Các môn thể thao dưới nước: Khó vẫn có huy chương

Trong nước - Ngày đăng : 07:26, 20/08/2017

Phải tập luyện, thi đấu trong điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn nhưng hai đội tuyển đua thuyền rowing và canoeing tỉnh ta vẫn duy trì được thành tích cao...



Hầu hết các thuyền tập luyện của vận động viên trẻ đội tuyển rowing,

canoeing tỉnh ta đều cũ kỹ, lạc hậu, không đủ tiêu chuẩn


Vá thuyền, tập trộm

Hồ Bạch Đằng nằm cạnh đường Thanh Niên (TP Hải Dương) là nơi đào tạo các vận động viên (VĐV) trẻ cho 2 đội tuyển đua thuyền rowing và canoeing tỉnh ta. 12 chiếc thuyền phục vụ các VĐV tập luyện tại đây đều đã qua sử dụng từ chục năm nay, lạc hậu, cũ kỹ, chắp vá nhiều chỗ. Trong số này có mấy chiếc gần như không còn giá trị sử dụng. Thuyền cũ nên thường xuyên xảy ra sự cố. Nhiều khi thuyền bị thủng, nứt hoặc bị gẫy, các huấn luyện viên (HLV) phải tự bỏ tiền túi đi mua keo, nhựa, sợi thủy tinh về vá. Một số tay chèo bằng carbon đã bị hỏng nhưng không có tiền đầu tư mua mới nên HLV phải chế tay chèo bằng gỗ để các VĐV tập luyện.

HLV canoeing Lê Thị Vân cho biết 2 môn canoeing và rowing có hơn 20 VĐV trẻ. Cấu trúc cơ thể của VĐV đua thuyền (cân nặng, sải tay, góc độ xoay…) có sự khác nhau nên đòi hỏi mỗi VĐV phải có một thuyền riêng để tập luyện thì mới phát huy hiệu quả. Tuy vậy, do số lượng thuyền hạn chế, lại thường xuyên hư hỏng nên các VĐV phải thay nhau tập luyện theo nhóm. Điều này không chỉ ảnh hưởng lớn tới kỹ thuật của VĐV mà còn làm các HLV mất thêm nhiều thời gian hướng dẫn, công tác quản lý cũng gặp không ít khó khăn. 

Trung tâm Huấn luyện đua thuyền Sông Giá ở huyện Thủy Nguyên (TP Hải Phòng) là nơi tập luyện của các VĐV canoeing và rowing chủ chốt của tỉnh ta (chuyên đi thi đấu giành huy chương). Hiện tại, gần 50 VĐV của 2 đội tuyển này chỉ có hơn 20 chiếc thuyền để tập. Hầu hết các thuyền đều do Việt Nam sản xuất, chất lượng hạn chế, chỉ có thể dùng cho việc tập luyện mà không thể sử dụng để thi đấu đỉnh cao, tranh huy chương. Có 6 chiếc thuyền do nước ngoài sản xuất nhưng cũng chỉ là thuyền hạng B và đã qua 7 năm sử dụng, một số chiếc bị vỡ, gẫy càng. “Cùng 1 cự ly, cùng 1 VĐV nhưng nếu đi thuyền hạng A do nước ngoài sản xuất sẽ về đích trước 15 giây so với thuyền  sản xuất tại Việt Nam. Nói như thế để thấy việc phải tập luyện trong điều kiện cơ sở vật chất vừa thiếu, vừa yếu sẽ ảnh hưởng thế nào đến thành tích của VĐV”, HLV đội tuyển đua thuyền rowing Hải Dương Trần Thị Kim Oanh nói.

Thuyền rowing tiêu chuẩn chỉ nặng 14 kg với thuyền đơn, 27 kg với thuyền đôi và 50 kg với thuyền bốn. Song hầu hết các thuyền mà các VĐV Hải Dương đang tập luyện đều nặng hơn mức tiêu chuẩn này từ 3 - 8 kg. Để về đích ở cự ly 2.000 m sẽ cần khoảng 250 chèo. Nếu đi thuyền nặng hơn 3 kg so với tiêu chuẩn thì VĐV sẽ phải gánh thêm trọng lượng 750 kg. Như vậy, thuyền sẽ đi chậm hơn, VĐV mất nhiều sức hơn, ảnh hưởng lớn đến thành tích.

Nếu so sánh cơ sở vật chất của môn đua thuyền thì Hải Dương kém xa các tỉnh, thành phố lân cận. Ngay tại Trung tâm Huấn luyện đua thuyền Sông Giá, mỗi VĐV đội tuyển canoeing, rowing Hải Phòng được trang bị một thuyền hạng A, được tập thể lực trong phòng rộng rãi với trang thiết bị hiện đại. Trong khi đó, các đội tuyển đua thuyền tỉnh ta phải ở một khu nhà hai tầng chật chội, các trang thiết bị tập thể lực phải kê ra vỉa hè, nếu có mưa kéo dài lại phải chuyển vào trong phòng ngủ để tập.

Trước kia, các VĐV môn đua thuyền tỉnh ta tại Trung tâm Huấn luyện đua thuyền Sông Giá thường xuyên phải mượn, thậm chí vài lần phải tập trộm thuyền của đội bạn. Tại một số giải đua thuyền rowing và canoeing vô địch quốc gia, các VĐV tỉnh ta cũng phải mượn thuyền của VĐV tỉnh bạn để tập luyện, khởi động.

Ngoài cơ sở vật chất hạn chế, chế độ ăn uống, đi lại, đãi ngộ dành cho VĐV các đội tuyển đua thuyền của tỉnh ta cũng kém nhiều so với đội tuyển các tỉnh, thành phố khác.

Khẳng định vị thế

"Cùng 1 cự ly, cùng 1 vận động viên nhưng nếu đi thuyền hạng A do nước ngoài sản xuất sẽ về đích trước 15 giây so với thuyền sản xuất tại Việt Nam."


Khó khăn là thế nhưng những năm gần đây các VĐV 2 đội tuyển rowing và canoeing của tỉnh ta vẫn luôn thi đấu hiệu quả, giành thành tích ấn tượng, khẳng định được vị thế trên đường đua xanh. Hải Dương luôn là một trong 3 đơn vị mạnh nhất cả nước về đua thuyền rowing. Đội tuyển canoeing cũng duy trì thành tích xếp thứ 6 - 7 toàn quốc.

Tại Giải đua thuyền rowing và canoeing vô địch trẻ quốc gia 2017, mặc dù chỉ tham gia 12 trong tổng số 22 nội dung nhưng đội tuyển rowing Hải Dương vẫn xuất sắc vượt qua các đoàn được đầu tư mạnh là Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh để đứng đầu toàn đoàn với 6 huy chương vàng, 1 huy chương bạc và 1 huy chương đồng. Đội tuyển canoeing tham gia 21 trong tổng số 64 nội dung thi đấu nhưng cũng xếp thứ 7 trong số 25 đoàn tham dự.

Không chỉ liên tục mang thành tích về cho thể thao tỉnh nhà, 2 môn rowing và canoeing còn đóng góp nhiều tay chèo cho đội tuyển quốc gia. Mới đây, tại Giải đua thuyền rowing vô địch và vô địch trẻ Đông Nam Á năm 2017 diễn ra tại TP Đà Nẵng, 5 VĐV người Hải Dương đã thi đấu xuất sắc, giành được 6 huy chương vàng và 1 huy chương bạc, góp phần giúp đội chủ nhà Việt Nam nhất toàn đoàn. Đầu tháng 6 vừa qua, VĐV canoeing Hải Dương Nguyễn Thị Tuyết (sinh năm 1999) đã cùng 3 VĐV khác của đội tuyển Việt Nam làm nên kỳ tích tại Giải Canoe nữ vô địch thế giới 2017 tổ chức tại Hungary. Tại giải này, đội tuyển Việt Nam đã xuất sắc đứng thứ nhì toàn đoàn. Đây là thành tích tốt nhất của đội tuyển canoeing nữ Việt Nam tại một giải đấu quốc tế từ trước đến nay.

Theo HLV Trần Thị Kim Oanh, thành tích của cả 2 đội tuyển rowing, canoeing tỉnh ta có được như ngày hôm nay được bắt nguồn từ phương pháp huấn luyện, giáo dục, quản lý bài bản, nghiêm túc, chặt chẽ. HLV luôn gần gũi, quan tâm, lắng nghe, chia sẻ, định hướng cho các VĐV trong mọi hoạt động, giáo dục các em luôn sống có đạo đức, đoàn kết, tự giác học tập, khắc phục mọi khó khăn, phát huy hết nội lực trong tập luyện và thi đấu…

BÌNH MINH