Bão số 7 di chuyển thần tốc, xuất hiện thêm áp thấp nhiệt đới

Môi trường - Ngày đăng : 10:46, 26/08/2017

Sáng 26.8, bão Pakhar đã đi vào khu vực bắc Biển Đông, trở thành cơn bão số 7. Trong khi đó, ngay trên biển Đông lại hình thành một cơn áp thấp nhiệt đới mới.


Trên Biển Đông cùng lúc xuất hiện bão số 7 và áp thấp nhiệt đới. Ảnh: NCHMF


Tại cuộc họp phòng chống bão sáng 26.8, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng Phòng Dự báo khí tượng hạn ngắn cho biết, lúc 7h, bão Pakhar đã mạnh lên thành bão số 7.

Hiện bão còn cách đảo Luzon, Philippines khoảng 100km về phía Tây. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 11.

Trong 24 giờ tới, bão di chuyển rất nhanh theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được 30km. Đến sáng mai, bão sẽ còn cách bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) khoảng 300km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh lên cấp 11 (100-115km/giờ), giật cấp 13.


24 giờ tới, vùng nguy hiểm (gió mạnh từ cấp 6 trở lên): phía Bắc vĩ tuyến 16,0 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 111,0 độ Kinh Đông. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Cũng trong sáng 26.8, trên giữa Biển Đông xuất hiện một cơn áp thấp nhiệt đới. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.

Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển chậm theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 5km. Đến sáng mai còn cách bờ biển các tỉnh Bình Định - Khánh Hòa khoảng 230km về phía Đông với sức gió không đổi.

Ông Hưởng cho biết, khi tương tác với áp thấp nhiệt đới, bão số 7 có thể di chuyển dịch xuống phía Nam, do đó vùng tác động đến miền Bắc nước ta sẽ lớn hơn so với bão số 6.

Với áp thấp nhiệt đới, ông Hưởng nhận định trong vòng 24 giờ tới không mạnh lên thành bão, sau đó sẽ bị bão số 7 hút mất.

Do ảnh hưởng bão, từ ngày 28-30/8, toàn miền Bắc sẽ mưa to diện rộng. Tổng lượng mưa phổ biến 80-150mm, vùng núi trung du 150-200mm, có nơi trên 300mm.

“Lượng mưa tương tự như bão số 6 song nguy hiểm hơn do sẽ diễn ra dồn dập, đặc biệt tái diễn trên các khu vực đã có mưa lớn do bão số 6 nên nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất”, ông Hưởng nói.

Để đối phó với bão số 7, các hồ thuỷ điện lớn trên hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình vẫn đang mở cửa xả đáy: Hồ Hoà Bình mở 2 cửa, hồ Sơn La 1 cửa, hồ Thác Bà 2 cửa, hồ Tuyên Quang mở 3 cửa.

Kết luận cuộc họp, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài yêu cầu phải có ngay văn bản hướng dẫn các địa phương trung du, vùng núi phía Bắc đối phó với nguy cơ lũ quét, sạt lở đất. Đặc biệt tại các khu vực khai thác khoáng sản, hầm lò, khu vực đầm tràn...

“Các địa phương phải thường xuyên thông tin hướng dẫn người dân, tránh tình trạng người dân chủ quan”, ông Hoài chỉ đạo.

Ngoài ra, ông Hoài yêu cầu Quảng Ninh, Hải Phòng hết sức lưu ý hoạt động của khách du lịch cũng như hoạt động vận tải, lồng bè.

Liên quan đến vận hành các hồ chứa, Tổng cục Phòng chống thiên tai yêu cầu 6 trung tâm tư vấn ngay trong chiều nay phải gửi báo cáo và các phương án tính toán về Ban chỉ đạo.


Theo Vietnamnet