"Đảng viên gương mẫu đi đầu". Bài 2: Chủ tịch xã miệng nói, tay làm
Việc tử tế - Ngày đăng : 09:02, 14/09/2017
Anh Phạm Bá Tuyến, Chủ tịch UBND xã Thái Thịnh (bên trái) tiếp công dân tại trụ sở UBND xã
Mặc dù đối diện với nhiều khó khăn trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM), nhưng tháng 7 vừa qua, xã Thái Thịnh (Kinh Môn) đã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM. Ðóng góp vào thành công đó, phải kể đến vai trò đầu tàu, gương mẫu của Chủ tịch UBND xã Phạm Bá Tuyến.
Sâu sát với dân
Năm 2015, khi vừa tròn 39 tuổi, anh Tuyến được bầu giữ chức Chủ tịch UBND xã. Ở cương vị mới, làm thế nào để vận hành trơn tru bộ máy chính quyền, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân là điều anh luôn trăn trở. “Thời điểm năm 2015, xã còn 3 tiêu chí chưa hoàn thành là cơ sở vật chất trường học, văn hóa và môi trường. Ðây đều là những tiêu chí khó, cần nhiều vốn. Riêng môi trường là vấn đề nan giải, kéo dài nhiều năm chưa giải quyết được”, anh Tuyến nhớ lại.
Với một xã nghèo như Thái Thịnh, tổng thu ngân sách một năm chưa đạt nổi 200 triệu đồng thì để có hàng tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng là điều không tưởng. Sau khi nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm của những xã đi trước, anh Tuyến thấy phải thực hiện bằng được việc dồn điền, đổi thửa. Làm được việc đó, xã sẽ quy hoạch được đất công điền để xây dựng công trình công cộng, giảm đáng kể kinh phí đền bù cho người dân. Mặt khác, dồn điền, đổi thửa còn hình thành được các ô thửa lớn thuận tiện để phát triển sản xuất nông nghiệp.
Anh Tuyến mang ý tưởng đó ra bàn bạc và được các đồng chí lãnh đạo xã nhất trí cao. Thế nhưng khi lấy ý kiến của nhân dân thì một số người phản đối. Lường trước được khó khăn, không quản ngại vất vả, anh Tuyến đến từng gia đình để tuyên truyền, giải thích cho người dân hiểu chủ trương của xã. Ðể người dân đi lại, sản xuất thuận tiện, anh nêu ý kiến sẽ làm đường giao thông và thủy lợi trước, sau đó mới chia ruộng. Thấy hợp lý nên người dân đồng thuận. Phần lớn các hộ tự nguyện đổi ruộng cho nhau. Ðến nay, xã Thái Thịnh chỉ còn hơn 1 thửa ruộng/hộ, giảm từ 1-2 thửa so với trước. Xã cũng quy hoạch được gần 17.000 m2 đất công điền.
Ngân sách xã hạn hẹp, tiềm lực của người dân còn hạn chế nên anh Tuyến nhận định Thái Thịnh chỉ còn nguồn vốn lớn nhất là đấu giá quyền sử dụng đất để lấy kinh phí xây dựng các công trình. Nắm được nguyện vọng của nhiều người dân muốn có mặt bằng để phát triển kinh doanh, buôn bán nên anh Tuyến bàn bạc chọn những vị trí giao thông thuận lợi, gần các khu dân cư để quy hoạch, xin ý kiến cấp trên. Các lô đất xã tổ chức đấu giá đều bán được giá cao. Nhờ nguồn kinh phí này và sự hỗ trợ của cấp trên, xã đã xây dựng thêm 6 phòng học, nhà hiệu bộ, cải tạo lại sân vườn trường học. Thái Thịnh cũng vừa hoàn thành trụ sở làm việc mới trên khuôn viên rộng gần 4.700 m2 với tổng kinh phí đầu tư trên 10tỷ đồng.
Xã Thái Thịnh có nhiều hộ nuôi lợn thịt nên ô nhiễm môi trường là vấn đề nhức nhối. Ðể giảm thiểu ô nhiễm, anh Tuyến đã mời các cơ quan chuyên môn của huyện, của tỉnh về hướng dẫn. Ðến nay, tất cả các hộ chăn nuôi lợn đều xây dựng hầm biogas để xử lý chất thải. Năm nay, khi cải tạo 1,4 km trục đường chính của xã, anh Tuyến cũng quyết định làm thêm rãnh hai bên đường để thu gom nước thải, bảo vệ môi trường.
Hướng đến bền vững
Xây dựng NTM đã khó nhưng làm thế nào để giữ vững và hoàn thiện các tiêu chí theo hướng nâng cao chất lượng hơn nữa luôn là điều anh Tuyến quan tâm.
Anh Tuyến cho biết: “Trong xây dựng NTM có nhiều tiêu chí động, cần thường xuyên quan tâm. Riêng tiêu chí thu nhập đòi hỏi phải nâng cao theo từng năm nên chúng tôi phải tìm nhiều cách để giải quyết vấn đề này”. Từ năm 2015, khi thực hiện dồn điền, đổi thửa, Thái Thịnh đã quy hoạch được 3 vùng chuyên canh rộng 50 ha ở các thôn Sơn Khê, Tống Buồng và Tống Xá. Các vùng này chuyên trồng rau màu và dưa, cho thu nhập hơn 300 triệu đồng/năm, cao gấp nhiều lần cấy lúa. Hiện nay, xã cũng đang lập hồ sơ đề nghị huyện cho chuyển đổi 10 ha sang trồng cây và đào ao thả cá.
Do hạn chế về đất đai nên Thái Thịnh đã định hướng người dân chuyển sang phát triển dịch vụ, cung cấp các mặt hàng như giò chả, rau, chiếu, võng… cho các khu vực lân cận. Thời gian tới, xã sẽ tập trung xây dựng thôn Tống Xá thành làng nghề truyền thống chuyên sản xuất bánh chưng, bánh dày và giò chả. Địa phương khuyến khích người dân tự đầu tư hệ thống cống rãnh ở đường thôn, xóm để thu gom nước thải, góp phần bảo vệ môi trường.
Sau những gian nan vất vả, anh Tuyến rút ra kinh nghiệm, để mọi việc trôi chảy, thành công như hôm nay thì việc đầu tiên là phải thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, nhất là nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Với mỗi công việc cụ thể, phải lựa chọn được cán bộ phù hợp, có tinh thần trách nhiệm cao. Trong quá trình thực hiện, cấp ủy đảng, chính quyền cần thường xuyên kiểm tra, giám sát để kịp thời chấn chỉnh cũng như tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Mục tiêu của xây dựng NTM là nâng cao chất lượng đời sống cho người dân, vì thế, việc huy động sức dân tham gia một số công việc ở địa phương cũng là cách mà Thái Thịnh thực hiện để người dân hiểu hết được tầm quan trọng của phong trào và trân trọng những kết quả đã đạt được.
Nói về những việc làm của anh Tuyến, anh Nguyễn Xuân Chính, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Thái Thịnh cho biết: “Anh Tuyến là một lãnh đạo gương mẫu, có tinh thần trách nhiệm cao trong mọi công việc. Ðối với mỗi việc khó, anh Tuyến đều tìm được những biện pháp giải quyết phù hợp để đạt kết quả tốt nhất. Thành công trong xây dựng NTM ở xã Thái Thịnh hôm nay có một phần đóng góp không nhỏ của anh”.
THANH HÀ