Không để người dân đơn phương chống "cát tặc"

Bạn đọc viết - Ngày đăng : 10:31, 28/07/2017

Việc lập chốt tại những "điểm nóng" KTCTP cũng sẽ phòng ngừa được việc người dân quá khích dẫn đến những hành vi nguy hiểm đến tính mạng và vi phạm pháp luật.



Trục vớt tàu khai thác cát bị chìm trên sông Thái Bình đoạn qua thôn Tân Thắng, xã Thái Tân


Những ngày qua, lực lượng chức năng huyện Nam Sách phải rất vất vả để trục vớt chiếc tàu khai thác cát bị chìm trên sông Thái Bình đoạn qua thôn Tân Thắng, xã Thái Tân (Nam Sách) phục vụ công tác điều tra, xử lý. Ðây là lần thứ ba kể từ năm 2016 đến nay, tàu khai thác cát trái phép (KTCTP) trên sông Thái Bình bị người dân thôn Tân Thắng bắt giữ và bị chìm.

Những năm qua, Hải Dương có nhiều vụ việc người dân tự mình đấu tranh với "cát tặc" đầy cam go, nguy hiểm. Thậm chí, có người đã phải đổ máu, mất mạng vì cố giữ ruộng của mình. Ngày 16.8.2011, tại thôn Tri Lễ, xã Hà Thanh (Tứ Kỳ), khi cùng người dân bơi thuyền ra xua đuổi "cát tặc" trên sông Luộc, anh Vũ Văn Trường (sinh năm 1974) bị một số đối tượng trên tàu dùng gạch, đá, cây sào đánh bị thương, ngã xuống sông chết. Cũng tại khúc sông trên, ngày 25.4.2014, anh Vũ Văn Kiên (sinh năm 1976) bị "cát tặc" ném thẳng một chiếc tay quay máy nổ vào đầu làm anh gục ngay trên thuyền, vỡ hộp sọ, rạn xương quai hàm. Ngày 31.7.2015, hàng nghìn cây sưa đỏ của gia đình anh Nguyễn Văn Sơn (trú tại xã Lê Ninh, Kinh Môn) bị chặt phá, anh Sơn nghi do "cát tặc" trả thù...

Vì sao người dân phải đơn độc đấu tranh với “cát tặc” như vậy mà không thấy bóng dáng lực lượng chức năng hỗ trợ?

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, tháng 10.2016, Công an tỉnh đã triển khai Ðề án phòng chống KTCTP trên địa bàn tỉnh. Trong 6 tháng đầu năm nay, lực lượng công an phối hợp với các cơ quan chức năng đã bắt giữ 191 lượt tàu vi phạm, xử phạt hành chính hơn 4,3 tỷ đồng. So với trước đây, công tác xử lý "cát tặc" đã được thực hiện quyết liệt hơn, số trường hợp vi phạm bị xử lý cũng tăng cao. Tuy nhiên, tỉnh ta có đường sông dài trong khi lực lượng chức năng, nhất là cảnh sát đường thủy mỏng khiến việc phát hiện, xử lý "cát tặc" khó khăn. Nhiều trường hợp người dân phản ánh, thông tin về việc KTCTP nhưng lực lượng chức năng đến nơi thì tàu hút cát đã bỏ chạy. Vì vậy, nhiều trường hợp người dân vẫn phải tự tập hợp lực lượng để đấu tranh với “cát tặc”, bảo vệ ruộng đất, hoa màu của mình.  Nếu tình trạng này kéo dài, không có vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền địa phương không cẩn thận sẽ dẫn đến việc người dân quá khích, gây mất an ninh trật tự, thậm chí vi phạm pháp luật.

Thực tế trên địa bàn tỉnh hoạt động khai thác cát không trải khắp các tuyến sông mà tập trung ở những khu vực, khúc sông nhất định,  hình thành nên những "điểm nóng" về KTCTP, tập trung nhiều ở các huyện Nam Sách, Thanh Hà, Kinh Môn, Tứ Kỳ, Chí Linh.

Tại Kỳ họp thứ tư HÐND tỉnh khóa XVI vừa qua, kết luận về vấn đề xử lý KTCTP, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HÐND tỉnh Nguyễn Mạnh Hiển đã yêu cầu lực lượng công an "cắm chốt" tại những khu vực thường xuyên xảy ra tình trạng KTCTP. Căn cứ vào thực tế hiện nay thì việc sớm hiện thực chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy chính là biện pháp hữu hiệu trong ngăn chặn nạn "cát tặc". Cách làm trên sẽ nâng cao trách nhiệm của lực lượng chức năng trực tiếp làm nhiệm vụ và chính quyền các địa phương có tình trạng KTCTP. Qua đó, việc kiểm điểm trách nhiệm các địa phương, đơn vị để "cát tặc" ngang nhiên hoạt động cũng sẽ nghiêm túc, cụ thể hơn. Một dẫn chứng hiệu quả của phương án trên, đó là nhằm đấu tranh triệt để với "cát tặc", thị xã Tân Uyên (Bình Dương) đã cho gắn nhiều camera trên các khúc sông, tại các điểm nóng để giám sát 24/24 giờ. Sau đó, tình trạng KTCTP trên địa bàn giảm tới 90%.

Việc lập chốt tại những "điểm nóng" KTCTP cũng sẽ phòng ngừa được việc người dân quá khích dẫn đến những hành vi nguy hiểm đến tính mạng và vi phạm pháp luật.

HOÀNG LONG(Nam Sách)