Phát triển thương hiệu hàng Việt: Doanh nghiệp vươn lên làm chủ “sân nhà”

Công nghiệp - Ngày đăng : 06:21, 12/08/2017

Các doanh nghiệp cần chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm và tạo được sự liên kết giữa sản xuất với phân phối...



Để cạnh tranh với thạch rau câu của Trung Quốc, Công ty TNHH Long Hải từng phải bán hàng
không lợi nhuận để giành lại thị phần

Không ít sản phẩm, hàng hóa của Hải Dương đã được vinh danh là hàng Việt Nam chất lượng cao. Ðể có vinh dự này, các doanh nghiệp của tỉnh đã không ngừng nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm, gìn giữ và phát triển thương hiệu để chinh phục người tiêu dùng ngay ở thị trường trong nước.

Chú trọng chất lượng

Năm 2004, thạch rau câu Trung Quốc tràn vào Việt Nam. Sản phẩm của Trung Quốc có giá bán rẻ như cho khiến thạch rau câu của Công ty TNHH Long Hải ế ẩm. Sản lượng bán ra sụt giảm đáng kể, sản xuất bị đình trệ. Thay vì chùn bước, với số vốn tích lũy trước đó, doanh nghiệp này đã dốc hết hầu bao đầu tư mở rộng quy mô nhà xưởng, lắp đặt trang thiết bị sản xuất tự động, khép kín theo tiêu chuẩn châu Âu. “Không ít người  nghi ngại và cho rằng chúng tôi đã làm chuyện ngược đời. Nhưng lúc đó tôi nghĩ khác. Tăng năng lực sản xuất sẽ giúp công ty giành lại thị phần đã mất. Ðể cạnh tranh, thời điểm đó, doanh nghiệp chấp nhận bán hàng không lợi nhuận. Thạch rau câu của Long Hải được giảm giá xuống thấp bằng với sản phẩm của Trung Quốc, nhưng chất lượng lại hơn hẳn. Người tiêu dùng dần quay lại mua thạch rau câu Long Hải. Một thời gian sau, thạch rau câu Trung Quốc bị tẩy chay và nhường chỗ cho thạch rau câu Long Hải”, ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Long Hải kể. Ðiều này cho thấy muốn gìn giữ được thương hiệu Việt, cạnh tranh với sản phẩm nhập ngoại, doanh nghiệp cần coi trọng chất lượng sản phẩm và phải làm chủ được trên sân nhà.

Lý giải vì sao sản phẩm bánh đậu xanh của Công ty CP Thương mại Rồng vàng Minh Ngọc được người tiêu dùng bình chọn là hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2017, bà Thái Thị Vân Anh, đại diện công ty cho rằng chất lượng sản phẩm là yếu tố đầu tiên giúp bánh đậu xanh Minh Ngọc chinh phục thị trường. Sản phẩm được làm ra từ những nguyên liệu bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Khi được nhiều người tiêu dùng tin tưởng, Minh Ngọc mới chú trọng đến chiến lược mở rộng thị trường, xây dựng thương hiệu sản phẩm. Đến nay, sản phẩm bánh đậu xanh Minh Ngọc đã được phân phối tại hầu khắp các địa phương trong cả nước. Nhiều sản phẩm của Minh Ngọc được bày bán ở siêu thị. “Quan trọng là sản phẩm luôn cạnh tranh được với sản phẩm của doanh nghiệp khác trong nước và sản phẩm nhập ngoại”, bà Vân Anh nói.

 Theo khảo sát mới nhất của Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) tại 12 tỉnh, thành phố trong cả nước về xu hướng lựa chọn hàng Việt, có đến hơn 70% số người tiêu dùng cho biết chất lượng là yếu tố hàng đầu để họ lựa chọn hàng Việt thay vì mua các loại hàng hóa nhập khẩu. Ðiều này cho thấy chất lượng mới là yếu tố hàng đầu để hàng Việt thống lĩnh thị trường.

Liên kết

Ðể hàng Việt có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, doanh nghiệp trong nước nói chung và doanh nghiệp Hải Dương nói riêng cần thay đổi để cạnh tranh và tồn tại. Doanh nghiệp cần đầu tư nâng cấp máy móc, áp dụng khoa học-kỹ thuật hiện đại để giảm chi phí sản xuất, hạ giá bán sản phẩm; đồng thời phải quan tâm nâng cao chất lượng sản phẩm. Theo nhận định của ông Bùi Ðức Toàn, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ và sản xuất Ðức Minh Hoàng (Gia Lộc) thì thói quen lấy giá bán làm yếu tố chính để cạnh tranh là chiến lược sai lầm của nhiều doanh nghiệp Việt. Bởi chất lượng hàng hóa mới là yếu tố cạnh tranh lâu bền. Giá bán thấp nhưng chất lượng không bảo đảm thì về lâu dài sẽ bị người tiêu dùng tẩy chay. Vì thế doanh nghiệp cần tính toán để sản phẩm có chất lượng nhưng  giá bán hợp lý.



Các doanh nghiệp trao đổi kinh nghiệm hợp tác phát triển chuỗi cung ứng hàng Việt do BNI
(tổ chức kết nối thương mại của các doanh nghiệp) Hải Dương tổ chức

“Ðể tăng sức cạnh tranh cho hàng Việt, doanh nghiệp không thể cô đơn đi một mình”, là nhận định của ông Lưu Ðức Trung, Giám đốc Công ty TNHH Ðiện cơ Trần Hưng Ðạo (Bình Giang). Theo ông Trung, hàng Việt có thực sự thu hút được khách hàng hay không phụ thuộc rất nhiều vào nhà phân phối. Do đó, doanh nghiệp Việt cần dành những chính sách ưu đãi đối với các nhà phân phối. Hiện nay, đa phần các doanh nghiệp trong nước quy mô sản xuất còn nhỏ, gia nhập thị trường khó khăn. Vì vậy, doanh nghiệp Việt cần liên kết, hợp tác sản xuất sản phẩm và tìm thị trường tiêu thụ. Ngoài ra, cần có chiến lược sản xuất, kinh doanh trung hạn, dài hạn với định hướng khai thác tối đa thị trường nội địa. Hình thành mối liên kết, liên doanh giữa sản xuất với phân phối để người tiêu dùng có thể tiếp cận được sản phẩm một cách nhanh nhất, mua và sử dụng sản phẩm tốt với chi phí hợp lý nhất.

HẢI MINH