"Trước vô cùng Cà Mau" - Một cảm quan thiên nhiên xa rộng

Dành cho người yêu thơ - Ngày đăng : 09:57, 18/09/2017

Nhắc đến Mũi Cà Mau, có lẽ mỗi người dân đất Việt đều bỗng thấy hồn mình chạm vào giây phút thẳm sâu của tâm linh, trong cái thiêng liêng, bồi hồi ngân vọng, cái ngọn nguồn của bóng hình non sông - đất nước.

Trước vô cùng Cà Mau


                 Tôi đến Cà Mau
                 Mũi con tầu Tổ quốc (*)
                 Giữa mênh mông đất trời
                 Và xanh bao la của đước
                 Nghe âm vang lời thơ
Thuở cha ông mang gươm đi mở nước (*)
Vẫn đau đáu tấc lòng gửi lại đất Thăng Long

Tôi - chiều nay - đứa con từ dải sông Hồng
Vượt ngàn dặm đến dầm chân bên sóng
Nghe trong gió, trong phù sa ấm nóng
Có vị mặn nồng của máu lẫn mồ hôi

Phía trước tôi là biển lẫn trời
Phía sau tôi đước ngời xanh mặt đất
Những mái nhà, những cư dân thuần Việt
Đời nối đời mở cõi - đất Cà Mau

Cho chiều nay tôi đến mũi con tàu
Biển dội sóng và lòng tôi dội sóng
Xin một phút chắp tay, cúi đầu im lặng
Trước vô cùng
                       Trời
                            Biển
                                 Sóng
                                      Cà Mau...

(*) ý của Xuân Diệu và Huỳnh Văn Nghệ

HÀ CỪ


Mũi Cà Mau, phần cơ thể yêu thương và máu thịt của giang sơn nước Việt, nơi cực Nam nổi tiếng, cũng là nơi duy nhất, khi người hành trình đứng đó, có thể chiêm ngưỡng mặt trời mọc lên ở biển phía đông và lặn chìm ở phía tây đại dương dào dạt, vời xa... Mũi Cà Mau với rừng tràm, rừng đước và biển cả mênh mông đã tạo nên bức tranh khổng lồ, hài hòa và tuyệt mỹ với rất nhiều danh thắng.

Quá trình đem hồn mình thấm trải với những chuyến đi không mỏi của cuộc đời làm báo, làm văn, những mong, người viết có trong mắt ngàn vạn núi sông kỳ lạ, để may ra có được câu thơ thật sự là “thần cú thần tự” nào chăng? Và "đất Mũi Cà Mau” là tên đất, là một vùng giang sơn đất Việt, là cái “gặp” mà Hà Cừ đã tận mắt diện kiến, đã bám chặt lấy hiện thực sinh động này làm nguồn mở. Đã lấy nó làm hai dòng chảy đan xuyên: “đất Mũi” và phía cảm rung của tâm hồn mình, để “Trước vô cùng Cà Mau” là bài thơ của ông được kết tinh, được hiện hình trước quá trình vận động linh diệu, tạo nên giá trị phản ánh, tạo nên sức neo đậu nơi con tim người đọc.

Phải nói, điều ghi nhận trước nhất ở “Trước vô cùng Cà Mau” là trên thi đàn đất nước, những thi phẩm viết về vùng lịch sử, danh thắng đất này còn chưa nhiều, chưa tương xứng và có thể nói là mờ thưa, khuất. Hàng thế kỷ xa người ngóng trông và đi cùng đất Mũi chỉ nghe câu ca dao ai hát: “Cà Mau khỉ khọt trên bưng/Dưới sông sấu lội, trên rừng cọp um”... Rồi câu thơ: “Tổ quốc tôi như một con tầu/Mũi thuyền ta đó, Mũi Cà Mau...” của Thi sĩ Xuân Diệu... Và như thế, có nghĩa, “Trước vô cùng Cà Mau” của Hà Cừ cùng với những bài thơ hiện diện ấy đã đóng vào lịch sử thi ca, chiếm giữ một vị trí ban đầu, khẳng định giá trị dấu ấn “văn bia” quý hiếm mang ý nghĩa về một miền non nước.

Viết về Cà Mau, vùng địa danh cụ thể, Hà Cừ đã “tự thức”, đã tựa vào thế mạnh là mở rộng “đại giác”, mở rộng khả năng bao trùm, khái quát một thế giới khách thể. Người viết vừa cảm rung, vừa ngắm nhìn và tái tạo những gì là “nhỡn tiền” trước mặt. Giống như bước nhật trình, thơ và hồn thơ trong những câu thơ tự sự, cứ nối nhau, vừa gợi về cảnh đẹp, vừa tạo ra vệt loang thấm từ chiều sâu của hồn vía thi nhân.

Hãy đọc: “Tôi đến Cà Mau/Mũi con tầu Tổ quốc/Giữa mênh mông đất trời/Và xanh bao la của đước...”

Vâng. Trên cái nền là “Cảnh” từ Mũi đất, từ trời biển mênh mông, từ màu xanh bao la của đước... cái tình trong hồn người đã khai sáng và bước ra, đã đi vào “thi ảnh”, đã làm nên “lễ cưới” trong con tim thi sĩ. Đã làm mờ đi cái “cái cảnh”, “cái cớ” bề mặt... Để chỉ còn dội vang một tiếng lòng, một chiều sâu loang thấm của tâm tình, hoài niệm. Để từ cảnh vật bao la kia, mà nhà thơ đóng vai trò chủ thể “có cớ” tung hoành trong liên tưởng, có cớ nhớ về: “Thuở cha ông mang gươm đi mở nước”... Với: “...đau đáu tấc lòng gửi lại đất Thăng Long”...

Quả tình “Trước vô cùng Cà Mau” là giọt nước trong xanh đã gieo vào con tim người viết và làm nên “cảm quan lớn”. Thơ là khoảnh khắc thăng hoa. Nhưng ở đây, thơ viết về đất Mũi đâu phải là góc hẹp? Đâu phải là khoảnh khắc của nỗi buồn nho nhỏ, tư riêng? Của phút chia tay, của chiều nhớ nhung, cô đơn, lầm lỡ? Mà là giao cảm hai chiều hiện tại, quá khứ với thi nhân. Là: “Tôi - chiều nay - đứa con từ dải sông Hồng/Vượt ngàn dặm đến dầm chân bên sóng”... Để “Trước vô cùng Cà Mau” kia mà:“Nghe trong gió, trong phù sa ấm nóng/Có vị mặn nồng của máu lẫn mồ hôi”...

Rõ ràng, đất Mũi Cà Mau đã hóa thành tấm phông lớn của lịch sử, đất nước, con người với bao nhiêu suy tư, day trở được hiện hình trên một không gian lớn với một cảm quan đòi hỏi thơ, đòi hỏi nhà thơ, một năng lực phải vươn tới sức khái quát và liên tưởng rộng xa. Bởi vậy, lấy cái trực giác qua mô tả mà vừa đi vừa khơi sâu, vừa phải biết quay về cái phát hiện, cái kiến giải, cái đằng sau sự kiện, nó luôn luôn phải “lớn hơn sự kiện” thế này: “Những mái nhà, những cư dân thuần Việt/Đời nối đời mở cõi - đất Cà Mau”... Hoặc:“Cho chiều nay tôi đến mũi con tàu/Biển dội sóng và lòng tôi dội sóng”...

Vâng. Những tiếng sóng từ nhiều phía, nhiều chiều cùng dội lên, khi ngắt quãng, khi đồng vọng. Rằng “Trước vô cùng Cà Mau” trước một dải non sông - đất nước? Hay phải chăng đấy chính là mảnh hồn thi sĩ đang trải rộng, đang dội sóng, đang loang thấm tới vô cùng một tình yêu thiêng liêng trong cảm rung mãnh liệt?... 

Hòa cùng bài thơ “Trước vô cùng Cà Mau” người đọc được sẻ chia, nhập cuộc với mạch dẫn da diết, đượm nồng. Một cõi lòng dễ rưng rưng, nhẹ thấm. Với lấp lánh đồng hiện giữa thực tại và khoảng mơ hồ xa ngái trong cảm thức cội nguồn. Rồi lòng day trở, như đeo nặng trên mình chút gồng gánh của tình yêu quê hương, đất nước; của thế sự, cuộc đời; của con người với ngàn xưa, tiên tổ...

Với “Trước vô cùng Cà Mau” với lối trực tả, với nghệ thuật khơi sâu để tìm được sức "lay động" qua những gì là “tĩnh tại” từ cảnh vật bên ngoài. Bài thơ viết về đất Mũi của Hà Cừ đã kết đọng một “lưu khí”, đã lan tỏa một dư ba, thực sự làm nên giá trị ở đề tài mà người viết thành công ở quá trình tiếp cận và khai sáng. Ở chất trữ tình, ở “cái cảm, cái linh” trên dòng trôi êm xanh mà xoáy, lặng.

KIM CHUÔNG