Luật sư đề nghị không tử hình Nguyễn Xuân Sơn

Hồ sơ phá án - Ngày đăng : 10:01, 24/09/2017

“Quy buộc Nguyễn Xuân Sơn vội vàng vô hình trung đã giải thoát cho những đối tượng nhận tiền của Sơn… ”.

 “Quy buộc Nguyễn Xuân Sơn vội vàng vô hình trung đã giải thoát cho những đối tượng nhận tiền của Sơn… Nếu kết quả điều tra 3 vụ án kia là đúng sự thật, trong khi Nguyễn Xuân Sơn bị án tử hình thì giải quyết hậu quả sai lầm này thế nào?” - luật sư nêu quan điểm.

Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn tại tòa.
Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn tại tòa.

Đề nghị điều tra bổ sung

Ngày 23.9, TAND TP Hà Nội tiếp tục xét xử đại án tham nhũng – kinh tế xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank). Mở đầu, các luật sư lên tiếng bào chữa cho Nguyễn Xuân Sơn – nguyên Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) - người bị VKSND đề nghị nhận án tử hình cho 3 tội: tham ô tài sản; lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản và cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Ông Sơn được xác định đã nhận từ Hà Văn Thắm – nguyên Chủ tịch OceanBank 69 tỷ đồng của Cty BSC (Cty con của ông Thắm); tham ô 49 tỷ đồng và chiếm đoạt 197 tỷ đồng từ nguồn tiền của OceanBank.

Luật sư Nguyễn Thị Minh Phương cho rằng số tiền mà Sơn nhận đã được chuyển cho người khác gồm ông Ninh Văn Quỳnh – Phó TGĐ PVN, Liên doanh dầu khí Vietsovpetro; Cty lọc hóa dầu Bình Sơn… Vì vậy, bà Phương đề nghị tòa trả hồ sơ điều tra bổ sung việc này.

Một luật sư khác của Nguyễn Xuân Sơn, ông Nguyễn Minh Tâm cho biết không thỏa mãn với phần đối đáp của người giữ quyền công tố tại tòa. Luật sư Tâm nhắc lại đề nghị của một luật sư đồng nghiệp, yêu cầu VKSND trả lời có đồng ý hay không việc tách 2 tội tham ô và lạm dụng chiếm đoạt để nhập vào 3 vụ án vừa được công an khởi tố ở Vietsovpetro, Bình Sơn và Tổng Cty thăm dò khai thác Dầu khí (PVEP).

Theo luật sư Tâm, đây là yếu tố quyết định tính mạng thân chủ của mình. Việc giao nhận tiền giữa các ông Sơn – Quỳnh là giao dịch được xem xét trong vụ án hình sự, Sơn không có nghĩa vụ chứng minh lời khai của mình, đó là nghĩa vụ của cơ quan tiến hành tố tụng. “Quy buộc Nguyễn Xuân Sơn vội vàng vô hình trung đã giải thoát cho những đối tượng nhận tiền của Sơn… Kết án Nguyễn Xuân Sơn chiếm đoạt toàn bộ số tiền đó thì việc khởi tố điều tra 3 vụ án kia sẽ không có ý nghĩa gì. Nếu kết quả điều tra 3 vụ án kia là đúng sự thật, trong khi Nguyễn Xuân Sơn bị án tử hình thì giải quyết hậu quả sai lầm này thế nào?” – luật sư Tâm nói.

OceanBank thuộc PVN?

Ngoài ra, các luật sư cho rằng Nguyễn Xuân Sơn không phạm tội tham ô vì không được giao quản lý tài sản của PVN tại OceanBank. Trước đó, đại diện VKSND khẳng định ông Sơn từng là đại diện phần vốn của PVN. Được biết, năm 2009, Nguyễn Xuân Sơn ký văn bản gửi Chủ tịch PVN có nội dung thông báo mình là TGĐ OceanBank và vừa được bầu làm thành viên HĐQT nhiệm kỳ 4 của ngân hàng. Trong văn bản này, ông Sơn thừa nhận mình và Nguyễn Ngọc Sự - Phó TGĐ OceanBank cùng là người đại diện phần vốn của PVN tại OceanBank.

Văn bản trên cũng thể hiện, PVN thông qua người đại diện của mình đã tham gia quá trình quản trị, điều hành và kiểm soát hoạt động của OceanBank với quyền chi phối quyết định quan trọng. Nhằm tiếp tục thực hiện thỏa thuận tham gia góp vốn đã ký giữa 2 bên, ông Sơn đề nghị Chủ tịch HĐQT PVN có văn bản gửi các thành viên thông báo việc OceanBank đã trở thành một định chế tài chính trong đó PVN nắm quyền chi phối quan trọng giống như các định chế tài chính khác như Tổng Cty CP Tài chính dầu khí Việt Nam (PVFC); Cty bảo hiểm dầu khí (PVI); Cty CP Đầu tư tài chính Công đoàn Dầu khí Việt Nam.

Đặc biệt, với chức năng là một ngân hàng thương mại, OceanBank có thế mạnh về quản lý dòng tiền, thực hiện thanh toán cho PVN và các đơn vị thành viên. Vì vậy, Nguyễn Xuân Sơn kiến nghị Chủ tịch PVN (thời điểm 2009) ra văn bản yêu cầu các đơn vị ngành dầu khí ưu tiên sử dụng dịch vụ ngân hàng và dịch vụ liên quan khác do OceanBank cung cấp.