Thanh toán bằng thẻ còn nhiều trở ngại
Thị trường - Ngày đăng : 08:08, 21/09/2017
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hải Dương đã tích cực triển khai nhiều giải pháp nhưng hiện tỷ lệ người dân không dùng tiền mặt trong thanh toán chưa nhiều.
Mặc dù siêu thị Intimex Hải Dương trang bị nhiều máy POS nhưng ít khách hàng sử dụng thẻ thanh toán
Để tiến tới thanh toán không dùng tiền mặt (KDTM), Chính phủ đã ban hành Đề án phát triển thanh toán KDTM tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hải Dương đã tích cực triển khai nhiều giải pháp nhưng hiện tỷ lệ người dân KDTM trong thanh toán chưa nhiều.
Còn nhiều bất tiện
Rất ít khi chị Nguyễn Thị Hằng, công nhân của Công ty TNHH Haivina (Gia Lộc) sử dụng thẻ để thanh toán. Khi cần chi tiêu gì chị lại ra cây ATM rút tiền mặt. “Ở chợ lấy đâu ra máy quẹt thẻ mà thanh toán. Đi siêu thị thì cũng trả tiền ngay chứ thanh toán bằng thẻ phải chờ đợi mất thời gian do máy thanh toán hay bị lỗi”, chị Hằng giải thích lý do thích dùng tiền mặt hơn thẻ.
5 lần sử dụng thẻ ngân hàng để thanh toán thì có tới 2 lần anh Dương Đình Phan ở ngõ12, phường Quang Trung (TP Hải Dương) gặp rắc rối. Anh Phan kể: Tối 9.9, anh dùng thẻ để thanh toán tại siêu thị BigC Hải Dương nhưng máy chấp nhận thẻ (POS) báo lỗi, anh lại phải trả tiền mặt. Sau đó ngân hàng vẫn nhắn tin trừ tiền trong tài khoản. Gọi điện kiến nghị với siêu thị Big C thì họ bảo anh đến ngân hàng đề nghị in sao kê và làm thủ tục khiếu nại. "Đi lại vài lần tôi mới đòi lại được tiền. Bất tiện như thế thì làm sao người dân có thể tự tin dùng thẻ để thanh toán", anh Phan nói.
Người dân ngại thanh toán bằng thẻ chủ yếu do hạ tầng, công nghệ phục vụ thanh toán chưa đồng bộ. Ngay ở TP Hải Dương không phải chỗ nào cũng có thể thanh toán bằng thẻ. Số lượng cửa hàng chủ động phối hợp với các ngân hàng lắp máy POS để thanh toán chưa nhiều. Nhiều cửa hàng sử dụng máy POS một thời gian rồi bỏ xó do ít khách hàng thanh toán bằng thẻ hoặc máy thường xuyên trục trặc. Đó là còn chưa kể thời gian gần đây thường xuyên xảy ra tình trạng mất tiền trong tài khoản do tính bảo mật của thẻ kém. “Còn nhiều hạn chế như vậy nên người dân ngại dùng thẻ, thích dùng tiền mặt trong thanh toán cũng là điều dễ hiểu”, ông Vũ Chí Việt, Giám đốc Công ty CP Sách và Thiết bị giáo dục Hải Dương nhận xét.
Một nguyên nhân khác là do các đơn vị sử dụng dịch vụ ngại mất phí. Chị Phạm Thị Hương, chủ cửa hàng kinh doanh quần áo trên phố Phạm Ngũ Lão cho biết: “Mỗi lần khách hàng quẹt thẻ ATM nội địa, chúng tôi phải mất phí cho ngân hàng ít nhất 0,5%. Nếu khách hàng thanh toán bằng thẻ tín dụng phí còn cao hơn, khoảng 2%. Bán được một bộ quần áo chỉ lãi vài chục nghìn đồng mà phải trả từng đó chi phí ngân hàng thì chúng tôi không còn lãi bao nhiêu. Nếu tính phí cho người mua thì chúng tôi sẽ mất khách. Do vậy, gần đây tôi không sử dụng máy POS để thanh toán nữa”.
Khắc phục hạn chế
Chính vì những bất tiện như vậy nên số lượng giao dịch thanh toán bằng thẻ ở tỉnh ta chỉ chiếm khoảng 20% dù theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hải Dương, hiện các ngân hàng trong tỉnh đã phát hành được 1,4 triệu thẻ ATM. Người dân chủ yếu dùng thẻ để rút tiền, thậm chí có người mở thẻ nhưng không sử dụng. Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương, Công ty CP Kinh doanh nước sạch Hải Dương đã thu tiền điện, nước qua tài khoản ngân hàng. Nhưng số lượng doanh nghiệp thực hiện việc này không nhiều, chỉ chiếm khoảng 10%. Sau hơn 1 tháng Chi nhánh Xăng dầu Hải Dương triển khai dịch vụ mua xăng dầu thanh toán bằng thẻ tại tất cả điểm bán, lượng khách sử dụng dịch vụ này rất ít. Nhiều ngân hàng thương mại thường xuyên tổ chức các chương trình khuyến mãi, tặng quà cho khách hàng thanh toán tiền điện, nước bằng thẻ ngân hàng nhưng người dân vẫn không quan tâm.
Để hướng tới KDTM trong thanh toán, theo ông Trần Anh Hùng, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hải Dương, quan trọng nhất là khắc phục những hạn chế nêu trên. Từ nay đến năm 2020, Hải Dương sẽ phát triển mạnh các điểm kinh doanh sử dụng máy POS để phục vụ thanh toán. Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ nghiên cứu cơ chế hỗ trợ để các ngân hàng thương mại đẩy mạnh phát triển mạng lưới thanh toán bằng thẻ theo hướng đồng bộ, hiện đại. Ngoài các siêu thị, điểm kinh doanh, mua sắm lớn, các ngân hàng có thể nghiên cứu phát triển các điểm thanh toán bằng thẻ tại các chợ, cửa hàng tạp hóa, bệnh viện… tiến tới người dân có thể thanh toán được tất cả các khoản chi phí bằng thẻ.
Ngoài ra, các ngân hàng cũng cần điều chỉnh mức phí thanh toán bằng thẻ hợp lý, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa ngân hàng và đơn vị chấp nhận thẻ. Việc tăng cường bảo mật, bảo đảm an toàn cho khách hàng thanh toán bằng thẻ cũng cần được chú ý, nhanh chóng thay đổi thẻ từ sang thẻ chíp. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử vì đây là điều kiện cần thiết để phát triển thanh toán KDTM trong thời gian tới. UBND tỉnh vừa yêu cầu các cấp, các ngành, đoàn thể tiếp tục thực hiện nghiêm túc và hiệu quả việc trả lương qua tài khoản cho các đối tượng hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Vận động, khuyến khích các cán bộ, công chức, viên chức tích cực thanh toán bằng thẻ khi mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hải Dương chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương chỉ đạo các đơn vị chấp nhận thẻ không được từ chối thanh toán bằng thẻ khi đã lắp đặt POS, không thu thêm phụ phí...
HẢI MINH