sao.

Tương tự, một số đơn vị hoạt động công ích xã hội, phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh đều lo lắng nếu chuyển đổi sang loại hình tự chủ. Từ nhiều năm nay, nguồn thu khoảng 100 triệu đồng mỗi năm của Nhà hát Chèo tỉnh bước đầu mới chỉ đủ bồi dưỡng thêm cho cán bộ, diễn viên sau các buổi biểu diễn. Theo ông Bùi Quang Toàn, Giám đốc Nhà hát Chèo tỉnh, nếu thực hiện việc chuyển đổi, khó khăn sẽ chồng chất hơn vì đơn vị không có nguồn để đào tạo, bồi dưỡng lớp kế cận... Chèo là bộ môn nghệ thuật cổ truyền đặc thù, ông Toàn lo lắng chỉ vì eo hẹp kinh phí, có thể 5-10 năm nữa sẽ thiếu vắng các thế hệ diễn viên trẻ; chất lượng tập luyện cũng khó bảo đảm...

Cá biệt, có đơn vị nằm trong danh sách chuyển đổi sang loại hình tự bảo đảm chi thường xuyên nhưng vẫn chưa biết đề án đã ban hành. Có lãnh đạo đơn vị khẳng định nếu chuyển đổi, đơn vị có khả năng sẽ giải thể vì không thể tự bảo đảm chi, dù là chi thường xuyên.  

Cần quyết tâm cao



Thời gian qua, nguồn thu của Nhà hát Chèo tỉnh mới chỉ đủ để bồi dưỡng thêm


Đề án 03 được Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ cho xã hội, khai thác và sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất hiện có; từng bước đổi mới phương thức quản lý tài chính theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm; đa dạng hóa các hình thức sở hữu... Theo đó, cùng với chuyển đổi nhiều đơn vị sự nghiệp sang loại hình tự bảo đảm chi thường xuyên (tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư) sẽ có nhiều đơn vị được sáp nhập, sắp xếp lại tổ chức bộ máy.

Trên thực tế, việc chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập nhằm tăng nguồn thu sự nghiệp, giảm bớt phụ thuộc vào ngân sách nhà nước đã được thực hiện từ nhiều năm trước và đã mang lại hiệu quả. Toàn tỉnh hiện đã có 24 đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên, 690 đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên. Một số lĩnh vực, nhiệm vụ của các đơn vị sự nghiệp công lập được xã hội hóa đã bảo đảm chất lượng, hiệu quả trong cung cấp các dịch vụ công và phù hợp với lộ trình cải cách hành chính nhà nước.

Lường trước những khó khăn có thể phát sinh trong quá trình chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã yêu cầu các sở, ban, ngành cùng vào cuộc với từng phần việc cụ thể nêu rõ trong đề án. Theo đó, giao UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nội vụ chủ trì phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh ủy xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy gắn với tinh giản biên chế trong các đơn vị sự nghiệp công lập; phối hợp với Sở Tài chính xác định lộ trình cụ thể từng năm về tự chủ kinh phí; đồng thời, cụ thể hóa mục tiêu của đề án, hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện. Lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; thủ trưởng các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND tỉnh; chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố nghiêm túc tổ chức triển khai thực hiện đề án.

Việc "cai sữa" ngân sách chắc chắn sẽ rất khó khăn, nhưng cần có sự vào cuộc quyết liệt, năng động và sáng tạo từ chính các đơn vị sự nghiệp công lập, từ đó giúp từng đơn vị có thể vươn lên tự đứng vững bằng chính đôi chân của mình.

LINH AN

Theo Đề án 03 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về "Sắp xếp lại tổ chức bộ máy gắn với tinh giản biên chế trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tỉnh giai đoạn 2016-2021", từ năm 2017, triển khai thí điểm chuyển sang loại hình tự bảo đảm chi thường xuyên đối với Trường THCS Lê Quý Đôn. Năm 2018 sẽ tổng kết, triển khai nhân rộng đối với các trường THCS chất lượng cao cấp huyện. Cũng trong năm 2018, toàn tỉnh sẽ thực hiện chuyển đổi 49 đơn vị sự nghiệp sang loại hình tự bảo đảm chi thường xuyên, 5 đơn vị thực hiện tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư. Các năm 2019 - 2020, sẽ tiếp tục chuyển đổi các đơn vị khác.