Vay nặng lãi - tự chui vào thòng lọng. Bài 1: Mánh khóe tinh vi
Hồ sơ phá án - Ngày đăng : 11:24, 25/08/2017
Bằng những thủ đoạn tinh vi, các đối tượng cho vay nặng lãi dễ dàng đưa "con mồi" vào tròng.
Minh họa: Phùng Hà
Vốn là khách hàng quen của một số tiệm cầm đồ, cho vay lãi tại huyện Ninh Giang nên Bùi Văn T. (sinh năm 1989) có thể kể vanh vách từng điểm cho vay tiền với các mức lãi khác nhau. Để tận mắt chứng kiến một cuộc giao dịch cho vay lãi, tôi đã nhờ T. cho đi cùng đến một tiệm cầm đồ. Từng vay ở đây nên T. và chủ quán tỏ ra khá gần gũi: “Em đang bí quá, bác bắn cho em 10 củ?” , T. nói. “Chú lấy lâu không?”, chủ quán tên Q. hỏi lại. “Em mượn chục ngày thôi!”. Nghe T. trả lời, chủ quán đi vào phía trong mang ra 9 triệu đồng đưa cho T. rồi bảo: “Chú đưa anh mượn chứng minh thư rồi cho anh xin chữ ký vào đây”. Rất nhanh chóng, T. ký rồi điểm chỉ ngón tay vào quyển sổ của người này, xong rồi ra về. Khi tôi thắc mắc vì sao vay 10 triệu mà lấy được có 9 triệu thì T. giải thích: "Đấy là người ta trừ tiền lãi 10 ngày rồi. Mỗi ngày tiền lãi 10 nghìn đồng một triệu mà. Chục ngày nữa em phải trả người ta đúng 10 triệu là xong".
Thời gian giao dịch diễn ra trong vòng chưa đầy 5 phút. T. cho biết ở những chỗ thân quen hơn thì thủ tục vay còn đơn giản hơn nhiều. Chỉ cần gọi điện trước rồi đến lấy tiền và hằng tháng đóng tiền lãi đầy đủ là được. Chủ nợ cũng sẽ tạo điều kiện không giữ giấy chứng minh nhân dân, không chiết khấu lãi trước và lãi suất cũng mềm hơn, mỗi triệu phải trả lãi từ 4.000 - 8.000 đồng/ngày.
Theo lời của T., việc vay tiền nhìn có vẻ dễ dàng như vậy nhưng nếu muốn vay nhiều thì không hề đơn giản. Với T. thì chỉ có thể vay được 20 triệu đồng, còn đối với những thanh niên gia đình có điều kiện thì sẽ vay được nhiều hơn. "Bọn chủ nợ nó cũng nhìn mặt bắt hình dong chứ không phải muốn vay bao nhiêu cũng được. Em có thằng bạn con nhà khá giả vừa vào trại vì nghiện. Nó đi mấy tuần thì mới vỡ lở ra nợ bọn cho vay nặng lãi gần 200 triệu đồng".
Qua tìm hiểu, kiểu giao dịch trên cũng là phương thức làm ăn phổ biến mà hầu hết những đối tượng cho vay nặng lãi đang áp dụng hiện nay. Mặc dù cho vay với lãi suất "cắt cổ" lên tới 365%/năm nhưng do không ghi vào hợp đồng hay giấy vay nên họ dễ dàng lách luật. Đây cũng là một trong những nguyên nhân mà lực lượng chức năng chưa xử lý được trường hợp nào vi phạm quy định lãi suất cho vay trên địa bàn tỉnh từ trước tới nay.
Mượn điều kiện kinh doanh
Hiện nay hoạt động "tín dụng đen" trên địa bàn tỉnh diễn biến khá phức tạp. Các đối tượng cho vay nặng lãi thường núp bóng các cơ sở cầm đồ, hoặc biến tướng dưới hình thức chơi hụi, họ, cho vay đáo hạn ngân hàng...
Đặc trưng của những giao dịch trên là thủ tục đơn giản, đôi khi không cần điều kiện bảo đảm nào như tài sản thế chấp, khả năng trả nợ... Thế nhưng đó chỉ là những khoản vay ít. Với những khoản tiền vay lớn, hình thức có vẻ dễ dàng nhưng vẫn có các chiêu trò xảo quyệt để ràng buộc người vay. Trao đổi với một cán bộ điều tra, được biết thủ đoạn mà bọn cho vay nặng lãi thường dùng là ép người vay phải ghi giấy bán tài sản thế chấp với số tiền đã vay cộng với lãi suất mà bọn chúng đưa ra. Thực tế số tiền này thấp hơn nhiều so với giá trị tài sản. Trực tiếp chỉ đạo điều tra, triệt phá một số vụ án liên quan đến hoạt động cho vay nặng lãi, trung tá Tiêu Văn Liễn, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh) cho biết: "Thời gian gần đây, các thủ đoạn cho vay nặng lãi ngày càng tinh vi, phức tạp hơn. Ví dụ, để con nợ phải trả tiền, các đối tượng cho vay ép họ thuê xe ô tô của bọn chúng rồi mang đi thế chấp tại hiệu cầm đồ của đồng bọn. Người vay bị gây sức ép phải làm theo, không hề được cầm tiền sau khi cầm đồ chiếc xe nhưng các đối tượng cho vay đã tạo ra được tài liệu chứng minh người vay có hành vi vi phạm pháp luật, gây sức ép buộc họ phải trả tiền".
Không chỉ thủ đoạn trong cho vay mà việc đăng ký kinh doanh, bảo đảm điều kiện an ninh trật tự kinh doanh cũng đang bị các đối tượng lách luật. Theo Công an tỉnh, trên địa bàn tỉnh, bên cạnh trên 500 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ có đăng ký kinh doanh còn nhiều cơ sở hoạt động không phép, lén lút. Và kể cả trong số trên 500 cơ sở hoạt động có phép cũng rất khó xác định hoặc có căn cứ xử lý cơ sở nào do các đối tượng hình sự đứng đằng sau.
"Hiện nay, các quy định về điều kiện an ninh trật tự kinh doanh dịch vụ cầm đồ khá nghiêm ngặt như người chịu trách nhiệm về an ninh trật tự của cơ sở phải có hộ khẩu thường trú ít nhất 5 năm tại xã, phường, thị trấn nơi đăng ký đặt địa điểm hoạt động kinh doanh. Trong thời gian 5 năm liền kề trước khi đăng ký kinh doanh không bị xử lý về các hành vi chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng, cho vay lãi nặng, đánh bạc... Quy định là vậy nhưng nhiều đối tượng thuê, nhờ người khác đứng tên đăng ký kinh doanh, chứng nhận điều kiện an ninh trật tự. Chính vì vậy, chỉ khi nào bọn chúng trực tiếp gây ra hành vi phạm pháp thì mới có thể xử lý", trung tá Liễn phân tích.
HẠO NHIÊN