Chuyến thăm lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và quan hệ Việt Nam-Indonesia

Tin tức - Ngày đăng : 08:21, 21/08/2017

Chuyến thăm này mang nhiều ý nghĩa lịch sử bởi vì đây là lần đầu tiên Tổng Bí thư thăm chính thức Indonesia kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ đối tác chiến lược.


Đây là nhận định của  TS Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược ngoại giao.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ thăm chính thức Indonesia từ ngày 22 - 24.8, thăm cấp nhà nước Myanmar từ 24 - 26.8. Chuyến thăm nhằm xác định khuôn khổ quan hệ thể hiện dấu mốc mới, tầm cao mới, xung lực mới cho quan hệ hai nước trên tất cả các lĩnh vực.



Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng


Đã gần 6 thập kỷ thiết lập quan hệ ngoại giao, kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng thống Sukarno xây đắp nên tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai dân tộc, trải qua nhiều thăng trầm lịch sử mối quan hệ Việt Nam- Indonesia đang ngày càng có bước phát triển mạnh mẽ và quan trọng. Quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Indonesia không chỉ là quan hệ song phương mà còn quan hệ đa phương trong khuôn khổ các nước ASEAN. Mặt khác, quan hệ giữa Việt Nam- Myanmar cũng đang trong quá trình phát triển và ngày càng có nhiều ý nghĩa thiết thực.

Cả Indonesia và Myanmar đều là hai đối tác quan trọng của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á. Vì thế mà chuyến thăm của Tổng Bí thư và lãnh đạo cấp cao lần này không chỉ củng cố nền tảng quan hệ song phương mà còn thúc đẩy việc mở rộng các hợp tác dựa trên các cơ chế, khuôn khổ hợp tác khác trên bình diện đa phương.

Chuyến thăm này mang nhiều ý nghĩa lịch sử bởi vì đây là lần đầu tiên Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Indonesia kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ đối tác chiến lược. Một ý nghĩa nữa mà chuyến thăm mang lại, đó là hứa hẹn mở ra tương lai phát triển quan hệ giữa Việt Nam với Indonesia cũng như với Myanmar trong thời kì mới.

Kể từ khi Myanmar mở cửa cải cách, hoàn thành tiến trình hóa dân chủ, chuyển đổi thể chế thì đây là thời điểm chín muồi để thúc đẩy quan hệ giữa hai nước một cách sâu sắc hơn. Tính đến hết năm 2016, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Myanmar ước đạt 536 triệu USD, vượt mục tiêu kim ngạch 500 triệu USD mà lãnh đạo cấp cao hai nước đã đặt ra.

Đến hết tháng 2.2017, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã đầu tư trên 2 tỷ USD vào các dự án tại Myanmar, nhiều thương hiệu sản phẩm và dịch vụ của Việt Nam đã có mặt tại Myanmar và được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng cũng như giá thành cạnh tranh. Chuyến đi này góp phần thúc đẩy khuôn khổ hợp tác, củng cố hơn nền tảng về mặt pháp lý, ổn định về mặt chính trị trong quan hệ hai nước để thuận lợi hơn nữa cho dòng đầu tư thương mại giữa hai bên.

Tiếc rằng, trong một vài năm trở lại đây, đặc biệt sau khi Chính phủ Việt Nam có chủ trương hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ cho thấy số lượng tàu bè và ngư dân Việt Nam ra khơi đánh bắt các khu vực biển xa ngày càng nhiều, từ đó đã nảy sinh nhiều cuộc xung đột mới trên biển. Giữa hai quốc gia Việt Nam và Indonesia hiện nay chưa có những phân định vùng thềm lục địa chồng lấn rõ ràng. Hai bên cũng chưa có các cơ chế toàn diện để xử lí vấn đề này.

Phó Tổng thống Indonesia đã khẳng định trong một cuộc hội kiến với Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại Thủ đô Jakata vào ngày 21.7 vừa qua rằng, ông sẽ chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp với Việt Nam trong vấn đề ngư dân - tàu thuyền và ghi nhận đề nghị của Việt Nam về việc gia hạn Hiệp định thông báo và trợ giúp lãnh sự và Bản ghi nhớ về hợp tác Biển và Nghề cá ký năm 2010. Hy vọng thông qua chuyến đi của Tổng Bí thư sẽ thúc đẩy được giải pháp tổng thể có lợi cho cả hai bên trong việc giải quyết các tranh chấp trên biển.

TS TRẦN VIỆT THÁI, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược ngoại giao.