Tư vấn trực tuyến "Quyết liệt phòng chống dịch sốt xuất huyết"
Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 14:00, 17/08/2017
Để nâng cao nhận thức cho người dân về cách phòng chống, nhận biết các triệu chứng và điều trị bệnh sốt xuất huyết, từ 14 - 16 giờ ngày 17.8, Báo điện tử Hải Dương tổ chức tư vấn trực tuyến với chủ đề "Quyết liệt phòng chống dịch sốt xuất huyết". Khách mời là ông Nguyễn Đình Thực, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh.
NỘI DUNG CUỘC TƯ VẤN TRỰC TUYẾN
Hỏi:Năm nay, dịch bệnh sốt xuất huyết bùng phát mạnh, theo ông do chu kỳ, thời tiết hay yếu tố nào khác?
Bác sĩ Nguyễn Đình Thực: Về dịch sốt xuất huyết Dengue có chu kỳ. Năm nay thời tiết thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết, muỗi truyền bệnh chủ yếu là muỗi Aedes Aegypti và Aedes albopictus sinh sôi và phát triển. Bên cạnh đó, việc giao lưu giữa các vùng miền tạo điều kiện mầm bệnh từ nơi có dịch (miền Nam) phát tán và bùng phát thành dịch.
Hỏi:Là địa phương gần với Hà Nội - nơi dịch bệnh đang bùng phát rất mạnh, tỉnh ta có biện pháp gì để phòng chống bệnh đặc biệt ở các bến tàu, bến xe?
Bác sĩ Nguyễn Đình Thực: Hải Dương là tỉnh tiếp giáp trực tiếp với Hà Nội, việc người bệnh từ vùng dịch trở về Hải Dương là điều không thể tránh khỏi (con em sinh sống, học tập ở Hà Nội khi bị mắc bệnh thường trở về Hải Dương để điều trị). Để chủ động phòng chống sốt xuất huyết, ngay từ đầu năm Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch tham mưu cho Sở Y tế trình UBND tỉnh kế hoạch phòng chống dịch năm 2017.
Trong tháng 7.2017 cũng đã tham mưu để Sở Y tế trình UBND tỉnh kế hoạch tăng cường phòng chống sốt xuất huyết. Sở Y tế đã ban hành nhiều công văn hướng dẫn, chỉ đạo chuyên môn cho các đơn vị y tế trong ngành trong việc chủ động điều tra, giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc và nghi mắc sốt xuất huyết. Chỉ đạo các cơ sở điều trị sẵn sàng thuốc, trang thiết bị, phương tiện, bố trí các khu điều trị để sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân. Bên cạnh đó, đã tổ chức tập huấn kiến thức chuyên môn về phòng chống sốt xuất huyết cho 100% các cơ sở y tế trên địa bàn.
Hỏi:Chúng ta đã kiểm soát nhiều dịch bệnh rất tốt, nhưng năm nay, SXH lại có diễn biến khó lường. Ngành y tế vào cuộc từ rất sớm nhưng vì sao mà dịch bệnh vẫn chưa kiểm soát được?
Như vậy để chủ động phòng chống, các cơ sở y tế đã chủ động giám sát chặt chẽ các trường hợp mắc và nghi mắc sốt xuất huyết; giám sát chỉ số muỗi, bọ gậy tại khu vực nhà của bệnh nhân nghi mắc; chủ động xử lý diệt muỗi trưởng thành bằng hóa chất tại các hộ liền kề nhà bệnh nhân. Đến thời điểm này tình hình dịch sốt xuất huyết vẫn trong tầm kiểm soát.
Hỏi:Thưa bác sĩ Thực, gia đình tôi hiện nay rất lo lắng trước tình hình dịch bệnh. Xin bác sĩ có thể cho biết những triệu chứng điển hình của SXH và hiện nay có thể đi khám SXH tại những cơ sở y tế nào để yên tâm phát hiện sớm ra bệnh?
Bác sĩ Nguyễn Đình Thực: Triệu chứng điển hình của sốt xuất huyết:
- Người nghi ngờ sống hoặc đến từ vùng có ổ dịch hoặc lưu hành sốt xuất huyết trong vòng 14 ngày có biểu hiện sốt cao đột ngột, liên tục từ 2-7 ngày và có 2 trong các dấu hiệu sau:
+ Biểu hiện xuất huyết ở nhiều mức độ khác nhau như chấm mảng xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng, chảy máu cam.
+ Nhức đầu, chán ăn, buồn nôn, nôn.
+ Da xung huyết phát ban.
+ Đau cơ, đau khớp, nhức mỏi hai mắt.
+ Đau bụng vùng gan hoặc ấn đau vùng gan.
Khi có dấu hiệu như trên nên đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn khám và điều trị.
Hỏi:Sáng nay, tôi bị muỗi vằn đốt. Tôi đập được nó rồi giờ cứ ngứa tại vết đốt. Tôi có cần xét nghiệm SXH không?
Bác sĩ Nguyễn Đình Thực: Bạn nên theo dõi trong vòng 14 ngày, nếu thấy xuất hiện sốt cao đột ngột và có các triệu chứng vừa nêu thì đến cơ sở y tế để khám. Tuy nhiên, bạn không nên quá lo lắng vì con muỗi đốt bạn nếu bị nhiễm virus Dengue thì mới có nguy cơ truyền bệnh sốt xuất huyết cho bạn.
Hỏi:Con tôi được chẩn đoán theo dõi SXH ngày 2. Bé ăn uống rất ít, người ngoài lúc sốt cao thì người lúc nào cũng âm ấm? Bác sĩ tư vấn cho tôi?
Bác sĩ Nguyễn Đình Thực: Đặc điểm của sốt xuất huyết là sốt cao liên tục, khi cắt sốt mới xuất huyết. Việc con bạn được cơ sở y tế chẩn đoán theo dõi sốt xuất huyết nhằm mục đích chủ động phát hiện sớm các trường hợp mắc và nghi mắc. Bạn nên đưa con đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh (Khoa Truyền nhiễm) để làm xét nghiệm chẩn đoán xác định.
Hỏi:Khi bị mắc sốt xuất huyết mà không phải nằm viện thì cách chăm sóc theo dõi trẻ, người bị sốt xuất huyết tại nhà an toàn, hiệu quả. Những biệu hiện nào cần đưa vào viện ngay? Trong gia đình có người mang bầu có phun được thuốc diệt muỗi không? Dùng hương muỗi được không?
Bác sĩ Nguyễn Đình Thực:Đã mắc sốt xuất huyết phải đến cơ sở y tế điều trị, không được phép tự điều trị ở nhà. Đặc biệt không được dùng thuốc Aspirin để hạ sốt.
Việc sử dụng hóa chất diệt muỗi trưởng thành là biện pháp cần thiết trong phòng chống dịch. Các thuốc sử dụng trong diệt muỗi trưởng thành đều được phép lưu hành của Bộ Y tế và bảo đảm an toàn đối với sức khỏe của người dân (kể cả trẻ em và phụ nữ có thai). Tuy nhiên, việc phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành phải tuân thủ đúng theo quy định của Bộ Y tế.
Hỏi: Khu ở trọ chỗ chúng em rất nhiều muỗi. Một mình mình sạch cũng không thể nào bảo đảm mình không bị muỗi đốt. Em thấy hình như người dân nhất là các chủ nhà trọ rất thờ ơ với dịch sốt xuất huyết. Giờ chúng em phải tự bảo vệ bản thân mình như thế nào?
Bác sĩ Nguyễn Đình Thực:Để chủ động phòng chống sốt xuất huyết, việc tổ chức làm sạch môi trường, diệt lăng quăng/bọ gậy là điều cần thiết để phòng tránh muỗi đốt "không có bọ gậy, không có sốt xuất huyết".
Vì vậy, bạn nên cùng mọi người tổ chức tổng vệ sinh môi trường, loại bỏ tất cả các dụng cụ chứa nước không cần thiết nơi có bọ gậy sinh sống, thau rửa bể chứa nước 1 tuần/lần (mỗi lần thau rửa nên kỳ cọ sạch sẽ xung quanh để loại trừ bọ gậy bám ở thành).
Bạn có thể sử dụng các biện pháp xua đuổi muỗi như hương muỗi, tinh dầu sả... tránh muỗi đốt bằng cách nằm ngủ phải mắc màn kể cả buổi trưa (tránh muỗi đốt ở các thời điểm: buổi sáng từ 6-8 giờ, buổi chiều từ 17-18 giờ).
Hỏi: Tôi xin hỏi bác sĩ, muỗi truyền bệnh SXH có gì đặc biệt hơn muỗi thông thường và nó thường sinh sống ở đâu? Loại muỗi thường có truyền bệnh SXH hay không?
Bác sĩ Nguyễn Đình Thực:Muỗi truyền bệnh chủ yếu là muỗi Aedes Aegypti và Aedes albopictus (người dân thường gọi muỗi vằn hay muỗi hoa). Muỗi thường sinh sống ở trong nhà (Aedes Aegypti), xung quanh các hộ gia đình (Aedes albopictus). Thời điểm muỗi hoạt động buổi sáng từ 6-8 giờ, buổi chiều từ 17-18 giờ.
Muỗi Aedes Aegypti - nguồn gây bệnh sốt xuất huyết
Muỗi Aedes khi đốt người (nguồn bệnh) thì có khả năng truyền bệnh sau 6-8 ngày và truyền bệnh suốt đời. Tuy nhiên, chỉ có muỗi cái mới truyền bệnh và đời sống của muỗi cái có thể kéo dài tới 34 ngày. Muỗi Aedes Aegypti thường gây dịch lớn. Muỗi Aedes có đặc điểm khi phát hiện mồi thì bay rất nhanh, theo dai dẳng, chỉ rời con mồi khi hút máu no.
Hỏi: Biện pháp phòng chống dịch SXH hiệu quả nhất là gì thưa bác sĩ?
Bác sĩ Nguyễn Đình Thực:Biện pháp phòng chống dịch sốt xuất huyết tốt nhất là phát động tổng vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, lăng quăng, "không có bọ gậy, không có sốt xuất huyết", với sự tham gia của các ban ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội và toàn thể người dân và việc này phải duy trì hằng tháng.
Hỏi: Tôi chưa rõ SXH và sốt virus có khác nhau không và cách phân biệt về triệu chứng lâm sàng như thế nào? Sốt xuất huyết thường kéo dài bao lâu và mức độ nguy hiểm của nó so với các loại sốt khác như thế nào thưa bác sĩ Thực?
Bác sĩ Nguyễn Đình Thực:Sốt xuất huyết cũng là sốt do virus, tuy nhiên sốt xuất huyết có biểu hiện sốt cao đột ngột liên tục kéo dài từ 2-7 ngày. Sau khi hết sốt thường có nguy cơ biến chứng gây sốc và dẫn đến tử vong rất cao. Các trường hợp mắc sốt xuất huyết thường gây ra giảm tiểu cầu, thoát huyết tương cô đặc hematocrit, dẫn đến sốc và tử vong.
Hỏi: Nhiều người khi thấy con sốt là cho uống hạ sốt, nhất là kiểu hạ sốt phối hợp có Ibuprofen. Theo bác sĩ, với SXH mà cho uống hạ sốt sẽ nguy hiểm như thế nào?
Bác sĩ Nguyễn Đình Thực:Khi con sốt mà chưa có chẩn đoán rõ ràng thì các bậc cha mẹ nên đưa con đến các cơ sở y tế để được khám và hướng dẫn. Không nên tự điều trị vì có thể có các tác dụng không mong muốn do thuốc gây ra.
Hỏi: Có nhiều sai lầm trong cách điều trị SXH. Ví dụ tôi thấy khu nhà tôi nhiều người bị sốt không rõ lý do cũng cho đi truyền nước trong khi tôi thấy được tuyên truyền là truyền nước, truyền đạm sẽ rất nguy hiểm nếu bị mắc SXH. Là bác sĩ chuyên khoa truyền nhiễm, ông có thể chỉ rõ những điểm sai lầm để người dân chúng tôi tìm hiểu và tìm cách phòng bệnh?
Bác sĩ Nguyễn Đình Thực:Khi nghi ngờ mắc sốt xuất huyết không nên tự ý truyền dịch. Khi được chẩn đoán mắc sốt xuất huyết, việc truyền dịch phải được thực hiện theo phác đồ của Bộ Y tế.
Hỏi:Tôi bị sốt đến ngày thứ 4 thì ngắt sốt 2 ngày, sau đó sốt lại và còn bị choáng, sau đó tôi bị ngứa ngáy khắp người, gãi có nổi ửng đỏ khu vực tay, chân. Đó có phải là triệu chứng mắc SXH không thưa bác sĩ?
Bác sĩ Nguyễn Đình Thực: Muốn chẩn đoán sốt xuất huyết phải có xét nghiệm của cơ sở y tế để khẳng định. Các triệu chứng độc giả nêu chưa đủ yếu tố để xác định nghi mắc sốt xuất huyết. Đề nghị độc giả đến cơ sở y tế để được tư vấn.
Hỏi: Bác sĩ có thể phân tích giúp người dân về số ca mắc SXH đột biến so với mọi năm như thế nào? Tôi nghe nói năm nay có sự biến đổi về chủng, tuýp gây bệnh.
Bác sĩ Nguyễn Đình Thực:Sốt xuất huyết có 4 tuyp từ den 1 - den 4. Việc xác định tuyp gây bệnh do các viện các đủ trang thiết bị kỹ thuật để định tuyp. Hiện nay Hải Dương chưa thực hiện được kỹ thuật này. Tuy nhiên, một người khi mắc bệnh một tuyp thì có miễn dịch suốt đời nhưng không có miễn dịch với tuyp chéo. Và khi mắc lần 2 thường nặng hơn lần 1.
Hỏi:Xin hỏi ngành y tế tỉnh đã chuẩn bị thế nào trong công tác điều trị nếu dịch bệnh SXH bùng phát mạnh? Khi bị mắc thì điều trị ở đâu thưa bác sĩ?
Bác sĩ Nguyễn Đình Thực: Trong kế hoạch phòng chống dịch năm 2017 của Ban chỉ đạo tỉnh, tất cả các cơ sở điều trị sẵn sàng cơ số thuốc, trang thiết bị, khu vực điều trị để tiếp nhận bệnh nhân. Các trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết độ 1, độ 2 điều trị tại y tế tuyến cơ sở (trạm y tế, bệnh viện tuyến huyện); từ độ 3 và nặng trở lên điều trị tại Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Hỏi:Tôi nghe nói đã có một trường hợp bị xảy thai do mắc sốt xuất huyết ở Hà Nội. Vậy người có thai ở thời kỳ nào của thai kỳ mắc bệnh sốt xuất huyết là nguy hiểm nhất? Lúc đó bệnh nhân phải làm gì để an toàn sức khỏe cho cả mẹ và bé?
Bác sĩ Nguyễn Đình Thực: Theo tổng hợp của Cục Y tế dự phòng, đến thời điểm này cả nước có hơn 88.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 24 trường hợp tử vong, riêng Hà Nội có 7 trường hợp tử vong, trong đó có 1 thai phụ mang thai 26 tuần tuổi bị sảy thai. Mọi sản phụ khi mắc sốt xuất huyết đều có nguy cơ sảy thai. Khi nghi mắc nên đến cơ sở y tế để khám và điều trị.
Hỏi:Hiện có vacine tiêm phòng sốt xuất huyết không?
Bác sĩ Nguyễn Đình Thực: Hiện tại chưa có vaccine, không có thuốc đặc hiệu phòng chống sốt xuất huyết.
Hỏi: Bệnh này có lây trực tiếp từ người sang người không?
Bác sĩ Nguyễn Đình Thực:Bệnh sốt xuất huyết không lây truyền trực tiếp từ người sang người mà lây truyền qua muỗi vằn đốt.
Hỏi: Nguồn truyền nhiễm bệnh sốt xuất huyết là gì thưa bác sĩ? Nhà tôi phun thuốc muỗi định kỳ và có thói quen không nằm màn có nguy cơ lây bệnh không?
Bác sĩ Nguyễn Đình Thực: Nguồn truyền nhiễm là người đang bị sốt xuất huyết (trong 5 ngày đầu lượng virus trong máu ở người rất cao). Việc phun thuốc định kỳ và thói quen không mắc màn khi ngủ vẫn có nguy cơ mắc bệnh sốt xuất huyết bởi muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết có thể bay trong phạm vi bán kính 200 m và thời gian hoạt động của muỗi thường từ 6-7 giờ sáng và 17-18 giờ chiều.
Hỏi:Xin ông cho biết muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết thường sinh sản ở đâu? Bệnh thường xuất hiện vào thời điểm nào nhiều nhất trong năm?
Bác sĩ Nguyễn Đình Thực: Muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết thường đẻ trứng ở các dụng cụ chứa nước sạch xung quanh trong nhà, các hốc cây, kẽ lá, vỏ lốp xe, các chum vại, chai lọ có đọng nước. Trứng muỗi tồn tại ở môi trường hanh khô trên 6 tháng, mỗi con muỗi có thể đẻ trung bình từ 60-100 trứng/lần. Miền Nam lưu hành bệnh sốt xuất huyết quanh năm, miền Bắc thường từ tháng 5-11.
Hỏi:Qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi được biết trên địa bàn tỉnh ta đã có hơn 100 trường hợp nghi mắc sốt xuất huyết, trong đó có nhiều bệnh nhân từ vùng dịch trở về địa phương, tôi rất lo lắng khi gặp gỡ và tiếp xúc với những người này, làm cách nào để phòng tránh?
Bác sĩ Nguyễn Đình Thực: Các trường hợp nghi mắc sốt xuất huyết từ vùng dịch trở về phải giám sát trong vòng 14 ngày. Nếu thấy xuất hiện các triệu chứng như đã nêu ở trên thì nên đến các cơ sở y tế điều trị. Tại nhà bệnh nhân cũng như các hộ xung quanh nên tổ chức tổng vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, lăng quăng, loại trừ các ổ bọ gậy, sử dụng các biện pháp cơ học để xua đuổi muỗi và các biện pháp phòng tránh muỗi đốt.
Hỏi:Tôi sinh sống ở vùng nông thôn, nơi có nhiều bụi rậm, ao tù nước đọng, đây cũng là môi trường lý tưởng cho muỗi trú ngụ. Nông thôn cũng trở thành nơi dễ bùng phát bệnh sốt xuất huyết hơn so với thành phố có phải không thưa bác sĩ?
Bác sĩ Nguyễn Đình Thực: Muỗi Aedes Aegypti hoạt động chủ yếu ở thành phố và thường gây dịch lớn. Muỗi Aedes albopictus (muỗi vằn châu Á) sinh sống chủ yếu ở vùng nông thôn thường gây các ổ dịch lẻ tẻ.
Hỏi: Khi muốn tự xử lý, phun thuốc muỗi tại nhà thì tôi cần phải chú ý, lưu ý những gì, mua ở đâu, loại thuốc gì?
Bác sĩ Nguyễn Đình Thực: Mua thuốc diệt muỗi nên đến các cửa hàng vật tư y tế. Thuốc diệt muỗi có nhiều loại, phải kể đến là Permethrin 50 EC; Pedonal...
Hỏi: Tôi từng bị SXH 3 năm trước. Tôi đã từng bị rồi giờ có nguy cơ bị lại không thưa bác sĩ?
Bác sĩ Nguyễn Đình Thực:Mắc sốt xuất huyết rồi vẫn có thể bị mắc lại do khác tuyp (trừ khi mắc đủ 4 tuyp).
Hỏi:Tôi được biết diễn biến phức tạp của dịch bệnh SXH nên khá lo lắng cho sức khỏe gia đình người thân và cộng đồng. Bác sĩ cho chúng tôi biết phải làm thế nào để phòng tránh dịch bệnh tốt nhất cho con, tôi có 2 con nhỏ 1,5 tuổi và 5,5 tuổi.
Bác sĩ Nguyễn Đình Thực:Để chủ động phòng chống sốt xuất huyết cho bản thân và gia đình, bạn nên chủ động phòng chống muỗi đốt bằng cách khi ngủ kể cả ngủ trưa bắt buộc phải nằm màn, mặc quần áo dài tay vào các thời điểm muỗi hoạt động mạnh, sử dụng các biện pháp cơ học hoặc hóa chất để xua đuổi, diệt muỗi. Loại trừ các ổ bọ gậy ở trong nhà cũng như xung quanh nhằm làm giảm mật độ muỗi trưởng thành.
Hỏi: Cách đây 5 ngày con tôi bị sốt và tôi có đưa đi khám, xét nghiệm cháu không mắc SXH mà do viêm VA. Nhưng khi dứt sốt cháu nổi các ban đỏ nhỏ li ti trên người rất đậm. Xin hỏi bác sĩ, liệu tôi có cần cho cháu đi xét nghiệm lại xem cháu có sốt xuất huyết hay không và cháu hết sốt rồi nhưng vẫn còn rất mệt thì có nguy hiểm nữa không?
Bác sĩ Nguyễn Đình Thực: Bạn vẫn nên đưa conđến cơ sở y tế để được tái khám.
Hỏi:Bác sĩ có khuyến cáo gì những người có triệu chứng sốt trong bối cảnh dịch bệnh tăng mạnh như hiện nay. Đặc biệt, nếu điều trị không đúng cách có thể nguy hiểm tới tính mạng.
Bác sĩ Nguyễn Đình Thực:Tất cả các trường hợp có sốt hoặc nghi ngờ mắc sốt xuất huyết, đặc biệt có yếu tố dịch tễ từ vùng dịch trở về nên đến ngay cơ sở y tế để được theo dõi và điều trị. Tuyệt đối không được tự điều trị ở nhà.
Hỏi: Thưa bác sĩ, bác sĩ cho hỏi sau thời gian bao nhiêu lâu kể từ khi có triệu chứng nghi SXH thì xét nghiệm máu sàng lọc SXH cho kết quả chính xác nhất?
Bác sĩ Nguyễn Đình Thực: Chẩn đoán xác định trong phòng thí nghiệm bằng phân lập/phát hiện vật liệu di truyền hoặc kháng nguyên virus trong máu trong 5 ngày đầu kể từ sốt. Phát hiện kháng thể IgM kháng virus Dengue đặc hiệu trong huyết thanh từ sau ngày thứ 5.
Cuộc tư vấn trực tuyến kết thúc, xin chân thành cảm ơn khách mời và bạn đọc!